Rà soát quy trình đảm bảo an toàn thông tin

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thời gian vừa qua cơ quan này đã nhận được khá nhiều thắc mắc, các cuộc gọi liên quan tới vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, phản ánh về những kênh, các clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để xử lý.

Trong gần 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến việc học trực tuyến trở thành xu thế bắt buộc. Trong thời gian học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh, các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo đã tích cực triển khai việc dạy và học qua Internet. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã xảy ra hiện tượng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, phản cảm, phản giáo dục... đặc biệt có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối, bắt nạt trẻ em, HSSV trên mạng, gây mất an toàn và tâm lý hoang mang cho người học, người dạy, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong dạy và học theo hình thức trực tuyến, ngay từ sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường yêu cầu việc tuân thủ các quy định của Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật có liên quan.

Theo đó, để việc dạy, học trực tuyến bảo đảm chất lượng, hiệu quả và an toàn, các trường học, giáo viên cần lựa chọn sử dụng các giải pháp phần mềm trực tuyến có bản quyền được phát triển, cung cấp từ các doanh nghiệp uy tín, không nên sử dụng phần mềm miễn phí có các lỗ hổng bảo mật để tránh việc tin tặc có thể cài đặt quảng cáo, mã độc, virus đánh cắp dữ liệu hoặc truyền bá thông tin xấu, độc hại.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng các phần mềm trực tuyến và thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng… Phụ huynh cũng được khuyến cáo dành nhiều thời gian quan tâm và có biện pháp quản lý trong thời gian con em tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.

{keywords}
 

Gọi tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khi cần

Tham gia vào công cuộc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội đã nỗ lực để biên soạn nhiều các tài liệu mẫu, cẩm nang, clip hướng dẫn cha mẹ có thể tìm hiểu và đọc từ các nguồn chính thống, đặc biệt trên Website và Facebook Page của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình vì trẻ em... Nếu có bất kỳ khúc mắc gì, cha mẹ có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia 111 miễn phí 24/7. Ngoài ra cha mẹ có thể tải ứng dụng 111, nhăn tin trên Facebook Page của Tổng đài quốc gia 111 hay Zalo 111.

Theo các chuyên gia, trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm.

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ngày 30/7, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025".

Trước đó, tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT-TT, Bộ Công an, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức liên quan. Theo đó, mạng lưới này hướng tới nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; thu thập, phân loại và chuyển các phản ánh liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đến các đơn vị chức năng xử lý.

Thúy Ngà