Dù sự thật chưa ngã ngũ nhưng những dòng bình luận ác ý, tư duy suy diễn cá nhân, sự kết tội theo tâm lý đám đông của cư dân mạng đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và cuộc sống của không ít người.

Khi ngồi trước màn hình, rất nhiều người không ý thức được hành vi xử sự của mình, họ hùa theo đám đông chửi bới, sẵn sàng trút những nỗi bực dọc, căm ghét lên người khác mà không tìm hiểu kỹ, không có sự kiểm chứng, không cần biết đúng sai. Vì sự công kích của những người “không biết mặt, không biết tên” mà những con người thật hứng chịu bi kịch, thậm chí là thân bại danh liệt.

Bác sĩ bị miễn nhiệm vì ảnh “giẫm chân lên giường”

Mới đây, một tấm ảnh chụp bác sĩ T.Q.H (Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao, Phú Thọ) đang giẫm một chân lên giường bệnh phát tán trên mạng xã hội đã khiến vị bác sĩ này lao đao.

Một bức ảnh chỉ phản ánh hành vi chứ không cho thấy điểm xuất phát của hành vi ấy. Chưa rõ đầu đuôi câu chuyện, chưa rõ nguyên nhân vì sao bác sĩ lại hành động như vậy, cũng chưa hiểu rõ bản chất con người thật của bác sĩ H., nhưng các cư dân mạng đã bình phẩm, dành cho vị bác sĩ này những lời lẽ cay nghiệt, thậm chí là xúc phạm, miệt thị.

{keywords}

Tấm ảnh khiến bác sĩ H. bị dư luận chỉ trích và khiến anh bị miễn nhiệm chức trưởng khoa.

Chỉ vì một khoảnh khắc khiếm nhã bị ghi lại, vì những lời bình phẩm của cư dân mạng mà bác sĩ này “thân bại danh liệt”, bị miễn nhiệm chức vụ trưởng khoa, không được hưởng chế độ bổ sung thu nhập tăng thêm trong thời hạn 12 tháng, phải kiểm điểm sâu sắc trước toàn thể cán bộ bệnh viện.

Bác sĩ H. cho biết khi đó ông đang chăm sóc cho một cụ già mất trí nhớ. Hôm đó, cả kíp trực phải bón cơm, bón cháo cho ông cụ này. Bác sĩ H. cho rằng hình ảnh cắt lát không đầy đủ đã khiến dư luận hiểu nhầm nên mới công kích ông. Phía người nhà bệnh nhân cũng như các đồng nghiệp đã lên tiếng giải trình cho bác sĩ H. nhưng các vị lãnh đạo đại diện của bệnh viện cho rằng mức phạt này là hoàn toàn xứng đáng vì việc làm này ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

Nữ ca sĩ mất hợp đồng quảng cáo vì nghi án người thứ 3

Cuối tháng 5 vừa qua, tấm ảnh Hồ Ngọc Hà thân mật với người đàn ông lạ tại một nhà hàng ở TP.HCM đã khiến nữ ca sĩ này bị kết án “hồ ly”, “phá hoại gia đình của người khác”. Dù chưa rõ đầu đuôi câu chuyện, nhưng hàng nghìn người đã hùa vào bình phẩm, dùng những lời lẽ cay nghiệt, chửi bới nữ ca sĩ.

{keywords}

Nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà bị kêu gọi tẩy chay từ tấm ảnh thân mật với người đàn ông lạ.

Thậm chí, trên mạng xã hội facebook, những người này còn lập hội “Tẩy chay Hồ Ngọc Hà” với hàng nghìn người tham gia. Họ gửi các thông điệp, gây áp lực với các nhà quảng cáo mà nữ ca sĩ này đang làm gương mặt đại diện, đòi ngừng hợp tác với cô nếu không họ sẽ tẩy chay không sử dụng nhãn hàng.

Dù nữ ca sĩ không chia sẻ về những áp lực, tổn thất cô đang gặp phải từ áp lực dư luận, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy ở thời điểm nhạc cảm này, sẽ khó công ty nào dám mạo hiểm thuê nữ ca sĩ này làm gương mặt đại diện nữa.

Cái chết yểu của “Flappy Bird”

Vụ game Flappy Bird của nhà phát triển trò chơi Nguyễn Hà Đông bị “chết yểu” là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy sức công kích khủng khiếp của dư luận xã hội. Cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện chí, quá khắt khe trong việc công nhận khả năng hay thành công của người khác, ‘thói’ phải dìm trước cho ‘không ngóc đầu lên nổi’… dường như là căn bệnh kinh niên của không ít cư dân mạng Việt.

Một game của người Việt được cả thế giới yêu thích đáng ra là niềm tự hào dân tộc. Một nhà sáng tạo trẻ 29 tuổi đáng ra được tôn vinh và tạo điều kiện để phát triển. Thì ngược lại, cư dân mạng chỉ chăm chăm vào những thông tin về lợi nhuận khổng lồ mà tác giả có thể thu được từ game, ‘nghi vấn’ về việc game dính đến bản quyền - pháp lý, tác giả bị Cục Thuế “sờ gáy”, để rồi họ lập hội chế ảnh bêu rếu trước thành công quá nhanh của Nguyễn Hà Đông.

Để rồi trong ‘chảo lửa’ bới móc của cư dân mạng, Đông đã quyết định gỡ Flappy Bird khỏi các ứng dụng di động.

K. Minh (tổng hợp)

(còn tiếp)