Từ một người nông dân lam lũ, tối ngày chỉ biết đến ruộng vườn, chị đã vươn lên trở thành “giảng viên”, biết đánh máy, biết sử dụng internet, một tay nuôi ba đứa con ăn học dù đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV.

Chị là Bùi Thị B. - người phụ nữ có HIV đã dũng cảm đứng lên thành lập câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" ở xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình vào thời điểm mà người ta sợ HIV hơn cả sợ hủi (năm 2005) để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Chị B. sẵn sàng công khai danh tính trên truyền thông, nhưng khi nghe tâm sự của chị về các con “các con rất ủng hộ mình tham gia công tác xã hội, nhưng không muốn mẹ lên truyền thông nữa vì chúng nó đã lớn, cũng có bạn trai bạn gái rồi nên ngại”, nghĩ đến các con chị, người viết xin phép được giấu tên.

Lấy nhà mình làm cơ sở sinh hoạt cho người có H

Đã 7 năm nay căn nhà ngói cấp bốn của chị B. trở thành nơi sinh hoạt, chia sẻ của những người có H ở xã Vũ Tây. Chị tự nguyện cho mượn nhà làm cơ sở sinh hoạt cho CLB, và cũng chưa bao giờ tính một đồng tiền điện, tiền nước nào khi mọi người đến sinh hoạt.

Chị bảo, ban đầu khi thấy nhóm người có HIV tụ tập ở nhà chị, người làng xôn xao bàn tán ghê lắm bởi ngày đó (năm 2005) người ta rất sợ AIDS. Nhưng dần dần mọi người cũng hiểu và thông cảm khi thấy các thành viên trong CLB sống tích cực hơn, vui vẻ hơn, thường xuyên giúp đỡ, đổi công cho nhau.

Chị B. (Ảnh La Hoàn).

Căn nhà dùng làm “trụ sở” CLB của chị B. (Ảnh La Hoàn)

“Đến lịch họp là mọi người gặp nhau tâm sự, chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống thường ngày. Hướng dẫn nhau cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Tìm cách giúp đỡ những chị em đang gặp khó khăn”, chị B. chia sẻ.

Nói về CLB giọng chị dõng dạc, cứng rắn đúng với phong cách của người dẫn đầu. Nhưng khi nói về bản thân, giọng chị bắt đầu trầm xuống, chị rơm rớm nước mắt nhớ lại quãng thời gian đau khổ khi chị mới biết mình có H.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, 20 tuổi chị đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Nhà thuần nông nhưng ít ruộng đất muốn vợ con đỡ khổ, chồng chị đã theo bạn bè lên Sơn La, Lai Châu làm ăn. Cũng từ đó, anh đã bị lôi kéo vào con đường ma tuý, rồi bị nhiễm HIV từ lúc nào không biết. Vô tình anh đã lây lan căn bệnh chết người này cho vợ mình. Rồi nhanh chóng bỏ vợ ra đi khi đứa con thứ ba chưa kịp chào đời.

“Tôi biết tin mình có H khi đang mang bầu đứa thứ ba, cái thai mới được 5 tháng. Lúc này chồng tôi đã chuyển sang giai đoạn AIDS, một thời gian ngắn sau thì anh mất khi cháu thứ ba chưa kịp chào đời. Lúc đó người ta sợ AIDS lắm nên mình không tránh khỏi sự kỳ thị. Một mình sinh con khi chồng vừa mất, hàng xóm láng giềng xa lánh…”, chị lặng người như trở lại với nỗi đau của 9 năm về trước.

“Cũng may là đến nay cháu 10 tuổi rồi hai lần xét nghiệm đều âm tính. Cả ba con đều rất ngoan, chăm học. Mình thiệt thòi như vậy rồi, giờ chỉ muốn các cháu được học hành đến nơi đến chốn, thoát khỏi cảnh thất học”, chị nói tiếp.

HIV đã thay đổi cuộc đời chị!

Từ một người phụ nữ thuần nông, tối ngày chỉ biến đến ruộng vườn, lợn gà, giờ đây chị B. đã biết sử dụng máy vi tính, gửi mail thành thạo, chị cũng thường xuyên đi công tác các tỉnh, làm việc với chuyên gia nước ngoài, thậm chí đứng trước giảng đường đại học nói về HIV trước toàn thể sinh viên với phong thái rất tự tin. HIV đã thay đổi con người chị như thế.

Ngày mới phát hiện mình có H, mọi người kỳ thị xa lánh, chị suy sụp lắm. Nhưng nghĩ đến các con chị lại gắng gượng. Ngày đó, chị vừa làm ruộng, vừa bán hàng khô ở chợ để kiếm tiền nuôi các con. Nhưng rồi người ta sợ HIV nên gánh hàng của chị cũng thưa thớt dần.

Hình ảnh chị B. những ngày mới phát hiện mình có H (người bế con).

Chị B. của những ngày đi tuyên truyền về HIV.

Cho đến ngày chị nhận được lời mời làm cộng tác viên tuyên truyền cho HIV từ cán bộ y tế xã, cuộc đời chị bắt đầu thay đổi. Chị đứng lên thành lập CLB Ngày mai tươi sáng. Khi là chủ nhiệm CLB chị được mời tham dự nhiều lớp tập huấn, hội thảo về HIV. Được tập huấn cách tuyên truyền, rồi chị phổ biến lại kiến thức cho các chị em, cứ như thế chị trở thành tuyên truyền, giảng viên về HIV lúc nào không hay.

Anh Thái Lương Tâm (Cán bộ Trung tâm phòng chống HIV tỉnh Thái Bình), người thường xuyên tiếp xúc và làm việc với chị B. cho biết: “Từ một người nông dân không dám phát biểu trong cuộc họp thôn xóm, giờ đây chị có thể đứng diễn thuyết trước hàng trăm sinh viên đại học cả tiếng đồng hồ. Chị biết đánh máy, gửi mail. Thậm chí đi công tác các tỉnh, làm việc với chuyên gia nước ngoài còn nhiều hơn tôi. Rõ ràng, HIV đã khiến chị tự tin hơn, trở thành một con người hoàn toàn khác”.

Giờ đây chị đang làm quản lý cho dự án HIV của Tổ chức quan tâm thế giới đang triển khai ở Ninh Bình. “Ăn lương” dự án nên chị có thể lo cho các con ăn học tử tế, con gái lớn đang học ĐH trên Hà Nội, con thứ hai đang học lớp 12. Vừa là mẹ, vừa là cha vừa là người dẫn đường của người có H, chị đã vượt qua được ranh giới bệnh tật để sống có ích trong cuộc đời.

“Làng HIV” giờ đã bình yên

Xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình từng là “điểm nóng” về ma tuý và HIV/AIDS của cả nước, được mệnh danh là “làng HIV”.

Năm 1990, Vũ Tây phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, số người nhiễm lên đến cả trăm người. Toàn xã với hơn 9.000 nhân khẩu nhưng có tới hơn 200 người nghiện, trong đó 120 người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nếu xét bình quân đầu người, Vũ Tây là xã có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất toàn quốc.

Đặc biệt, năm 2006, xã có trên 40 người chết vì căn bệnh quái ác này.

Giờ đây vùng đất Vũ Tây đã bình yên trở lại. Dự án Phòng chống HIV do Ngân hàng Thế giới tài trợ (bắt đầu từ năm 2006) đã giúp Vũ Tây khống chế HIV.

Bằng các chương trình thông tin - giáo dục - tuyên truyền, can thiệp giảm tác hại, chăm sóc – hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV/AIDS… kiến thức của người dân trong xã Vũ Tây về căn bệnh thế kỷ đã cải thiện, mọi người không còn kỳ thị, xa lánh với những người có HIV nữa. Trong 5 năm trở lại đây, ở Vũ Tây không có trường hợp nào nhiễm thêm. Con em của các gia đình có người nhiễm HIV đã được đi học hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

La Hoàn