Dậy từ 3 giờ sáng để làm lễ, 5 giờ leo lên xe về nhà chú rể, tiếp đó là chuỗi ngày rửa bát và tiếp rượu… là những gì diễn ra trong ngày cưới mà chị Quyên nhớ lại vẫn rùng mình.


Chỉ muốn tìm một xó để ngủ

Đó là ước muốn duy nhất của chị Ngọc Quyên trong ngày trọng đại của mình. Đám cưới diễn ra cách đây 3 năm nhưng chị vẫn không thể quên cảm giác mệt mỏi và sợ hãi khi đó.

Vợ chồng chị tổ chức tiệc cưới ở hai nơi, quê vợ ở Sơn Tây và quê chồng ở Yên Bái. Tiệc cưới ở nhà vợ diễn ra trong 2 ngày khá nhẹ nhàng nhưng tiệc ở nhà chú rể diễn ra 3 ngày, nghe đã muốn xỉu.

Chị kể, nhà trai xem ngày và giờ đón dâu rất kỹ, toàn chọn “giờ đẹp” vào lúc nửa đêm nên hầu như mấy ngày cưới chị đều thức trắng. 3 giờ làm lễ, 5 giờ mới lên xe về nhà chú rể, trên xe thì mọi người cười đùa lớn cộng với hồi hộp mình cũng không ngủ được, 10 giờ làm lễ ở nhà trai xong là bắt đầu hành trình tiếp rượu.

 

{keywords}

Nhiều vùng quê vẫn tổ chức tiệc cưới kéo dài 2-3 ngày, ca hát thâu đêm (ảnh mang tính chất minh họa)

Khách khứa nhà trai nhiều, lại đến rải rác nên chị cứ phải rót rượu tiếp khách thường xuyên. Mà người dân ở đây có tục được mời rượu thì cô dâu chú rể phải đáp lễ. “Chỉ nhấp môi thôi đã đủ làm mình chếnh choáng, rượu ngấm, đau đầu kinh khủng”, chị nhớ lại.

Đêm đến, thanh niên trong xóm đến hát hò nhảy múa thâu đêm, chị mệt nhưng không thể bỏ đi ngủ. Nhà trai tự làm cỗ ở nhà, toàn cô bác đến giúp, ăn xong chị cũng phải xắn tay lên rửa bát, quét dọn nhà cửa. Cỗ bàn xong lại phải thức đêm làm giò, thịt đông từ cỗ thừa vì ở quê không có tủ lạnh, phải làm ngay không thiu.

“Đó là những ngày đáng sợ nhất của mình, còn sợ hơn cả đi đẻ. Ngày ấy chả thiết tha phong bì, quà cưới, trăng mật gì sất, chỉ thèm có một xó nào đó không ai ngó tới để ngủ”, chị chia sẻ.

Và những chuyện buồn không đáng có

Vì tổ chức đám cưới mà xích mích tình cảm thông gia, vợ chồng là chuyện không hiếm. Vợ chồng chị Linh Chi, Tây Hồ, Hà Nội đã từng rơi vào tình cảnh khó xử khi gia đình hai bên không thống nhất được cách tổ chức tiệc. Vì đều cùng ở Hà Nội nên họ quyết định tổ chức tiệc chung một nơi, tưởng sẽ đỡ mệt hơn nhưng hóa ra lại thêm điều phiền phức.

“Nhà trai thì muốn tổ chức ở nhà hàng A, nhà gái lại muốn tổ chức ở B. Tranh cãi đủ kiểu mới thống nhất được địa điểm thì lại đến khoản chọn món. Khổ nhất là lượng khách mời, nhà trai mời 500 khách, nhà gái mời 300 khách thôi, thế là bố mẹ mình bảo như thế không xứng, nhà trai chỉ được mời bằng nhà gái. Cãi nhau tùng phèo lên, cuối cùng lại quyết định làm riêng vì không chiều được sở thích của các cụ”, chị kể.

Còn chị N. Lan thì không muốn nhắc lại đám cưới của mình, vì chuẩn bị cho đám cưới mà chị mất đi đứa con đầu lòng. Ngày cưới cũng là lúc chị đã có bầu hơn 1 tháng, chị đã cắt giảm tối đa các thủ tục rườm rà để không phải tốn quá nhiều sức lực. Nhưng riêng khoản mời cưới, chị vẫn phải di chuyển.

“Những người ở xa mình cũng định gọi điện mời thôi, nhưng người lớn bảo làm thế là không tôn trọng người được mời, thân quen thì phải đến tận nhà mời tử tế người ta mới đến với mình. Thế là mình đi nhông nhông cả ngày lẫn đêm mấy ngày trời, mỗi ngày mấy chục cây số, cách ngày cưới 2 ngày thì mình bị băng huyết. Giá mà mình kệ mấy cái thứ phong tục ấy”, chị ân hận.

K. Minh
(Còn tiếp)