Thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, với các căn bệnh nguy hiểm, như: tim mạch, ung thư và có hơn 90% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch.

Liên minh quốc tế phòng chống Lao và bệnh phổi (the Union) cho biết, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử cũng như hút thuốc lá thụ động đều có hại cho hệ tim mạch và hô hấp. Những người hút thuốc dễ nhiễm Covid-19 hơn những người không hút thuốc vì hành động đưa tay lên miệng khi hút thuốc sẽ tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể nếu tay người đó dính virus.

{keywords}
 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), "Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khỏe của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19", hút thuốc lá làm lây truyền nguy cơ nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả Covid-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với Covid-19.

Một nghiên cứu mới về dịch tễ học được công bố vào tháng 2/2020 trên Tạp chí Y học New England cho thấy, so với những người không hút thuốc, những người hút thuốc có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần khi bị nhiễm Covid-19. Trong cùng nghiên cứu trên 1.099 người mắc Covid-19, gần 17% bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng nhất là những người đang hút thuốc và chỉ hơn 5% là những người từng hút thuốc trước đây.

Union cho biết, bằng chứng cho thấy không chỉ riêng với việc hút thuốc lá điếu việc phơi nhiễm với khí do hút thuốc lá điện tử tạo ra, bất kể dung dịch là nicotine, tetrahydrocannabinol hay thậm chí chỉ là hương liệu đều có hại cho tế bào phổi, làm tổn thương mô phổi và làm tăng tình trạng viêm nhiễm, do đó làm giảm khả năng đáp ứng của phổi với nhiễm trùng, kể cả Covid-19. Hơi hoặc khí tạo ra từ việc hút thuốc lá điện tử có thể chứa virus, gây nguy cơ cho những người không hút nhưng hít phải các khí này

Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá” để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá.

Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bới các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

Liên minh (the Union) cũng khuyến khích các chính phủ đặc biệt chú ý đến việc đẩy mạnh thực thi các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiệu quả (MPOWER) do WHO khuyến cáo như đẩy mạnh công tác cai nghiện thuốc lá, cảnh báo về tác hại của thuốc lá, thực thi các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại tài trợ…nhằm giảm sử dụng thuốc lá. Các quốc gia cũng cần lưu ý để bảo đảm rằng các công ty thuốc lá không lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm bằng cách giao hàng miễn phí hoặc các ưu đãi khác.

Nhằm tăng cường sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, WHO (World Health Organization - Tổ chức Y tế Thế giới) đã chọn ngày 31/5 hằng năm là ngày “Thế giới không thuốc lá”.

Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá” nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc nghiện chất nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá, đồng thời kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng….

Doãn Phong