Chợ Phường 11 (Q. Tân Bình, TP.HCM) thật nhộn nhịp vào những ngày cận Tết. Cả chợ - người mua lẫn người bán - ấm áp tình đồng hương của những người xa xứ.

Chợ Bà Hoa cũ

Bước vào chợ, cảm giác đầu tiên của chúng tôi như lạc vào vùng đất xứ Quảng. Ở đây, những biển hiệu giới thiệu các đặc sản của Quảng Nam được giăng khắp nơi. Đó là cao lầu, bánh đập, chả bò, chả heo, chả bò da Hội An...

{keywords}
Mặt tiền chợ Phường 11 (chợ Bà Hoa trước đây).

Vào chợ, chúng ta được nghe những câu chuyện được trao đổi qua lại bằng chất giọng địa phương đặc sệt. Người bán gốc Quảng, người mua cũng Quảng, họ gặp nhau như những người thân lâu ngày gặp lại.

Những câu hỏi thăm khiến người nghe không khỏi nao lòng: "Vừa rồi bão thổi qua quê mình, nhà chị có sao không?" hoặc "Năm nay nhà chị có được mùa không?". Những câu hỏi đơn giản nhưng chân chất, mộc mạc nhưng thân tình.

{keywords}
Chị Tường Vi, chủ sạp A 53 bên quầy bánh tổ (trong vòng tròn), một đặc sản Quảng Nam.

Chợ Phường 11 là tên mới của chợ Bà Hoa. Bà Hoa quê ở miền Bắc theo chồng vào Nam. Bà là một phụ nữ rất tháo vát và nhạy bén trong làm ăn.

Năm 1964, bà đã chọn khu đất này để xây dựng chợ. Chung quanh chợ là những căn hộ. Ai cần thuê bà cho thuê, ai cần mua bà bán nhưng chỉ lấy vàng không lấy tiền.

Chợ Bà Hoa ngày trước rất thoáng đãng. Mặt tiền chợ nhìn thẳng thấy được công ty dệt. Mặt hậu nhìn xa xa là khu rừng cao su, bây giờ là khu vực giao lộ Lý Thường Kiệt - Lạc Long Quân.

Xung quanh chợ là khu dân cư và ruộng lúa. Dân cư nơi đây đa số người Quảng Nam sống bằng nghề dệt vải. Họ sống thành quần thể. Hiện nay trên đường Nguyễn Bá Tòng gần chợ Bà Hoa người Quảng vẫn còn rất nhiều.

{keywords}
Nướng bánh tráng

Bà Ngất năm nay đã 78 tuổi, mua của bà Hoa một căn nhà phía sau chợ vào năm 1974 với giá 3 cây vàng kể lại, bà Hoa rất tốt tính.

"Khi thấy tôi dọn đến với bầy con 7 đứa nheo nhóc. Bà thương quá cho tôi 5 chỉ vàng làm vốn. Không chỉ tốt với tôi, bà Hoa còn giúp đỡ nhiều tiểu thương khác", bà Ngất cho biết.

"Chợ và nhà do bà xây đến nay vẫn còn rất tốt. Ngày khai trương chợ, không có khách vào. Bà khuyến mãi bằng cách ai vào chợ được bà tặng cho chiếc giỏ. Nhờ vậy khách càng ngày càng đông...", bà Ngất kể thêm.

{keywords}
Bánh đập.

Bà Hoa rời Việt Nam trước 1975 vài năm để định cư ở Mỹ. Không rõ bà còn hay mất vì tính tuổi đến nay bà cũng đã ngoài 90.

Hiện nay, chợ Phường 11 hay chợ Bà Hoa cũ là chợ mang sắc thái đặc trưng của người xứ Quảng. 90% người bán, người mua đều là người Quảng Nam.

Trừ những mặt hàng tươi sống, hàng hóa còn lại đều là hàng được chuyển từ Quảng Nam vào hoặc do chính người Quảng tại Sài Gòn chế biến.

{keywords}
Cửa hàng và nhà ở của bà Ngất (áo trắng) mua của bà Hoa từ năm 1974

Những ngày cận Tết, chợ rất đông. Những người Quảng tha hương không có điều kiện về quê, họ đến đây để tìm mua đặc sản, để gặp lại đồng hương và nhất là được nói tiếng nói Quảng Nam một cách thoải mái.

Không nói thách, không lừa khách

Chúng tôi dừng lại trước một gian hàng đang đông khách. Mọi người đang chọn bánh. Chị Thảo - một khách hàng, nói với chúng tôi: "Anh biết bánh này không? Bánh rò đó. Nếu người Bắc có bánh chưng, người Nam có bánh tét thì người Quảng chúng tôi có bánh rò.

Cũng nếp cũng đậu xanh nhưng khác với chưng và tét, bánh rò không có thịt nên ăn chay, ăn mặn vẫn được".

Chợ đang đông. Mùi bánh thuẫn tỏa hương ngào ngạt. Bột gạo, trứng, đường quyện vào nhau được cho vào khuôn nóng. Một lát sau, khuôn mở ra. Những chiếc bánh thuẫn nở bung lên như những đóa hoa ngày Tết.

{keywords}
Cao lầu, bánh đập, chả bò chả heo, chả bò da Hội An... được giăng khắp nơi.

Chị Nguyễn Thị Tường Vi (42 tuổi, quê Duy Xuyên, Quảng Nam) chủ sạp A53, cho biết, sạp của chị chuyên bán các mặt hàng từ Quảng Nam chuyển vào.

Chị giới thiệu cho chúng tôi xem chiếc bánh tổ. Bánh có màu vàng bọc lá chuối chung quanh. Trên mặt bánh có một lớp mè, trong bánh có gừng. Mỗi lần ăn, bánh được cắt ra từng lát mỏng bỏ vào chảo dầu chiên lên. Chị Vi cho biết, đây là loại đặc sản của Quảng Nam, ngày Tết bán rất chạy.

Bánh trông rất đẹp mắt và vô cùng hấp dẫn. Rồi bánh đập. Chiếc bánh tráng nướng giòn rụm được phủ kín bằng bánh ướt mỡ hành rồi gấp đôi lại, tiếp tục đập làm tư, làm tám. Bánh đập được chấm với mắm nêm, pha chế đúng điệu Quảng Nam nên rất vừa miệng thực khách.

Nhà bánh Bà Ngất phía sau chợ. Bà đã già, ngồi nhìn con cháu bán hàng. Bà cho biết cửa hàng của bà bán các loại bánh ngày Tết nhất là bánh rò và xôi ngọt. Những món hàng này đều do bà và con cháu chế biến. Chỉ riêng có mắm nêm bà phải lấy từ Quảng Nam vào. Bà nói: "Hầu hết những người Quảng buôn bán ở chợ bà Hoa đều rất thật.

Họ không nói thách và không lừa dối khách vì khách đều là những người đồng hương với mình. Có lần một ông khách vào mua mắm, thay vì quảng cáo để bán được hàng, tôi cho ông biết lứa mắm này không ngon lắm. Ông vẫn mua và nếu có dở, ông cũng không thể trách chúng tôi".

{keywords}
Sạp rau xanh của bà Hai Cưng. Đây là nơi duy nhất bán rau từ Quảng Nam đưa vào với những loại rau đặc trưng.

Có lẽ chợ Phường 11 hay chợ Bà Hoa là chợ duy nhất ở thành phố là nơi giao lưu, gặp gỡ những người cùng quê hương Quảng Nam.

Anh Ngô Quang, người Quế Sơn vào Sài Gòn đã lâu, vừa lựa rau sống vừa trải lòng với chúng tôi: "Ngày Tết có những cọng rau mang mùi thơm của quê hương thì còn gì bằng.

Tôi đang cố tìm cho được rau húng lủi, é trắng, rau đằng, quế đỏ... Những thứ rau mà chị Hai Cưng khó nhọc mua từ quê mang vào".

Ngôi miếu hơn 300 năm giữa sông ở Sài Gòn những ngày cận Tết

Ngôi miếu hơn 300 năm giữa sông ở Sài Gòn những ngày cận Tết

Miếu Phù Châu nằm giữa một nhánh của sông Sài Gòn (TP.HCM) có tuổi đời 3 thế kỷ được nhiều người tìm đến những ngày cận Tết.

Bố mẹ Hồng Duy U23 tiết lộ lý do không lên Sài Gòn đón con trai

Bố mẹ Hồng Duy U23 tiết lộ lý do không lên Sài Gòn đón con trai

Tiền vệ Hồng Duy U23 Việt Nam về đến TP.HCM hôm 30/1. Tuy nhiên, anh không muốn bố mẹ, họ hàng lên sân bay đón mà tự đi taxi về Bình Phước, vì lo cho sức khỏe bố mẹ.

Trần Chánh Nghĩa