Không chỉ là mạch nước trong chảy quanh năm suốt tháng, “giếng xin sữa” của làng Cam Lâm còn có khả năng chữa chứng mất sữa cho sản phụ mới sinh.

“Báu vật” làng Cam Lâm

Theo các cụ cao niên ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội thì từ khi sinh ra đã thấy “giếng xin sữa” nằm trên vùng đất bạt ngàn, rộng lớn. Bên cạnh giếng là một ngôi miếu nhỏ rất thiêng thờ “mẹ sữa”.

Tương truyền, vùng đất này trước đây là đất Ngô Quyền, quanh năm ngày tháng không bao giờ cạn nước. Chưa có ai trong lành định được tuổi của giếng.

{keywords}

Giếng sữa - "báu vật" làng Cam Lâm

Và họ rỉ tai nhau câu chuyện giếng có khả năng chữa chứng mất sữa cho sản phụ mới sinh bằng chính nguồn nước không bao giờ cạn ấy.

Khi thấy chúng tôi tới xin “sữa”, cụ từ Phan Thị Sót (SN 1948) là người trông coi ở miếu đã 3 năm nay, hồ hởi chuẩn bị chai, lọ, can... rồi dẫn chúng tôi ra khu giếng cách nhà bà chừng 1km để làm thủ tục... xin “sữa”.

{keywords}

Cụ Sót rót nước đã được xin tại giếng vào chai.

Không cần đợi chúng tôi hỏi, cụ Sót kể lại căn nguyên dẫn tới câu chuyện mạch nước thiêng có khả năng chữa chứng mất sữa.

Theo lời cụ Sót, thời loạn lạc, khi nơi đây vẫn là vùng núi hoang sơ không bóng người ở, 1 em bé mới chào đời bị bỏ rơi. Vì khát sữa, em bé đó khóc khản giọng ở dưới chân đồi.

Một bà lão đi ngang qua chứng kiến nhưng không biết làm thế nào để cháu bé nín. Bà chỉ biết bế cháu bé trên tay đi dọc đường với hi vọng tìm được nhà dân để xin nước.

Hai con người ấy cứ đi mãi mà không thấy bóng người. Tới 1 thung lũng dưới chân đồi Cầm, bà thấy 1 mạch nước chảy róc rách từ trong hang đá bèn lấy nước đó cho đứa bé uống.

Đứa bé ngừng khóc và ngủ thiếp đi trên tay bà. Từ đó, bà dựng lều ở tại đây nuôi đứa bé. Khi bà mất, người dân trong làng lập miếu thờ bà và gọi bà là “miếu mẹ” bên mạch nước thiêng - “giếng xin sữa”.

Mạch nước sau đó trở nên thiêng liêng và được nhiều người biết đến như bầu sữa đầy ăm ắp của mẹ.

Từ đó, nhiều người dùng đá ong che chắn xung quanh để giữ nước. Cũng từ ngày dựng miếu, trong làng luôn có một người "có căn số" trông coi và bảo vệ miếu và “giếng xin sữa”.

Nói rồi, cụ Sót làm lễ xin sữa cho chúng tôi. Cụ nói, dù là lấy trực tiếp hay đi xin hộ cũng đều có được sự linh thiêng như thế.

Sau khi lấy 6 chai nước, cụ hướng dẫn chúng tôi đặt lễ vào đền và thần cây si bản thổ, cuối cùng mới là đặt lễ ở giếng.

Rồi cụ cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi lại họ tên những người đã xin được sữa và làm lễ tạ. Cụ cũng không quên nhấn mạnh: Người ở làng vì uống chung mạch nước mẹ nên không bao giờ xin được sữa.

Con gái của làng lấy chồng ở làng khác quay trở về thì xin được nhưng con gái làng khác đã lấy chồng ở làng này cũng không xin được "mẹ sữa".

Khi chúng tôi hỏi tên người ở làng bên cạnh đã từng làm lễ và xin sữa thành công, cụ Từ lắc đầu: “Tôi làm lễ xong là xong, với lại tuổi cao rồi nên tôi không nhớ được một ai”.

Dường như, ai ở làng này cũng coi “giếng xin sữa” như báu vật của làng mình. Đi đâu, hỏi ai, mọi người cũng đều gật đầu và tấm tắc: “Giếng ấy rất thiêng, ai mất sữa mà làm lễ rồi xin, "mẹ" đều cho sữa nhưng phải thành tâm và có niềm tin.

Người từ các nơi tới đây đông lắm. Chúng tôi là con dâu của làng nên có muốn xin cũng không xin được”, chị L., người dân địa phương hồ hởi.

Chẳng thế mà, cụ Hoàng Thị Mọc (84 tuổi, 1 trong những vị cao niên của làng), chỉ mới nghe tôi hỏi thăm “giếng xin sữa”, cụ lại gần tôi hơn để thêm 1 lần được nhớ về những ngày hạn hán, cụ cùng bà con trong làng đi gánh nước cả đêm ở giếng đó. Cụ kể, cụ làm dâu của làng này từ những năm 50 của thế kỉ trước. Có những năm, ở dưới làng, bể nước của các hộ gia đình đều cạn hết nước nhưng giếng trên đó thì lúc nào cũng ăm ắp, cứ múc hết nước lại trội lên trong và mát. Cả làng đi gánh cả đêm cũng không hết nước.

Mà giếng ấy chỉ cao chừng 2m, đường kính chưa tới 1m.

{keywords}

Cụ Mọc kể lại câu chuyện về giếng xin sữa.

“Chị em phụ nữ nào sau khi sinh con bị mất sữa, tới làm lễ chỉ độ vài cái kẹo, cái bánh, nải quả là "mẹ" cho sữa.

Mẹ nuôi con nên mẹ nhiều sữa. Kể cả trâu bò đẻ không có sữa tới xin mẹ cũng cho”, nói rồi cụ Mọc cười vui vẻ.

Ngồi kế bên, ông Dương Hữu Phương (trưởng thôn Cam Lâm và là con trai cụ Mọc) cũng thêm vào câu chuyện của mẹ mình.

Ông nói, sau khi làm lễ xong, người đi làm lễ không được lấy về bất cứ thứ gì. Và càng tán lộc được nhiều cho mọi người ở đó thì sữa xin được càng nhiều.

Ông cũng nghe kể về giai thoại của giếng và cũng từng chứng kiến nhiều người từ các nơi như Nam Định, Thái Bình, Hà Nội... tới xin được sữa.

Thực tế, ông Dương kể, vợ của một người chức sắc ở Hà Nội cũng từng xin sữa ở đây về và có được sữa như mong muốn nên họ ngỏ ý muốn đầu tư cải tạo lại khu vực giếng xin sữa và miếu. Nhưng ông Dương từ chối.

Bởi lẽ, đây chỉ là mạch nước ngầm tự nhiên có từ rất lâu đời chứ không có chất gì. Bản thân ông Dương cũng không lý giải được điều đó nên ông không nhất trí cho làm lại khu vực này. Hơn nữa, đây là “báu vật thiêng” của làng nên ông cũng không muốn có bất kì sự đụng chạm nào có thể làm ảnh hưởng tới sự thiêng liêng đó.

Trâu bò mất sữa cũng xin được sữa

Vì là con gái hay con dâu đã sinh sống ở làng Cam Lâm đều không xin được sữa từ giếng nên chúng tôi tìm sang làng bên nghe câu chuyện của người thật việc thật khi họ đã từng được giếng mẹ cho dòng sữa mát, ngọt để nuôi con.

Phải vất vả hỏi thăm hết người này tới người khác, bản thân cô Lã Thị Thúy (Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Đoài Giáp - giáp ngay cạnh thôn Cam Lâm) với hàng chục cuộc điện thoại mới hỏi cho chúng tôi được địa chỉ người phụ nữ đã từng xin sữa tại giếng.

Ai cũng khẳng định, giếng có khả năng chữa chứng mất sữa cho sản phụ mới sinh bằng chính nguồn nước trong veo kia nhưng tuyệt nhiên không ai nhớ tên hay địa chỉ của người đã xin được sữa. Bởi, theo lý giải, có rất nhiều người xin được nên tên tuổi, đó là chuyện họ cũng không hay để ý.

Bế cháu nội trên tay, bà Phan Thị Chung (58 tuổi, thôn Đoài Giáp) cho hay: Ngày sinh anh Đỗ Tiến Quyết là con trai thứ 3, cách đây 30 năm, sau 1 lần bị đau cổ, bà Chung mất sữa, anh Quyết phải đi... bú nhờ hàng xóm.

Sau khi mẹ chồng của bà làm lễ và xin sữa tại giếng xin sữa ở làng Cam Lâm về cho mình uống, bà Chung không biết mình đã có sữa từ lúc nào.

“Thằng Quyết sau đó không phải đi bú nhờ nữa mà nó còn mập lên trông thấy”, bà Chung cười vui.

30 năm đã trôi qua, bà Chung cũng không giới thiệu cho ai tới xin sữa nhưng bà vẫn hàng ngày theo dõi sự tấp nập ở nơi con giếng thiêng đó.

Trong số những câu chuyện “xin sữa”, chúng tôi thực sự chú ý câu chuyện trâu bò mất sữa cũng có thể tới đó xin được bà Mọc chia sẻ.

Và người trực tiếp đi làm lễ xin sữa cho bò là bà Thắm (vợ của trưởng thôn Đoài Giáp).

Bà Thắm kể lại, khi bò của bà sinh xong thì ít sữa, nghe mọi người kể giếng đó thiêng và có thể chữa bệnh mất sữa cho cả người và gia súc nên bà đánh liều lên làm lễ.

Về nhà cho bò uống nước đó, bà Thắm thấy lượng sữa của bò tăng lên...

Tiếp xúc với mỗi người ở làng hay làng bên cạnh, chúng tôi đều nhận được những lời tấm tắc khen về “báu vật” của làng Cam Lâm với mạch sữa không bao giờ cạn ấy...

(Theo Phunuonline)