- “Hàng ngày, họ nhốt tôi trong phòng. Mỗi khi có khách, họ bắt tôi xuống tiếp. Nếu tôi có ý định bỏ trốn, tôi sẽ bị tra tấn dã man”, chị Nguyễn Hải Xuân nhớ lại.

Trong số những người phụ nữ làm nghề mại dâm mà chúng tôi có dịp tiếp xúc chị Nguyễn Hải Xuân là một trường hợp đặc biệt khi chị phải chịu quá khứ 10 năm cay đắng vì bị bạn thân lừa vào "động quỷ" từ năm 16 tuổi. 

Hiện chị là cộng tác viên của một tổ chức phi chính phủ chuyên tư vấn,  hỗ trợ cho những phụ nữ làm nghề lao động tình dục.

Trong quán cafe nhỏ vắng khách giữa mùa hè oi bức, chị kể bằng giọng trầm buồn: "Mỗi ngày, ông chủ bắt tôi tiếp rất nhiều khách với đủ các thành phần. Nếu không tiếp sẽ bị nhốt, bỏ đói, thậm chí bị đánh đập”. 

Chị cũng không quên kể về một người đàn ông là ân nhân, thuộc “dân có số má” đã cứu vớt cuộc đời chị ra khỏi “động quỷ”. Suốt chiều dài câu chuyện chị liên tục hút thuốc lá. Có đôi lúc, chị cũng phải dừng kể để dành những khoảng lặng suy nghĩ về cuộc đời.

Trước đây, nhà chị Xuân nghèo, bố mẹ ly hôn, từ nhỏ, chị đã phải sống trong cảnh cơ hàn, bữa đói nhiều hơn bữa no. Năm 4 tuổi, chị phải nghỉ học. 14 tuổi, chị phải đi sang một tỉnh khác để rửa bát thuê kiếm tiền nuôi em. 

Từ chỗ làm thuê, chị Xuân gặp một người bạn gái. Khi hai người quen nhau, chị kể về hoàn cảnh của mình cho bạn nghe. Cô bạn ấy tỏ ra thông cảm và hứa rằng sẽ tìm cho chị một công việc tốt, có thu nhập cao ở Hà Nội để giúp đỡ gia đình. Chị Xuân nghe nói thì mừng lắm. Chị vội ôm quần áo đi theo cô bạn xuống Hà Nội.

Cả hai thuê nhà trọ ở khu vực Hà Đông để ngủ lại, đến hôm sau, chị được người bạn gái dẫn đến một nhà hàng ở khu vực Nguyễn Trãi để làm việc. Chị vẫn tin tưởng và không  mảy may nghĩ rằng mình đang rơi vào cái bẫy của bạn, bị bạn lừa bán vào động mại dâm trá hình.Từ đó, chị bắt đầu những tháng ngày ê chề, tủi nhục.

“Hàng ngày, họ nhốt tôi trong phòng. Mỗi khi có khách, họ bắt tôi xuống tiếp. Nếu tôi có ý định bỏ trốn, tôi sẽ bị họ tra tấn dã man”, chị Xuân nhớ lại.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chị Xuân kể tiếp: “Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian ấy, tôi vẫn còn rùng mình. Những ngày đầu, tôi không chịu tiếp khách chúng trói tay chân lại, dán băng dính vào miệng rồi đánh. Thế nhưng bị đánh tôi cũng không sợ bằng việc phải tiếp khách. Phần lớn khách làng chơi đều như thú dữ. Sợ nhất là gặp phải khách say rượu hoặc mắc chứng nghiện tình dục. Chỉ sau khi họ ra về, tôi mới chắc rằng mình còn sống”.

Suốt gần 4 tháng đằng đẵng như vậy, chị Xuân không biết bao giờ mới có thể thoát ra khỏi nơi này. Thế nhưng cũng nhờ những lần tiếp khách chị quen với một người đàn ông "có số má" ở đất Hà Đông. Ông ta biết hoàn cảnh của chị nên đã bỏ ra một số tiền lớn để chuộc chị.

“Anh ấy là dân số má và phải mất rất nhiều tiền mới chuộc tôi ra được. Sau khi chuộc tôi, anh ấy còn cho tôi một xấp tiền lớn bảo tôi hãy về quê làm lại cuộc đời”, chị Xuân chia sẻ.

Tuy nhiên, mặc cảm là người đã từng tiếp rất nhiều khách, sợ mọi người biết chuyện sẽ dèm pha nên chị Xuân đã không quay trở về quê hương. Chị tiếp tục ở lại Thủ đô và nảy sinh tình cảm với một người đàn ông khác – người đàn ông nghiện ma túy. Thế rồi, chị cũng nghiện ma túy.

Để có tiền hút chích, chị Xuân phải đi tiếp khách. Trong một đợt truy quét của công an, chị được đưa về đồn. Tại đây họ xét nghiệm thấy chị nghiện ma túy nên đã chuyển về trung tâm phục hồi nhân phẩm để cai nghiện. Từ đây cuộc đời chị như được rẽ sang trang mới.

Chị Xuân kể: “Ra khỏi trại, tôi đã cai nghiện hẳn. Tôi đã được rất nhiều anh chị cùng làm nghề dìu dắt và định hướng. Họ giúp tôi thay đổi cuộc sống và sau đó tôi không đi làm nghề nữa mà vào hoạt động tại nhóm sex work – nhóm chuyên hỗ trợ những chị em làm nghề biết cách bảo vệ bản thân, phòng chống bệnh tật,bị bạo hành và biết cách sử dụng bao cao su… Tại đây tôi mới hiểu giá trị sống của mình và tôi cảm thấy mình trở thành người có ích hơn”.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chị Xuân chia sẻ, giờ đây mong ước lớn nhất của chị là nhà nước có thể hỗ trợ những chị em làm nghề có thể mua được bảo hiểm. Bởi theo chị những người từng làm nghề này thường gặp rất nhiều rủi ro, bệnh tật, nguy cơ tử vong cao. Có bảo hiểm họ sẽ yên tâm bớt phần nào đó.

Lúc sắp chia tay tôi, chị Xuân khẽ thở dài, bất cần: “Trải qua gần nửa cuộc đời, đến bây giờ tôi vẫn chưa lấy chồng, sinh con. Nhiều lúc mẹ tôi cứ hỏi: Tại sao con không lấy chồng? Thật sự tôi buồn lắm. Cách đây ít năm tôi biết mình bị viêm gan. Tôi cũng từng nghiện, tôi không có khả năng sinh con nữa thì lấy làm gì rồi khổ”.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Lê Thúy - MA