Giao nhanh, chính xác

Mới hơn 6h sáng, anh Lại Thành Luân (29 tuổi), nhân viên bưu tá, Trung tâm khai thác vận chuyển, Bưu điện tỉnh Bạc Liêu chào vợ và con trai 3 tuổi rồi rời nhà trọ, chạy xe đến cơ quan để bắt đầu ngày làm việc mới.

Luân nói mình đi làm sớm để tranh thủ sắp xếp báo chí, thư từ, công văn… 

{keywords}
Từ sáng sớm, Luân đã có mặt ở cơ quan để sắp xếp thư từ, báo chí. 

9h sáng, xe chở bưu kiện, bưu phẩm hàng hoá về đến, Luân cùng các đồng nghiệp bắt đầu vận chuyển xuống rồi phân loại theo từng khu vực.

Sau đó, anh cùng các bưu tá khác nhanh chóng tập kết hàng hoá vào khu kiểm tra chi tiết để phân loại bưu phẩm, bưu kiện, công văn…

{keywords}
Khi xe thư chở bưu phẩm, bưu kiện về, anh cùng các bưu tá khác vận chuyển xuống rồi phân loại theo từng khu vực. 

“Trước khi đi giao, tôi sắp xếp thứ tự các công văn, bưu phẩm, thư từ, báo chí… theo từng cơ quan, từng tuyến đường đi một cách hợp lý rồi lên đường.

Đơn cử như Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh có 5 thư mà mình không phân loại sắp xếp trước, thì phải chạy đi chạy lại để giao nhiều lần. Nhờ sắp xếp trước mà mình tiết kiệm được hơn 70% thời gian đi giao”, Luân chia sẻ.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Luân kiểm tra chi tiết, phân loại từng bưu phẩm, bưu kiện, công văn…
 

Đúng như lời Luân nói, chưa đầy 1 giờ đồng hồ, nam bưu tá này đã phát xong công văn, thư từ, báo chí, bưu phẩm cho hàng chục cơ quan nhà nước ở trung tâm TP Bạc Liêu.

Khi phát hết hàng hoá do mình đảm nhận, Luân quay về cơ quan để xem các bưu tá khác có cần giúp đỡ gì không.

"Anh em bưu tá thường hỗ trợ cho nhau", Luân nói. 

Duyên với nghề bưu tá

Luân kể mình sinh ra ở Hà Nam. Đến năm 5 tuổi, Luân theo cha mẹ vào Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) sinh sống.

“Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đi nghĩa vụ quân sự ở Chi Lăng, An Giang. Lúc ở đơn vị, mỗi lần thấy các chú bưu tá vào phát thư, báo chí… tôi rất thích. Cầm lá thư người thân gửi, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Vì vậy, tôi rất trân trọng, biết ơn các chú bưu tá đã trao tận tay mình những lá thư, tờ báo...”, Luân nói.

{keywords}
Anh bấm mã số bưu phẩm trước khi mang ra xe đi giao. 

Sau khi xuất ngũ, Luân theo học ngành dược ở TP Bạc Liêu. Trong lúc học, Luân được một người bạn giới thiệu vào làm bưu tá ở Bưu điện tỉnh Bạc Liêu.

"Lúc đó, tôi nhận lời ngay vì cảm thấy đây là công việc mà mình yêu thích từ lâu", Luân bày tỏ.

Đầu năm 2014, Luân bắt đầu làm bưu tá tại Bưu điện tỉnh Bạc Liêu cho đến nay.

Luân kể, thời điểm đầu, do không biết đường sá, địa chỉ nhà ở TP Bạc Liêu, lại không có kinh nghiệm nên anh gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng với bản tính chăm chỉ và chịu học hỏi nên chỉ khoảng 3 tháng sau, Luân đã thông thạo hết tất cả địa chỉ cơ quan nhà nước, số nhà, ngõ hẻm trên địa bàn phụ trách giao nhận.

“May mắn lúc đó mình cũng được anh em đồng nghiệp giúp đỡ nên chỉ một thời gian ngắn đã quen với công việc”, Luân nói và cho rằng, đây là công việc mang lại niềm vui cho người khác.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Anh mang bưu phẩm, văn thư ra xe rồi cẩn thận kiểm tra lại trước khi đặt vào thùng.

“Mình cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc của khách hàng khi họ nhận được thư, bưu phẩm… Họ cũng bày tỏ sự biết ơn đối với ngành bưu điện vì đã mang cho họ những lá thư, bưu phẩm hay những tờ báo, thông tin truyền thông nhanh chóng nhất”, Luân nói thêm và cho biết, anh luôn ưu tiên giao ngay những công văn hỏa tốc, dù đó là ngày hay đêm, nắng hay mưa gió.

“Nếu mình chậm trễ giao những công văn hoả tốc, có khi xảy ra những chuyện khó lường”, Luân nói.

Luân cũng tâm sự thêm, làm nghề bưu tá cũng giống như “làm dâu trăm họ" nên đôi lúc cũng gặp những khách khó tính.

“Có những lúc gặp mưa bất chợt làm ảnh hưởng tới bức thư, tờ báo… khiến khách hàng không vui, mình phải xin lỗi và giải thích để họ thông cảm. Sau lời giải thích của mình, khách hàng đều đồng cảm”, nam bưu tá nói và khẳng định, cái quan trọng nhất trong nghề bưu tá là phải có tấm lòng và tình yêu nghề.

{keywords}
 
{keywords}
Luân bắt đầu chạy xe đi giao bưu phẩm, thư... 

"Làm bưu tá không được ngại nắng mưa, cứ có thư từ, bưu phẩm đến là phải giao ngay, giao hết trong ngày để khách hàng vui, không đùn đẩy để lại ngày hôm sau", Luân chia sẻ. Anh nói:  "Làm bưu tá phải tự vấn trách nhiệm của mình nên tôi tìm mọi cách để phát bưu phẩm, thư từ... cho bằng được.

Như, có những gia đình đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới nhà thì mình tranh thủ buổi tối chạy đi phát cho họ. Những lúc như vậy chỉ cần nghe tiếng cám ơn từ vị khách là mình vui rồi", Luân nói. 

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Do đã sắp xếp hợp lý từ trước nên Luân giao thư từ, công văn, báo chí... "nhanh như chớp".
{keywords}
Chỉ trong thời gian ngắn anh đã giao thư cho hàng chục cơ quan, sở ngành của tỉnh Bạc Liêu. 

7 năm làm nghề, không chỉ tự lập cho mình lộ trình di chuyển để bảo đảm công việc giao, nhận thuận lợi, nhanh chóng, chính xác nhất, Luân còn hướng dẫn nhiều gia đình làm hòm, túi đựng thư, báo để tránh thất lạc hoặc bị ướt.

Theo Luân, làm bưu tá bây giờ sướng hơn ngày xưa do đã ứng dụng công nghệ thông tin.

"Mỗi bưu tá đều có điện thoại thông minh để check mã vạch giúp quá trình giao nhận chính xác. Cũng như nhân viên kiểm soát có thể dễ dàng kiểm tra việc giao nhận hàng của bưu tá. Nhờ vậy, công văn, thư từ, bưu kiện… được chuyển tới tay người nhận luôn được nhanh chóng, an toàn", Luân nói. 

Vẫn theo Luân, để trở thành một bưu tá giỏi, đòi hỏi phải có lòng yêu nghề, chịu khó vì nghề này cực nhọc, vất vả, rong ruổi khắp các con đường.

"Nhưng làm bưu tá vui nhất là đem tin vui tới mọi nhà, mọi người một cách kịp thời, nhanh chóng nhất", Luân nói.

Theo nam bưu tá, làm nghề này cần có trí nhớ tốt. "Mình tập ghi nhớ từng đường, từng hẻm, khu phố, thậm chí từng nhà, đặc điểm giờ giấc của những người hay nhận thư từ, báo chí, bưu phẩm để phân bổ thời gian giao cho phù hợp", Luân nói. 

Theo Luân, chính công việc bưu tá giúp anh có thu nhập ổn định, lo cho gia đình.

Luân tâm sự thêm, nhiều người cứ nghĩ nghề bưu tá đơn giản chỉ là công việc đi giao hàng, nhưng ít người biết đây là công việc áp lực, đòi hỏi người làm nghề không chỉ có năng lực, trình độ, tỉ mỉ để xử lý công việc, mà còn phải có sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, đặc biệt là yêu nghề.

{keywords}
Thư từ, bưu phẩm được anh Luân đưa tới tận tay khách hàng.

Dù vậy, bản thân Luân luôn cố gắng và quyết tâm hoàn thành xuất sắc công việc nên anh nhiều năm liền nhận được giấy khen của Bưu điện tỉnh Bạc Liêu.

Anh cũng đạt danh hiệu “Bưu tá tận tụy” và “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, anh Luân được đề cử là một trong 41 cá nhân điển hình tiên tiến dự Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông lần thứ IV. Đại hội được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 12/10.

"Để có được như hôm nay, tôi rất cám ơn sự quan tâm của ban lãnh đạo bưu điện tỉnh và anh em đồng nghiệp trong cơ quan", Luân bày tỏ. 

Chuyện chưa kể về những đêm trắng của nữ nhân viên bưu điện vùng cao

Chuyện chưa kể về những đêm trắng của nữ nhân viên bưu điện vùng cao

Hàng chục năm công tác tại một điểm bưu điện ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, chị Giang chia sẻ: “Đam mê là chìa khóa giúp tôi theo đuổi nghề”.

Thiện Chí