Nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi; trở thành Phó Giáo sư khi vừa bước vào tuổi 30; từng giành Giải nhất Tài năng khoa học trẻ dành cho giảng viên Việt Nam và Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu, được vinh danh là Gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2013,… người đó, không ai khác chính là PGS.TS Lê Anh Vinh (1983).

Đánh giá về những kết quả mình đạt được, bản thân Lê Anh Vinh cho rằng anh có nhiều may mắn để có được những thành tích như ngày hôm nay.

“Ngay từ ngày bé, tôi đã được học theo hệ thống trường chuyên, được gặp và học rất nhiều thầy cô dạy giỏi, những người không chỉ truyền cho tôi niềm yêu thích đối với môn học mà còn giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng cho các bước đi của mình”.

Tuy nhiên, PGS.TS Lê Anh Vinh cũng không quên nhấn mạnh rằng, bên cạnh niềm đam mê hay yêu thích, điều quan quan trọng để có được thành công đó là tính kỷ luật.

“Đam mê, hay yêu thích cũng chỉ được một thời gian, vì thế, phải xác định được mục tiêu của mình, đề ra tính kỷ luật và kiên trì đi trên con đường đó một cách nghiêm túc thì mới có thể thành công” – Anh Vinh nói.

Bảng vàng thành tích

Có lẽ vì những lý do đó nên những thành tích trong học tập và công tác mà anh mang về đã khiến không ít người phải nể phục.

{keywords}
PGS. TS Lê Anh Vinh

Năm 2001 khi đang học lớp 12, trường PTTH Chuyên Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Anh Vinh đã giành Huy chương Bạc Toán quốc tế và Huy chương Vàng Toán châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó, anh được tuyển thẳng vào Khoa Toán - Cơ - Tin học (Trường ĐHKHTN).

Năm 2003, anh được Chính phủ Australia cấp học bổng toàn phần sang du học ngành Công nghệ Thông tin tại Trường ĐH New South Wales. Năm 2005, với kết quả tốt nghiệp đại học ấn tượng, anh nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Tháng 5/2010, Lê Anh Vinh nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard khi mới 27 tuổi.

Trở về để truyền lửa yêu toán học cho các bạn trẻ

Với rất nhiều những tích đáng nể, nhiều cơ sở nghiên cứu uy tín trên thế giới đã chào mời anh đến làm việc, nhưng cuối cùng, Lê Anh Vinh đã chọn bến đỗ là Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện tại, anh đang là Phó chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Anh cũng đồng thời là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Giáo dục (CERA), Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ về quãng thời gian làm việc sau khi về nước, anh bảo, anh được giao thêm nhiệm vụ tham gia vào quá trình tuyển chọn, bồi dưỡng, tập huấn cho các học sinh đội tuyển Toán quốc gia. Chính công việc đó đã khiến anh có nhiều trăn trở.

“Tôi trưởng thành từ phong trào thi học sinh giỏi toán, nhưng khi về Việt Nam, tôi thấy phong trào đó có dấu hiệu đi xuống. Vì thế, tôi nghĩ rằng, mình phải có trách nhiệm tham gia vào phong trào đó.

Mục tiêu của phong trào thi học sinh giỏi toán không phải là để chọn ra 6 bạn học sinh xuất sắc nhất mỗi năm tham dự kì thi Toán Quốc tế (IMO). Thật ra, chúng ta thường “bỏ qua” đóng góp quan trọng của phong trào này là góp phần đào tạo ra rất nhiều thế hệ học sinh giỏi ở trên một diện rộng. Tôi tin rằng, đối với mỗi học sinh, việc nỗ lực học tập, đạt được những kết quả tốt ở một kì thi học sinh giỏi, dù ở cấp trường hay cấp Quận cũng rất có ý nghĩa. Điều quan trọng là làm thế nào để các kì thi thật sự là những sân chơi, cơ hội để các em được thử sức, cọ sát về mặt kiến thức chứ không phải là những áp lực về mặt thành tích.

Với suy nghĩ đó, năm học vừa qua, chúng tôi đã đưa một số kỳ thi toán quốc tế vào Việt Nam như Kì thi Học sinh Toán quốc tế giữa các Thành phố (International Tournament of Towns), Kì thi học sinh giỏi Toán Hoa Kỳ (American Mathematics Competitions), Kì thi Đánh giá năng lực Toán học Quốc tế (International Mathematical Assessment for Schools) và tới đây sẽ là kì thi Toán Quốc tế Kangaroo, với mong muốn tạo ra cơ hội cho nhiều học sinh có thể tham gia vào một kỳ thi chuẩn quốc tế” – anh chia sẻ.

{keywords}
1 trong số các câu hỏi tham khảo dành cho học sinh lớp 1

Kỳ thi Toán Quốc tế Kangaroo là kì thi dành cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở, được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1991. Đây là kỳ thi Toán học có số lượng thí sinh tham dự lớn nhất trên thế giới – thu hút trên 6.000.000 thí sinh đến từ khoảng 50 quốc gia mỗi năm.

Tại Việt Nam, đây là năm đầu tiên, kỳ thi được được tổ chức. Do đó, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 20/03/2016 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các thí sinh bậc tiểu học, trung học (từ lớp 1 đến lớp 6) đều có thể đăng ký tham gia dự thi để đánh giá năng lực, tư duy của mình so với quốc tế.

“Với cách thức ra đề khác lạ, không bị gắn chặt quá với kiến thức, không đòi hỏi quá nhiều tính toán mà chỉ đòi hỏi khả năng tư duy, quan sát của học sinh. Kỳ thi sẽ giúp cho các thí sinh nhận thấy môn Toán rất thú vị chứ không hề khô khan.

Để từ đó, khi quay trở lại với việc học tập trên lớp, học sinh sẽ thấy thú vị với môn học và yêu thích môn học hơn” – PGS.TS Lê Anh Vinh nói.

Vũ Lụa (thực hiện)