- Viện phí, rồi xăng tăng giá, gas tăng giá… kéo theo giá cả thị trường tăng vùn vụt đẩy gánh nặng cuộc sống của những người dân nghèo vào cơn bĩ cực.

XEM BÀI TRƯỚC


Chị Hải và bữa trưa “cháo ăn liền” pha vội.
Cháo 1.500 đồng, bánh mì 2.500 đồng cũng phải đắn đo

Nhà lưu trú bệnh nhân nghèo của bệnh viện Bạch Mai giờ nghỉ trưa đẫm một bầu không khí nặng nề. Trên những chiếc giường đơn, nhiều bệnh nhân đang cặm cụi ăn trưa. Người cặp lồng, người hộp cơm, có người suất ăn giản tiện hết mức, là gói xôi hay gói cháo ăn liền.


Vừa đổ nước sôi vào cặp lồng pha cháo, vừa canh chồng đang truyền dịch, chị Nguyễn Thị Hải (Cẩm Giàng – Hải Dương) vừa cười vừa bảo: “Đây, ăn uống chỉ có thế này thôi, 1500 đồng một gói cháo!”

Chị vẫn giữ nụ cười nửa bông đùa, nửa chua xót ấy khi nói đến những khoản chi phí thường nhật đắt đỏ trong bệnh viện. Chồng chị bị ung thư, vào BV điều trị mới hai tháng nhưng gia cảnh nhà chị đã gần như kiệt quệ: “Ăn uống chỉ thế này thôi, cố được đến đâu thì cố, còn bao nhiêu tiền đều dồn hết vào tiền thuốc thang, bệnh viện cả” – chị Hải trải lòng.

Chồng chị nhập viện một lúc đóng vài chục triệu, một mũi xạ, mũi tiêm cũng tính bằng tiền triệu, tiền trăm. Những khoản phụ phí phát sinh hằng ngày, từ ăn uống, đi lại, vệ sinh, tuy gọi là “phụ” nhưng cũng tốn kém vô cùng.

Chị thật thà bảo: “Thóc chưa đầy 700 nghìn một tạ, đất nhà quê thì sỏi đá, bán cũng chẳng có người muốn mua. Đi vay thì ai dám cho vay vì bệnh tật như thế này… Thôi thì phải hà tiện, nhưng hà tiện vắt ruột ra một tháng trên này hai vợ chồng cũng tốn đến 3, 4 triệu đồng tiền ăn, tiền ở, tiền này khác…Bây giờ các thứ lại đua nhau tăng nữa thì chỉ chết dân nghèo!”

Một suất cơm bình dân trước kia chỉ 15-20 nghìn, giờ đội lên 25-30 nghìn. Nếu hàng nào không tăng giá, thì khẩu phần cắt giảm đi trông thấy, 5 miếng thịt chỉ còn ba miếng mỏng tang. Mà muốn mua cơm giá rẻ, cũng phải lần mò vào các ngõ ngách mới mua được…

Không kìm được nỗi tủi thân, chị bảo, cả tháng nay rồi, sáng sáng, chị chỉ có cái bánh mì hai ngàn rưởi (bánh mì cũng tăng giá!) hoặc gói cháo. Khi thì khi cháo, khi cơm… để dành tiền mua cho chồng hộp sữa gọi là ăn tươi. Chứ thực tình thức hoa quả, thịt cá để tẩm bổ chị cũng không thu vén nổi.

Nói đến đây, tiếng cười tắt ngấm, chị Hải khục khặc ho. Nước mắt đã ràn rụa trên mặt chị từ lúc nào. Những phép tính ngắn dài của chị Hải như cứa vào lòng người, nhiều bệnh nhân, người nhà ở giường bên cũng lặng đi không nói lên lời.

Ước mơ vuột khỏi tầm tay


Những giọt nước mắt của chị Hải khiến không ít bệnh nhân trong phòng bùi ngùi. Ai cũng thấy một chút đời mình, âu lo của mình ở đó.

Thở dài, chị Hải bảo: Được nhà lưu trú này vẫn còn yên ấm lắm, vì còn có chỗ đi ra, đi vào được nghỉ ngơi thoải mái. Nhiều bệnh nhân, người nhà còn không có điều kiện vào ở đây, phải chống chọi với bệnh tật trong cảnh màn trời chiếu đất trong bệnh viện. Chút niềm an ủi ấy cũng may, đỡ đần các anh chị phần nào.

Những chiếc giường vừa là “nhà” của người nhà bệnh nhân. Vợ chồng chị Hải có hai người nhưng cũng chỉ được ngủ chung một giường.

Trong suốt cuộc chuyện với chị Hải, chồng chị ngồi bên, nghe vợ tâm sự chỉ biết lặng thinh. Những cơn đau bệnh còn thuốc thang dằn được, nhưng những cơn đau lòng khi nhìn vợ con vất vả ngược xuôi khiến anh khó lòng yên tâm chữa bệnh. Lấy tay lén gạt nước mắt, anh quay đi rồi chạm mắt phải bát cháo còn chưa kịp ăn của vợ, người anh bỗng run lên từng chập.
Chị Hải ngừng câu chuyện, quay sang sửa lại dây truyền dịch, rồi nắm khẽ lấy tay chồng yên ủi. Có lẽ chẳng ai trong số họ muốn nghĩ nhiều hơn về những con số, phép tính cộng trừ trĩu nặng kia.

Tiếp dòng tâm sự, chị Hải bồi hồi kể: “Thằng bé Út nhà tôi vừa vào đại học thì bố nó đổ bệnh. Nếu biết sớm gia cảnh thế này, chắc cũng chẳng dám cho cháu đi học, nhưng lỡ rồi, để cháu bỏ học thì cũng tội thân cháu. Thôi thì cố được đến đâu, hay đến đấy”.

Con trai chị đang học năm thứ nhất ngành thú y, ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Lúc này đây, cháu vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi âu lo, day dứt lớn nhất trong lòng chị.

Bởi, mỗi tháng, chị phải cố gắng lo cho con 1 triệu rưỡi đến 2 triệu tiền học, tiền ăn ở. Thương con trai mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội đã phải vội vã tìm việc làm thêm, chị càng xót xa vì những lời hứa tặng cho con chiếc máy vi tính lúc cháu vừa đỗ đại học nay chắc chắn không thể thành sự thật.

Hôm trên xe đưa chồng lên Hà Nội, nghe có cô sinh viên nhắc anh tài cẩn thận trong ba lô có máy tính, nghĩ đến con mà rớt nước mắt!” – chị nói.

Bây giờ chẳng những không mua được vi tính mà với gia cảnh đã gần như khánh kiệt, chị còn không biết sẽ xoay xở ra sao để con có thể tiếp tục đến giảng đường.

Quỳnh Anh