Tây Thiên (thuộc Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) được biết đến là một quần thể kiến trúc cổ xưa với chùa, đền, miếu, bia đá... mang đậm dấu ấn của lịch sử và văn hóa. Hệ thống đền chùa ở Tây Thiên còn được bao bọc bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, mây trời nên thơ và hùng vĩ. Tất cả tạo nên một quần thể di tích Tây Thiên độc đáo không phải nơi nào cũng có được.

Điểm dừng chân đầu tiên là đền Thỏng, hay còn gọi là đền Trình. Đền Thỏng được coi là “cửa ngõ” dẫn lên khu di tích đền Thượng trên đỉnh núi. Ngôi đền hiện tại được xây dựng vào năm 1998 theo kết cấu chữ đinh trên nền ngôi đền cũ, hướng ra không gian rộng lớn với cây đa chín cội sừng sững trước cửa đền như một chứng nhân lịch sử linh thiêng.

“Cửa ngõ” lên đền Thượng…

… là đền Thỏng

cùng cây đa chín cội (rễ cây tỏa ra chín nhánh) là chứng nhân của lịch sử linh thiêng.


Qua đền Thỏng sẽ tới đền Cậu. Đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, tương truyền là nơi “Cậu” ngự lại chiêu mộ và nuôi quân để đi theo phò Quốc Mẫu Tây Thiên. Quãng đường từ đền Thỏng tới đền Cậu chỉ khoảng hơn 1km với hai hàng cây xanh mát, những mái nhà dân lúp xúp xen lẫn trong sắc vàng của những vườn cải đang trổ hoa dọc con suối nhỏ. Người ta lên đền Cậu để cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ, cầu những nguyện ước tốt đẹp về mặt tình duyên và con cái.
Đến đền Cậu cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ, tình duyên và con cái

Từ đền Cậu đi thêm khoảng 2 km nữa sẽ đến đền Cô. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu Tây Thiên giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, thoáng đãng và yên bình với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ.
Cảnh sắc đền Cô Bé thanh nhã, khoáng đãng và yên bình

Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền Cô Bé càng làm tăng thêm vẻ tịch mịch và thanh tĩnh cho không gian nơi đây. Tương truyền “suối và giếng này rất thiêng”, nếu ai lấy nước từ đó dâng lên cùng lễ vật rồi uống sẽ thấy trong lòng thư thái, thanh thản và tịnh tâm đến lạ lùng.
Suối Giải Oan

Men theo suối Giải Oan là đến với chùa cổ Phù Nghì, du khách sẽ cảm nhận được sự huyền bí của thiên nhiên với suối chảy rầm rì, rừng sâu u tịch, mây nước hiền hòa và không gian thanh tịnh; được chìm ngắm và thăng hoa trong những thanh âm của các pháp cụ cùng tiếng đọc kinh của các ni cô phái Mật tông, có hơn 800 năm hướng đạo chúng sinh trên con đường tâm linh chân chính, hướng đến thành tựu giác ngộ tuyệt đối.
Các sư cô phái Mật tông hướng đến thành tựu giác ngộ tuyệt đối
Vẫn từ đền Cô, tiếp tục đi khoảng 1,5 km nữa là tới khu di tích đền Thượng nằm giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với mây mù, thông reo, chim hót. Đền Thượng có từ đời vua Hùng Vương thứ 7 và được xây dựng, tu bổ lại vào năm 2009.
Đền Thượng được tu bổ lại vào năm 2009

Đền Thượng là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, vị thần chủ của Tây Thiên và nữ chúa vùng đất Tam Đảo. Tương truyền bà được sinh ra từ khí thiêng của ngọn Tam Đảo, kết duyên cùng Hùng Chiêu Vương thứ 7 và đã có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa. Sau khi thác, bà được phong là “Tam Đảo Sơn Trụ Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần” và danh vị Quốc Mẫu Tây Thiên.
Du khách thập phương đến hành hương và chiêm ngưỡng cảnh đẹp Tây Thiên.

Từ trước đến nay, đường đi lên đền Thượng vốn rất gập ghềnh, khó khăn, thách thức sự bền bỉ và dẻo dai của Phật tử thập phương. Tuy nhiên theo thông tin nhận được từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ tháng 2 năm 2012, hệ thống cáp treo nối lên đến đền Thượng sẽ được đưa vào hoạt động để giúp du khách đi lại dễ dàng hơn.
Hệ thống cáp treo phục vụ du khách hành hương lên đền Thượng

Tây Thiên đang trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái lý tưởng của cả nước. Tây Thiên kéo chân và níu giữ du khách bởi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình cùng khu quần thể di tích đền chùa đa dạng. Bởi thế mà dân gian xưa đã có câu ca lưu truyền:

Ai lên ngắm cảnh Tây Thiên
Mải mê thưởng ngoạn, chớ quên đường về.


Minh Hằng