Mẹ già lầm lũi chăm con 

Nhà bà xây dựng đơn sơ trên chỗ trũng cạnh triền đê. Bên cạnh mái tôn, vách tôn rất mới, có những chỗ được dựng tạm bằng lá. Bên trong nhà, đồ đạc bày biện ngổn ngang.

Bà là Võ Thị Mén, 95 tuổi hiện cư ngụ tại ấp 1, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công (Tiền Giang).

{keywords}
Bà Võ Thị Mén, 95 tuổi.

Bên trong nhà bà - ở gian giữa - trên chiếc giường gỗ,  một người đàn ông đứng tuổi, tóc đã bạc nhiều đang nằm ngước nhìn mọi người. Anh không nói, không biểu lộ một điều gì, chỉ im lặng. Quần áo trên người anh sạch sẽ. Đôi tay khẳng khiu.

Bà đến bên anh, cầm lấy tay xoa dịu. Chúng tôi ghi nhanh hình ảnh này thì bất ngờ anh bật lên tiếng khóc. Bà Mén cho biết, anh không thể nói được chỉ biểu lộ bằng nụ cười và tiếng khóc. Chuyện gì vui anh cười. Chuyện buồn anh khóc. Đã có nhiều người đến đây thăm, chụp hình anh, lần nào anh cũng khóc vì mặc cảm bệnh tật.

Bà Mén chia sẻ, bà có 3 người con, một người đã mất, giờ chỉ còn một người con trai, một người con gái. Người con trai trên giường bị tai biến đã 8 năm nay nằm một chỗ.

Ly dị vợ đã lâu, vợ con anh đều đã bỏ đi và không ai đoái hoài tới. Lâu lắm mới có một đứa con trở về thăm anh rồi ra đi ngay. 

{keywords}
Không làm gì ra tiền, lúc khỏe bà Mén vót cọng chổi kiếm thêm thu nhập.

Sống cùng con, hàng ngày, bà lo cơm nước, chợ búa, giặt giũ cho con. Đứa con đã già nhưng vẫn còn 'làm nũng' mẹ.

Anh không nói được, chỉ ú ớ và thường xuyên giật rách mùng, chiếu khiến bà phải sắm mới liên tục. Bà cũng phải cột thêm mỗi bên giường 2 thanh tre để chặn anh không rơi xuống đất.

Thấy hoàn cảnh đáng thương của 2 mẹ con, nhiều người thương cảm tặng bà một bếp gas và bình gas nhưng tuổi già mụ mẫm, bà không sử dụng được. 

Bà cũng cho biết, hiện nay chính quyền địa phương đã cấp sổ hộ nghèo cho bà. Bà được trợ cấp tiền người già, tiền người bệnh và người nuôi bệnh là  1.080.000đ/tháng.

'Nhiêu đó cũng đỡ lắm nhưng không đủ. Tôi phải chuốt cọng chổi, lượm ve chai thêm để có đủ trang trải cho cuộc sống', bà nói.

{keywords}
Con bà Mén, 63 tuổi nằm liệt suốt 8 năm nay trong căn nhà bằng lá. Nhờ bà con và các nhà hảo tâm giúp đỡ, vách lá đã được thay bằng tôn.

Đứa con khốn khổ

Chị là Phan Thị Phiến 66 tuổi ngụ tại Sơn Qui, thị xã Gò Công. Chị Phiến là con gái đầu của bà Mén. Cha mất đã 7 năm, gia đình chỉ còn lại 3 mẹ con. Gánh nặng trên vai đã làm cho chị già hơn tuổi.

'Mấy hôm nay, con của em phải phẫu thuật, mới xuất viện về nhà. Đang lo cho con, em nhận được tin má bệnh nên đành phải về xem má thế nào' chị Phiến buồn rầu kể lại.

Chị có chồng ở cách nhà mẹ khoảng 7km. Chồng chị không nghề nghiệp ổn định, hiện đang nhận giữ đầm để có thêm thu nhập. Còn lại, cả nhà 9 người con thêm cả cháu nội ngoại, một mình chị lo toan tất cả. Giờ đây, mẹ bệnh, không ai chăm em nên chị phải về với mẹ. 'Mà về thì tôi lại không chăm lo được cho con cho cháu nên rất khổ tâm và khó nghĩ', chị nói.

{keywords}
Nhà bà Mén ở dưới chân đê.

Bình thường, cách vài ngày chị về một lần lo ăn lo uống, tắm giặt cho mẹ và em. Những việc khó, việc nặng chị đảm đương hết. Cũng nhờ vậy mà mẹ chị, bà Mén có thể nuôi con và kéo dài được tuổi thọ.

Tâm sự với chúng tôi, chị Phiến chỉ biết thở dài: 'Tôi không thể bỏ chồng con mà đi nuôi em. Nhưng em tôi bệnh tật, tôi cũng không bỏ được. Bà con chòm xóm rất tốt nhưng họ chỉ giúp được một phần nào đó. Còn khả năng thuê người như ở thành phố thì tiền đâu mà trả ...'.

{keywords}
Chị Phiến thường xuyên về giúp mẹ chăm em.

Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Công Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Xuân xác nhận hộ bà Mén thuộc hộ nghèo, nhiều khó khăn trong địa phương.

Ngoài những chế độ trợ cấp theo qui định, chính quyền cũng thường xuyên hỗ trợ quà bánh, gạo, thực phẩm cho gia đình bà. Đặc biệt, chính quyền cũng muốn xây dựng cho bà một căn nhà tình thương nhưng không được vì bà không có đất. Đất nhà bà ở hiện nay là đất trong địa giới chân đê không thể xây dựng.

Thật khó nghĩ trước gia cảnh của bà Mén. Chỉ biết cầu mong bình an luôn đến với gia đình bà ...

Vì trùng tên, người đàn ông Bình Định tìm cha cho nữ Việt kiều Úc

Vì trùng tên, người đàn ông Bình Định tìm cha cho nữ Việt kiều Úc

Thương người phụ nữ gần 50 tuổi mà chưa được gọi tiếng ba, ông Cường bôn ba khắp nơi tìm giúp, dù vừa mới mổ tim xong.  

Trần Chánh Nghĩa