Chàng trai 20 tuổi dùng thành thạo 23 thứ tiếng bằng cách tự học trong khoảng 5-6 năm.

Timothy Doner - nhà siêu đa ngôn ngữ trẻ nhất thế giới. Hiện tại anh đang theo học ngành Ngôn ngữ học và Trung Đông học tại Đại học Harvard. Bên cạnh việc học, hiện tại anh đang nghiên cứu về một loại ngôn ngữ thiểu số, loại ngôn ngữ chưa được viết ra giấy và sắp bị tuyệt chủng.

Doner vừa có mặt ở Hà Nội sáng 24/6 để chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam kinh nghiệm học ngoại ngữ siêu nhanh của mình.

Dưới đây là những bí quyết của chàng trai dùng thông thạo 23 thứ tiếng chỉ trong vòng 5-6 năm tự học:

{keywords}

Chiến lược học của Doner là để ngôn ngữ đi vào não bộ một cách tự nhiên, không gò ép.

Học theo cụm từ

Khi học ngôn ngữ, các cô giáo thường ghi từ vựng lên bảng và chúng ta sẽ dịch từng từ. Tuy nhiên với cách học này, chúng ta quên từ rất nhanh. Hãy học theo cụm, theo những câu đơn giản nhất trong ngữ cảnh phổ biến. Ví dụ khi học về ngôn ngữ Đức, mình thường lặp lại câu: “Tôi là người Đức”. Mặc dù mình mới bắt đầu học và chưa biết gì, nhưng mình có thể so sánh câu đơn giản ấy với câu có nội dung tương tự bằng Tiếng Anh để thấy được bản chất và sự khác nhau. Hãy đọc đi đọc lại nhiều lần để tìm ra quy luật. Khi đã có một vốn từ nhất định, mình thường dịch Tiếng Anh sang Tiếng Đức. Gặp một từ trong câu không biết, mình tra từ điển. Nhờ việc tra từ, chúng ta sẽ nhớ từ vựng lâu hơn.

Học qua các bài hát

Có một cách rất hay là chúng ta có thể học ngôn ngữ qua việc nhớ lời bài hát theo những thể loại ưa thích như rock, rap,… Việc này có thể giúp bạn nhớ lời dù không biết nghĩa từ vựng. Khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, chúng ta có thể tải từ điển và tải bài hát về điện thoại. Trong bài hát ấy có xuất hiện cấu trúc đặc biệt, mình có thể đem so sánh chúng với các ngôn ngữ mình đang học xem khác nhau như thế nào. Việc đó giúp mình nhớ được nhiều ngôn ngữ và nhớ được lâu. Bước tiếp theo mình áp dụng những câu đã học khi nói chuyện với người bản ngữ hoặc khi viết nhật kí. Điều này sẽ giúp chúng ta có thêm dữ liệu và vốn từ vựng phong phú. Khi người bản ngữ sử dụng những từ, cụm từ mà mình chưa biết thì mình có thể tập dùng để bổ sung vào vốn từ. Mặt khác khi giao tiếp, họ sẽ hiểu mức độ hiện tại của mình và sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Tiếp xúc trực tiếp với người bản ngữ

Mình sống ở New York, nơi có một cộng đồng người rất lớn. Khi muốn học một ngôn ngữ mới, ví như ngôn ngữ của Israel, mình có thể đến hiệu sách để gặp một người Israel hoặc đi phụ tàu để có thể được nói chuyện. Chúng ta cần gạt bỏ đi suy nghĩ sợ phát âm sai, sợ người khác đánh giá, chê cười.

Giống như khi mình học tiếng Trung, mình gọi điện cho người Trung Quốc nơi mình đang ở hỏi về những vấn đề đơn giản như đường đi, các món ăn ngon,…  Trước khi gọi điện mình thường dự đoán phản ứng, viết sẵn câu thoại để chắc chắn xem mình sử dụng thế có đúng hay không? Ngoài ra việc làm này đã cho mình một sự tự tin nhất định. Việc xây dựng những đoạn hội thoại nhỏ trong những tình huống hàng ngày là chiến thuật của mình khi học một ngôn ngữ nào đó.

{keywords}
Doner luôn tìm mọi cách giao tiếp với người bản ngữ.

Giao tiếp với người bản ngữ qua internet

Mình thường nghe radio và theo dõi thông tin về chính trị, xã hội của các nước sở tại mà mình học thứ tiếng đó. Ngoài ra chúng ta có thể tận dụng Facebook trở thành một nguồn hữu hiệu cho việc học ngôn ngữ mới. Mình hay theo dõi Facebook của những người nổi tiếng trong Quốc gia đó để có thể học ngôn ngữ một cách dễ dàng và hứng thú. Ví dụ như mình quan tâm đến chó, mèo. Một cô diễn viên nào đó cũng đăng tải thông tin về một con mèo thì mình có thể đọc câu chuyện đó. Ngoài ra, mình có thể đọc bình luận từ các người hâm mộ, từ đó mình hiểu thêm được ngôn ngữ nói của Quốc gia ấy. Thậm chí mình có thể phản hồi lại những bình luận bằng cách bày tỏ quan điểm xem con mèo đó béo hay gầy, đẹp hay xấu,…

Thực tế mình cũng tốn rất nhiều thời gian cho việc online Facebook. Tuy nhiên việc đầu tiên của mình là lướt newfeed xem những thông tin được viết bằng ngôn ngữ mình đang học. Trên trang cá nhân của mình cũng có những bài viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đa dạng, tránh nhàm chán. Đây là cách học thụ động và khá dễ dàng, việc làm này giúp mình rất nhiều trong học ngoại ngữ.

Tóm lại hãy tìm mọi cách để giao tiếp với người bản ngữ càng nhiều càng tốt mặc dù mình không biết họ. Hiện tại trên Facebook có rất nhiều hội nhóm giúp mình học ngôn ngữ với số lượng người tham gia đông. Họ có thể sẵn sàng giúp đỡ chúng ta.

Cách đây khoảng hơn 10 năm, việc học ngôn ngữ khá khó khăn. Nhưng giờ đây, Internet là một thế giới phẳng giúp chúng ta dễ dàng giao tiếp với người nước ngoài.

Nghiêm túc với việc học

Trong một tuần mình dành rất nhiều thời gian cho việc học từ vựng mới. Mình luôn cố gắng viết ra giấy càng nhiều lần càng tốt, điều này sẽ kết nối với bộ não khiến mình nhớ cách viết và nhớ từ sẽ lâu hơn. Một ngày mình học khoảng 50 từ.

Nếu bạn muốn học nhiều ngôn ngữ cũng không nên học nhiều loại từ trong một ngày. Điều này sẽ làm giảm khả năng tiếp thu và mất thời gian cân bằng các loại ngôn ngữ.

Kim Minh - Thúy Nga