Anh đến với tôi vào lúc tôi đang thấy cô đơn nhất, chông chênh nhất trong chuyện tình cảm. Tôi lấy anh không hẳn vì tình yêu, mà chỉ là vì anh đến đúng thời điểm. Mà như sau này anh vẫn thường trêu: "Cao thủ không bằng tranh thủ".

Tôi trẻ trung, xinh đẹp, giỏi giang. Anh hiền lành và giản dị. Tôi đã quen với những khen tặng và chiều chuộng của bao đấng mày râu theo đuổi. Còn anh chỉ lẳng lặng quan tâm tôi theo cách của anh từ những điều nhỏ nhặt. 

Có lẽ anh cũng biết vị trí của mình trong mắt tôi, anh nói: Yêu em là việc của anh, nếu không muốn em không cần để ý, cũng đừng nghĩ ngợi.

Tôi đã quyết định nhận lời anh sau khi thất tình với một thiếu gia trẻ tuổi. Đó như là một cách chạy trốn nỗi đau. Như là câu trả lời cho những mong muốn của mẹ. Mẹ nói, người phụ nữ suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là có một người chồng tử tế. Và mẹ tin, anh là người đàn ông tử tế.

{keywords}
Ảnh minh họa

Anh là một công chức nhà nước bình thường, anh bằng lòng với cuộc sống bình lặng. Anh có thời gian chăm chút tôi, lo toan việc nhà cửa. Anh để tôi thỏa sức sống với đam mê nghệ thuật của mình. Công việc của tôi hay có những chuyến đi xa, anh lo từng viên thuốc giảm đau, từng chai dầu gió. Anh yêu tôi như thế. Và tôi, đương nhiên nghĩ mình được quyền hưởng sự ưu ái đó vô điều kiện.

Kể cả sau này, khi đã có con, vì tính chất công việc của tôi, vẫn là anh chăm chút cho con nhiều hơn. Vì thế con gái tôi khác với những đứa trẻ khác, nó chỉ quấn bố ngay cả khi mẹ ở nhà. Mẹ vắng nhà cả tuần nó không thèm màng tới, nhưng bố chỉ đi vắng một hôm nó đã khản cổ khóc đòi. Cuộc sống trôi đi bình yên như thế, tuy có những điều không hoàn toàn giống như tôi mơ ước.

Thế nhưng một ngày, tôi đã không còn là tôi như trước đây. Không còn vẻ kiêu hãnh, tự tin. Có gì đó đã thay đổi. Có thật anh có người đàn bà khác? Tôi nghe cô bạn thân nói vậy, khi hơn một lần bắt gặp anh đi cùng chị ấy rất tình cảm. 

Tôi vốn không muốn tin. Mẹ tôi từng bảo anh rất tử tế. Rốt cuộc anh tử tế đến mức nào? Hóa ra đàn ông, dù giàu có hay nghèo khổ, đẹp trai hay xấu xí, giảo hoạt hay hiền lành, cuối cùng cũng như nhau cả.

Không kìm lòng được, tôi hỏi anh: “Rõ ràng em chưa từng nghe anh kêu ca phàn nàn gì em. Anh vẫn chăm chút cho em từng ly từng tý một. Anh thay đổi khi nào và tại sao?”. 

Tôi tưởng anh sẽ thảng thốt, sẽ trình bày lý do, sẽ xin tôi tha thứ. Hoặc ít ra thì cũng nói là “không có chuyện đó đâu, em hiểu nhầm rồi”. Nhưng anh chỉ chăm chú lặng nghe, rồi cau mày khổ sở: “Em có thể dành một chút thời gian để hiểu chồng em hơn được không? Người đàn ông đang ngồi trước mặt em, em đã hiểu chút nào chưa?”.

Tôi ngạc nhiên khi nhận được lời hẹn gặp của chị. Đã đến mức này rồi, đã đến lúc không còn cần giấu giếm hay sợ hãi? Tôi không muốn gặp nhau để ầm ĩ ghen tuông, để than trách chửi bới. Dù sao thì cũng cần một lời rõ ràng. Tôi ngồi trước mắt chị, cố nhìn kĩ để hiểu xem chồng tôi thích chị ấy ở điểm nào? Chị ta không có gì nổi bật, thậm chí là quá bình thường. 

Trong câu chuyện ấy, tôi biết chị là đồng nghiệp, là bạn thân của chồng mình. Chị thương anh từ ngày chị mới chân ướt chân ráo đến cơ quan được anh tận tình giúp đỡ. Nhưng chị yêu đơn phương, yêu lặng lẽ.

Nghe chị nói, tôi ngạc nhiên với cả chính mình. Là vợ, tôi còn không hiểu chồng mình bằng một người đồng nghiệp chỉ gặp anh tám tiếng mỗi ngày ở công sở. Là vợ, mà tôi không biết khi nào anh đau, khi nào anh có chuyện vui, khi nào anh gặp trắc trở trong công việc. Tôi còn không biết anh bị đau dạ dày không thể ăn những món ăn có ớt. Không biết anh đã hoảng sợ ra sao khi con sốt giữa đêm mà vợ vắng nhà.

Tôi mải mê chạy theo thế giới nghệ thuật đầy sắc màu và sống động của tôi mà quên đi rằng anh cũng cần chia sẻ. Rằng anh cũng cần một bờ vai để dựa. Cần người thay anh đón con vào những ngày anh có việc đột xuất về muộn. Cần một người biết lắng nghe anh, cùng sẻ chia những bề bộn thường ngày. Oái oăm thay, người biết chia sẻ cùng anh không phải là tôi, mà là chị ấy.

Chị nói, anh không phản bội tôi, là chị cam tâm tình nguyện. Anh là mẫu người chị mơ ước, vững chắc và tin cậy, điềm đạm và chín chắn, chu đáo và nhiệt thành. Anh từng bảo với chị: “Giá như vợ anh cũng hiểu anh như em, nhưng có lẽ anh đã yêu cả sự vô tâm của cô ấy”.

Tôi trở về sau cuộc hẹn với bao day dứt nặng trĩu. Tôi có yêu chồng không? Tôi không biết. Nhưng tôi cần anh như một điểm tựa, như một bến bờ yên ổn. Giờ tôi mới nhớ có lần anh từng nói: yêu nhau có nghĩa là hai người cùng nắm tay nhau lội ngược dòng nước xiết, rất vất vả, rất khó khăn. Chỉ cần lơ là buông tay một chút thôi là dòng nước kia sẽ cuốn trôi đi mất không cách nào nắm tay nhau được nữa.

Cảm ơn chị, người đàn bà yêu anh. Chị đã kéo tôi về với gia đình của chính mình, buộc tôi phải thay đổi suy nghĩ và cách sống. Người đàn ông hiền lành và bình thường ấy hóa ra lại là mơ ước của bao nhiêu người. Anh yêu vợ thương con đấy. 

Anh hiền lành và nghiêm túc đấy. Nhưng ai dám chắc anh sẽ không vì buồn chán mà thay đổi? Ai dám chắc anh sẽ không ngã lòng khi cô đơn? Giả như anh có người đàn bà khác, là tại tôi hay tại anh?! Trong những cuộc chia ly, có những lúc phần sai do người ở lại.

Vậy thôi, tôi sẽ bớt vô tâm đi, sẽ dành thời gian để hiểu chồng mình, sẽ học cách cho những yêu thương mà trước giờ vốn chỉ quen đón nhận. Giờ thì tôi nhận ra mẹ tôi nói đúng: Muốn biết một người đàn bà có hạnh phúc hay không, đừng nhìn vào công danh, đừng nhìn vào tiền bạc, chỉ cần nhìn vào người đàn ông đi bên đời họ.

(Theo Dân trí)