Từ một người gầy gò ốm yếu “thân tàn ma dại” vì 10 năm sử dụng ma túy, chưa đầy một năm cai nghiện, anh Vương đã trở lại cuộc sống bình thường, yêu thương vợ con, chăm chỉ làm ăn.

TIN BÀI KHÁC:

Được cứu sống nhờ Methadone

“Cái chết trắng” len lỏi vào cuộc sống của anh Trần Văn Vương (SN 1977, xóm 18, xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, Nam Định) khi anh mới 23 tuổi. Ngày ấy, cũng như các thanh niên trai tráng trong làng, anh xa quê đi lập nghiệp, lúc Quảng Ninh, khi Hải Phòng, khi lên Tây Bắc. Sống và sinh hoạt với những người nghiện, rượu chè cờ bạc nên anh đã vướng vào ma túy.

Anh Trần Văn Vương (Ảnh: La Hoàn)

Anh kể: “Năm 2000 tôi xa nhà đi Quảng Ninh làm than. Lúc đó bị bạn bè rủ rê nên bắt đầu sử dụng ma túy. Mới đầu chỉ chơi chơi thôi, hai năm sau mới nghiện nặng, đến năm 2008 phải chuyển sang chích mới đủ liều”.

Những năm đầu sử dụng ma túy anh Vương giấu gia đình rất giỏi. Thậm chí nghiện được hơn một năm anh mới về quê lấy vợ mà vợ anh không hề hay biết mình lấy phải “con nghiện”. Chỉ đến khi nghiện nặng, thiếu tiền, thiếu thuốc, anh khuân đồ trong nhà đi bán, gia đình mới té ngửa.

“Những ngày mới nghiện, còn sức khỏe nên mình làm hăng lắm, vừa có tiền “chơi” mà vẫn gửi về cho gia đình được. Đến khi nghiện nặng thì lười làm việc lắm, cả ngày chỉ thích nằm một chỗ. Lúc bí, phải mang đồ trong nhà đi bán”, anh kể tiếp.

Có lần anh mang cả chiếc xe máy, tài sản quý giá nhất của gia đình lúc bấy giờ đi bán. Rồi khi lên cơn, thèm thuốc mà không có tiền, anh mắng chửi vợ con không thương tiếc. Cũng may là anh có người vợ biết cảm thông và chịu đựng, chị không trách anh mà còn nhẹ nhàng khuyên anh đi cai nghiện.

Anh bảo anh được “cứu sống” khi chương trình điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone, nằm trong dự án “Phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tài trợ về tới huyện Xuân Trường. Anh là một trong những người đầu tiên làm đơn và được điều trị theo phương pháp mới này.

Anh bảo, kể từ ngày uống Methadone anh không sử dụng ma túy nữa, tư tưởng thoải mái, ăn được, ngủ được và chăm làm hơn. Anh đã mua gà, lợn về để chăn nuôi phụ giúp vợ. Thế nhưng, với anh, có lẽ cái được lớn nhất là lấy lại được lòng tin yêu của gia đình, làng xóm.

Ngôi nhà bé nhỏ của anh Vương giờ đây đã bình yên vì không còn “khói thuốc trắng”. (Ảnh: La Hoàn)

“Ngày trước mình nghiện, vào nhà ai người ta cũng cảnh giác và tỏ thái độ không thích vì nghĩ mình sẽ chôm cái nọ cái kia, hay rủ rê con cái họ theo mình. Bây giờ thì mọi người đã niềm nở hơn. Vợ mình cũng tin tưởng mình hơn. Ngày mới uống thuốc, sáng sáng vợ đèo đi uống rồi đèo về vì sợ mình đi lung tung, lại tụ tập bạn bè chích lại. Đi đâu một tí hay ngồi uống cốc bia với bạn thôi là vợ cũng gọi về. Bây giờ thì tin tưởng rồi, đi đâu cũng thoải mái”, anh Vương hồ hởi nói.

Như một phép nhiệm màu, sau 7 tháng được điều trị bằng Methadone, anh Vương đã đoạn tuyệt với ma túy, tăng gần 10 kg và hăng say lao động.

Anh Phạm Kim Tuyết, cán bộ Trạm Y tế xã Xuân Vinh, Xuân Trường, người trực tiếp theo dõi sự tiến bộ của anh Vương từ khi dùng Methadone, bày tỏ: “Tôi thấy phục đấy. Nghiện gần 10 năm mà chỉ một thời gian ngắn đã cắt đứt hẳn. Nhiều người dùng Methadone nhưng vẫn dùng thêm ma túy, hoặc rất lười lao động. Nhưng anh này thì chăm chỉ, giờ tập trung làm ăn, quan tâm vợ con lắm”.

Tiến tới xã hội hóa Methadone

Bác sỹ Trần Huy Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường cho biết hiện cơ sở điều trị Methadone tại đây điều trị cho 273 người nghiện. Những kết quả bước đầu thu được rất khả quan, cho thấy hiệu quả của phương pháp điều trị này.

“Qua thời gian điều trị đa số bệnh nhân cải thiện về sức khỏe, tham gia công việc giúp đỡ gia đình. Tình hình an ninh trật tự của địa phương cũng được cải thiện, ít xảy ra trộm cắp vặt như trước kia”, bác sĩ Phương nói.

Bác sĩ Trần Huy Phương: “Rất nhiều người làm đơn để được điều trị Methadone nhưng cơ sở chưa đáp ứng được”. Ảnh: La Hoàn

Bác sĩ Phương cho biết, Methadone ít độc, được dùng bằng đường uống, trên thế giới nhiều nước đang áp dụng để điều trị cho người nghiện ma túy. Việc điều trị thay thế bằng Methadone sẽ giúp người nghiện từng bước giảm dần và không lệ thuộc vào ma túy, hồi phục sức khỏe. Phương pháp điều trị này còn góp phần làm giảm sự lây truyền HIV/AIDS do hành vi tiêm chích.

Có thể nói, điều trị cai nghiện bằng Methadone đang là phương pháp ưu việt nhất hiện nay. Sau khi thí điểm thành công tại Hải Phòng và TP.HCM, đề án này đang được triển khai mở rộng tại 13 tỉnh, thành phố nhằm điều trị cho khoảng 15.600 người nghiện trong năm nay.

Tại Nam Định, hiện có 3 cơ sở điều trị Methadone là TP. Nam Định, huyện Giao Thủy và huyện Xuân Trường. Tiến sỹ, Bác sĩ Trần Văn Quang, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Nam Định cho biết hoạt động của 3 cơ sở này trong khuôn khổ Dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Hết năm nay Ngân hàng Thế giới sẽ rút, nếu mở rộng việc điều trị sẽ phải áp dụng phương thức xã hội hóa.

“Tỉnh cũng đã có kế hoạch duy trì và mở rộng các cơ sở điều trị Methadone tại tất cả các huyện. Muốn thế thì phải có nguồn lực đáp ứng khi dự án của Ngân hàng Thế giới kết thúc vào cuối năm nay. UBND tỉnh đã chỉ đạo chúng tôi là xây dựng đề án xã hội hóa, huy động sự đóng góp của người bệnh và Nhà nước hỗ trợ biên chế nhân lực, hạ tầng, tiền thuốc. Đồng thời sẽ huy động sự đóng góp của người bệnh từ 15.000 đến 20.000 đồng/ngày. Với khoản đóng góp này, người dân cũng rất sẵn sàng vì so với số tiền phải mua ma túy thì số tiền này ít hơn rất nhiều”, ông Quang nói.

Methadone được chỉ định điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện, là một giải pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, có nhiều ưu điểm (giá rẻ, dễ kiểm soát, hạn chế việc lây nhiễm HIV...), đã được triển khai tại gần 80 nước trên thế giới.

Lợi ích của việc điều trị Methadone đã được công nhận đó là: giảm sử dụng ma tuý bất hợp pháp; sử dụng bằng đường uống nên giảm lây nhiễm HIV; giảm tử vong do tiêm chích quá liều; cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghiện; cải thiện mối quan hệ của người nghiện với gia đình và cộng đồng; giảm các hành vi tội phạm. Hiệu quả kinh tế của điều trị Methadone đã được nhiều nước nghiên cứu và đưa ra kết luận: với 1 USD chi cho chương trình Methadone sẽ tiết kiệm được 7 USD chi cho các vấn đề khác phát sinh như các về vấn đề pháp luật, y tế.

Tuy nhiên, Methadone không phải là thuốc cai nghiện mà là một loại thuốc dùng điều trị thay thế, Methadone chỉ có tác dụng điều trị đối với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện và cần điều trị trong thời gian dài để đạt hiệu quả cao.


La Hoàn