Tin vào nhan sắc ảo trên những bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội, không ít người đã nảy sinh tình cảm và thúc đẩy mối quan hệ bạn bè đi tới tình yêu. Thế nhưng vào giây phút hẹn hò, thay vì vui mừng hạnh phúc sau bao nhiêu chờ đợi, nhung nhớ… thì họ đã bị sốc thậm chí là "bỏ của chạy lấy người".  

Mới đây, một chàng trai đã chia sẻ câu chuyện dở khóc, dở cười của mình lên Facebook vì lần đầu hẹn hò gặp bạn gái không xinh trên ảnh. Anh chàng băn khoăn rằng có nên bỏ bạn gái về trước hay lịch sự nhận xét thẳng thắn để cô gái rút kinh nghiệm.

{keywords}
Câu chuyện đã nhận được 135 nghìn lượt like, hơn 35 nghìn lượt bình luận và 1,3 nghìn lượt chia sẻ.

Ở ngoài có thể xấu cũng được nhưng lên mạng là phải xinh

Là một hot girl Hà thành, Nguyễn Thu Trang chia sẻ: "Ở ngoài có thể xấu cũng được nhưng mà lên mạng là phải ảo, lên mạng là phải xinh. Theo mình, việc sống ảo trên mạng cũng đúng vì ai cũng muốn mình đẹp và lộng lẫy, chẳng ai muốn mình xấu cả. Tuy nhiên, cái gì quá đà cũng sẽ không tốt và gây hậu quả khôn lường".

Thu Trang cũng cho rằng, thời đại 4.0 có hàng loạt các app chụp và chỉnh ảnh, nhiều bạn bị lạm dụng quá đà đến mức biến dạng cả khuôn mặt, khác xa ngoài đời. Mỗi người chúng ta đều có một nét đẹp riêng, không cần phải làm quá mức khiến khác xa thực tế như thế. 

{keywords}
Giá trị của mỗi người là ở bên trong kia mà! Bên ngoài đẹp mà tâm địa xấu xa thì mới đáng hổ thẹn.

Dù ở trên mạng hay ngoài đời, Thu Trang cũng luôn quan niệm: "Giá trị của mỗi người là ở bên trong kia mà! Bên ngoài đẹp mà tâm địa xấu xa thì mới đáng hổ thẹn". Ai cũng nói phải đẹp mới được chú ý đến. Điều này cũng đúng nhưng cũng không phải là 100%. Bạn có thể gặp một người đẹp cả trên ảnh lẫn ngoài đời nhưng tâm họ không đẹp, liệu bạn có còn thích không? 

Nhiều bạn gặp đối phương lần đầu thấy khác có thể một chút so với trên ảnh là chạy mất hút, về block và thậm chí có những trường hợp bỏ về giữa buổi hẹn hay để đối phương chi trả hết cho buổi hẹn đó chỉ vì lí do: "Em/anh không xinh/đẹp trai như trên ảnh".

Đó là một cách cư xử thật sự không hề tinh tế và văn minh, không chỉ làm đối phương cảm thấy xấu hổ mà còn tự hạ thấp giá trị bản thân "yêu vì nhan sắc". Chúng ta vẫn có thể ngồi lại, cùng tìm hiểu nhau để biết con người họ như nào mà đúng không? Cố duy trì hết buổi hẹn, biết đâu lại tìm ra được điểm chung vì giữa 96,96 triệu người chúng ta gặp nhau đã là cái duyên mà nhỉ?"

{keywords}
Sống ảo chính là một cách để giới trẻ trốn tránh hiện thực đời sống thường ngày.

"Nếu là bạn nữ trong câu chuyện trên, mình sẽ chấp nhận việc chi trả chi phí buổi hẹn đấy và thẳng thắn trao đổi về thái độ của bạn nam xem có điều gì không thích. Chấp nhận và về thay đổi bản thân trở nên tốt hơn, xinh đẹp hơn và thay đổi cách cư xử để lấy thiện cảm từ đối phương là điều bạn nên làm chứ đừng buồn bã về việc này", Trang nói.

Thật khó để bắt gặp một người trẻ "sống thật" trên mạng hiện nay

Hoàng Minh Huê (Quảng Xương, Thanh Hóa) lại đặt ra câu hỏi: "Bạn đang sống ảo hay sống thật?". Nếu bạn thực sự có thể nhìn thẳng vào hiện trạng bản thân và đưa ra câu trả lời "tôi sống ảo" thì bạn là một người bình thường, còn nếu bạn "sống thật" thì chắc chắn đang đi ngược lại với đám đông, thậm chí bị coi là "người tối cổ". 

{keywords}
Ta chỉ một cuộc đời để sống. Muốn làm hạt cát vô danh hòa vào mênh mông sa mạc hay để lại dấu chân trong cuộc đời mỗi người, bạn chọn đi!

Nhìn nhận trực tiếp vào hiện thực, Minh Huê bày tỏ quan điểm: "Sống ảo chính là một cách để giới trẻ trốn tránh hiện thực đời sống thường ngày, họ không dám đối mặt với nó". 

Lý giải về quan điểm trên, cô nàng chia sẻ: "Những bức bối, những khó chịu của cuộc sống đời thực khiến con người mệt mỏi, bất lực muốn tìm đến một nơi để giải tỏa, để trút hết tâm tư. Và họ tìm đến với mạng xã hội như một thứ thuốc giải thần kì. Từ đó tạo nên sự đối lập sống thật và sống ảo. 

Một sự thật đang diễn ra khá phổ biến đó là nhiều người ngoài đời thực rất ít nói, kiệm lời không chăm chút đến bản thân nhưng khi lên mạng xã hội thì họ như trở thành một con người khác, hoạt bát, năng nổ, dễ bắt chuyện đặc biệt là những bức ảnh lung linh.

Những cô cậu trẻ tuổi với vẻ ngoài bình thường nhưng khi được lên mạng lại trở thành hot girl, hot boy được nhiều người theo dõi. Chính những điều ấy hình thành cho giới trẻ thói quen sống ảo, không còn quan tâm đến chính mình ngoài đời thực ra sao".

{keywords}
Không nên đổ lỗi cho công nghệ mà ở đây lỗi của chính người sử dụng.

Minh Huê chia sẻ thêm: "Cuộc sống ngoài kia còn tươi đẹp như thế, bao nhiêu người yêu thương ta, bao nhiêu người có thể khiến ta nở nụ cười và sẵn sàng cùng ta vững bước. Tại sao lại vứt bỏ những hạnh phúc này mà đi tìm những thứ ảo mộng, xa vời vợi? Ngưng sống ảo, sống thật với chính mình, bình thường nhưng không tầm thường. Ngoại hình không đẹp, nhưng ta không cần phải mệt mỏi chỉnh sửa và giấu giếm. 

Ta không cần phải cố nói chuyện với những người đang tiếp cận ta vì cái ảnh đại diện của mình đẹp. Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, gấp máy tính lại, tắt màn hình để cũng tận hưởng không khí trong lành của cuộc sống thực, của tình người và của hạnh phúc. Ta chỉ một cuộc đời để sống. Muốn làm hạt cát vô danh hòa vào mênh mông sa mạc hay để lại dấu chân trong cuộc đời mỗi người, bạn chọn đi!".

Dù ảo nhưng hãy cư xử một cách văn minh

Bi hài trong câu chuyện tình qua mạng của mình, Vũ Quốc Trung (Bảo Lộc, Lâm Đồng) thậm chí không thể nhận ra đó là cô gái đã nói chuyện với mình. Nhan sắc của cô bạn ngoài đời và hình ảnh cô gửi cho anh trước khi đến gặp mặt khác nhau một trời một vực. Nếu như trong ảnh là một cô gái có khuôn mặt nhỏ nhắn trắng trẻo với đôi mắt to tròn ngây thơ thì nay anh được gặp một người hoàn toàn trái ngược.

{keywords}
Cư xử văn minh thay vì thô lỗ, tỏ thái độ với cuộc hẹn đầu tiên mới là điều đàn ông nên làm.

"Hiện nay, nhờ công nghệ chỉnh sửa phần mềm nên bất cứ ai biết sử dụng các ứng dụng thì đều có thể tự can thiệp và chỉnh sửa làm cho bức ảnh của mình trở nên đẹp hơn, long lanh hơn. Một người béo lên ảnh có thể trở thành gầy, một người da đen và thô xấu lên ảnh cũng có thể trở thành nõn nà như da em bé… chỉ cần click vào một biểu tượng trong phần chỉnh sửa hình ảnh. 

Nhu cầu được nhìn thấy bức ảnh đẹp nhất có thể cho dù nó đẹp không hề đúng với sự thực, theo tôi là nhu cầu bình thường của bất cứ ai, đặc biệt là đối với phái nữ. Chúng ta không nên đổ lỗi cho công nghệ mà ở đây là lỗi của người sử dụng", Quốc Trung tâm sự.

Quốc Trung kể về cách giải quyết với câu chuyện "tình yêu chớm nở, sớm tàn vì nhan sắc ảo", anh nói: "Mình vẫn nhẹ nhàng mời bạn nữ đi ăn, cả hai đều nói chuyện rất vui vẻ. Trước khi ra về và kết thúc buổi hẹn, mình cũng khéo léo hỏi bạn nữ cảm nhận về mình và buổi hẹn hôm nay ra sao, nối tiếp tâm lý đó sẽ đến lượt mình.

Thay vì chọn cách nhận xét thẳng thừng "em xấu hơn so với ảnh", mình sẽ lấy lý do đã có người yêu và đang trong thời gian cãi vã, mình chỉ coi em như một người bạn. Là một người đàn ông, mình mong rằng các bạn đừng quá thô lỗ về cách xử lý vấn đề, mọi thứ đều có cách giải quyết quan trọng là bạn chọn hướng đi ra sao".

"Trò đùa tình yêu" mà giới trẻ nên tránh

Bạn Nguyễn Thanh Tùng (Yên Thế, Bắc Giang) thì cho rằng, thực tế thì hiện tượng chớm nở tình yêu vì nhan sắc ảo trên mạng có rất nhiều. Có những cuộc tình đơm hoa kết trái hết sức lãng mạn, cũng đã có những đôi trai gái cách nhau cả một bờ đại dương nhờ Internet mà họ yêu nhau, đến được với nhau và trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít cuộc tình phải dang dở vì người ta bị rơi từ mộng sang thực do thất vọng về nhan sắc thật ngoài đời.

{keywords}
Theo Tùng, nếu quá quan tâm nhan sắc thì tình yêu mà họ dành cho nhau chưa đủ chín...

Thanh Tùng cũng băn khoăn và tâm sự thêm: "Ở những cuộc tình dang dở này, thực sự tình yêu mà họ dành cho nhau chưa đủ chín. Người ta thích nhau vì vẻ hời hợt của hình thức và ảo vọng của cá nhân chứ không phải tình yêu thực sự chân chính.

Đơn giản vì khi một "tình yêu" nảy nở vì nhan sắc thì nó cũng sẽ "chết" bởi chính nhan sắc. Nếu yêu vì một mái tóc đẹp, vì một khuôn mặt đẹp… trên ảnh thì khi nhìn thấy sự thật xấu xí của mái tóc đó, khuôn mặt đó thì cảm xúc đương nhiên sẽ tan vỡ, sẽ biến mất, đó là một điều hết sức bình thường theo logic tâm lý con người".

Với Thanh Tùng, những cuộc tình ảo đó có tan vỡ thì lỗi đầu tiên là do chính chủ nhân của những bức hình. Họ có quyền làm cho họ đẹp hơn trong ảnh, vì đó cũng là một phần của nghệ thuật. Nhưng khi đã chuyện trò mật thiết và nhận thấy đối phương có những tình cảm nhất định thì họ cần phải "trung thực" với nhau.

Tình yêu phải đến từ sự chân thật. Nếu gian dối, ngay cả khi chỉ là một bức ảnh, cũng khiến cho câu chuyện bị đẩy ra xa, đây là dạng "trò đùa trong tình yêu" mà giới trẻ nên tránh.

Theo Dân Trí

Người đàn ông phát hiện 'bạn gái qua mạng' là cháu họ

Người đàn ông phát hiện 'bạn gái qua mạng' là cháu họ

Trong thời gian hẹn hò, ông Shen bị "bạn gái", chính là cháu họ giả danh, vay số tiền lớn.