Để khách ngồi đợi cả tiếng mới khai tiệc, hát hò ầm ĩ, nhảy nhót điên cuồng, uống say bí tỉ…là những hình ảnh xấu xí thường gặp trong tiệc cưới của người Việt.

Chờ dài cổ mới khai tiệc

“Tôi nhớ đám cưới ở bên quận 4. Thiệp mời 17:30. Quý bạn, từ bên Gò Vấp tôi tranh thủ đi sớm, 17h có mặt. Ai cũng biết là giờ đó thậm chí nhà hàng còn chưa mở cửa, cô dâu chú rể dĩ nhiên chưa có mặt. Tôi đành ôm bụng đói chờ đến 19:30 mới có ăn. Lần khác ở nhà hàng khác, tôi có mặt lúc 19h để còn chụp hình chúc mừng cô dâu chú rể. Hôm đó trời mưa, đến hơn 20h mới khai tiệc. Tại sao thư mời không ghi hẳn 19:30 nhỉ?”, anh Peter Lương bày tỏ.

Độc giả Như Đan ở TP. HCM thì gọi đó là “giờ dây thun” và coi đó như một căn bệnh chưa có thuốc chữa. 

“Tôi đi dự một đám cưới được tổ chức tại một khách sạn sang trọng ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Gia đình hai bên của đám cưới có lẽ cũng rất ý thức về nạn “giờ dây thun”, vì vậy trong thiệp ghi rất rõ: đón khách 18g - nhập tiệc 19g. Thế nhưng, 19g15 vẫn im lặng. 19g30 vẫn im lặng. 

Không chỉ những khách đến sớm sốt ruột mà chính cô dâu chú rể cùng cha mẹ hai bên cũng đi ra đi vào sốt ruột. Mãi đến 19g45 thủ tục mới bắt đầu, và có lẽ gia chủ cũng nhận thức được sự sốt ruột của nhiều người nên các nghi thức hết sức giản đơn, mau lẹ. Để rồi khi món khai vị được đặt lên bàn thì đồng hồ chỉ 20g05!”.

{keywords}

“Giờ dây thun” trở thành căn bệnh khó chữa của người Việt (ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

“Hử? Hả?” vì tiếng hát hò ầm ĩ

Độc giả Peter Lương chia sẻ rằng, anh ngán nhất nhất là việc hát hò trong tiệc cưới. Nhiều tiệc hát nhiều đến mức anh tưởng mình đang xem một show ca nhạc.

“Tôi không hiểu tại sao người ta thích cắm đầu ăn trong âm thanh ầm ĩ đến nỗi 2 người ngồi cạnh nhau nói như hét vào lỗ tai mà vẫn cứ hử, hả. Sao không chơi nhạc hòa tấu êm dịu để buổi tiệc cưới được ấm cúng, tình cảm? Muốn hát muốn nhảy hãy để cuối tiệc có được không?”, anh bày tỏ.

Độc giả Quốc Anh cũng chia sẻ rằng, anh ngán ngẩm nhất là việc nghe hát hò khi đang ăn uống. “Người ngồi cùng bàn muốn nói chuyện hay hỏi han công việc (đa số đều lâu ngày mới gặp) thì cứ phải hét lên thì mới nghe thấy. Hát xong người ta vỗ tay, mình đang ăn dở cũng phải đặt bát đũa xuống vỗ vỗ cho phải phép. Để nhạc không lời du dương nhẹ nhàng thì tốt biết mấy”.

Thi nhau uống như bợm nhậu

“Đến chúc phúc người ta mà cứ dô dô như đang ở quán bia vậy”, chị Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội bộc bạch. Chị Thủy chia sẻ rằng, đi dự nhiều tiệc cưới, chị thấy chán nhất là ngồi cạnh những bàn “bợm nhậu”, vừa ồn ào vừa sặc mùi bia rượu. 

“Có lần ngồi cạnh mâm một đội bợm nhậu, uống từ đầu đến cuối luôn, thậm chí uống hết rượu trên bàn mình, ngó sang bàn bên cạnh thấy không dùng đến thì xin luôn. Cô dâu chú rể ở đâu chả quan tâm, chỉ chăm chăm vào bàn rượu”, chị Thủy bức xúc.

{keywords}
Ảnh minh họa

Một cô dâu trẻ ở Hà Nội mới tổ chức tiệc cưới đầu tháng vừa rồi cũng bộc bạch rằng, nhiều khách mê rượu bia uống nhiều đến mức vợ chồng cô phải trả thêm tiền rượu ngoài thực đơn cho nhà hàng. 

“Chán nhất là có người say xỉn rồi cứ đòi chụp ảnh với hai vợ chồng, nói năng lung tung cả”, cô than thở.

Mời quá nhiều khách

Chuyện đi ăn cưới phải ngồi chung mâm nói cười với người lạ là quá bình thường. Điều đáng nói là có những đám cưới mời nhiều khách đến mức cả cô dâu, chú rể cũng không biết hết mặt khách mời bởi đó là bạn của ông, của bà, của bố, của mẹ, của cô dì chú bác.

“Mời gì mời khiếp quá, đi cả vòng đám cưới mấy trăm người không thấy ai quen luôn, hình như toàn khách của bố mẹ thì phải. Mình ngồi ăn cùng một bàn 10 người, không ai quen ai luôn, cứ cắm cúi ăn rồi đi về. 

Cô dâu chú rể thì bận đón khách, định bụng đến chụp hình hỏi han bạn cũ nhưng cũng chỉ kịp bắt tay một cái, có khi cô dâu còn chả biết sự hiện diện của mình”, chị Hà kể lại lần đi dự đám cưới của cô bạn cũ.

K. Minh (tổng hợp)