- Những sàn phơi nhang dọc theo đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM) xuất hiện ngày càng nhiều, báo hiệu Tết âm lịch đã cận kề. Làng nghề làm nhang có qui mô lớn đang bước vào thời điểm sôi động nhất trong năm.

Bắt đầu từ địa phận ấp 2 (xã Lê Minh Xuân), sàn phơi nhang xuất hiện càng lúc càng nhiều. Nhìn vào các căn hộ hai bên đường, những người làm nhang đang miệt mài làm việc trong quang cảnh yên tĩnh trầm mặc.

Xung quanh họ, những bó chân nhang vừa nhúng phẩm màu xếp thành hàng phơi mình dưới nắng ban mai. Những cây nhang vừa hoàn thành được đặt ngay ngắn trên giá chờ làm khô. Cứ thế, nhang mỗi lúc một nhiều...

{keywords}
Những sàn nhang phơi dọc theo đường Mai Bá Hương...

Chưa ai có thể khẳng định làng nhang Lê Minh Xuân chính thức có từ lúc nào. Chỉ biết, nơi đây trước kia là căn cứ Láng Le - Bàu Cò, khu vực giáp ranh Sài Gòn. Sau 1975 vùng này trở thành khu kinh tế mới với nông trường trồng mía và thơm (dứa). Xã Lê Minh Xuân được thành lập từ dạo ấy.

Dọc theo đường Mai Bá Hương lúc bấy giờ dân cư còn thưa thớt, đa phần là gia đình công nhân nông trường. Đến năm 1990, cư dân khắp nơi tụ về. Trong số đó, có người mang theo nghề làm nhang - khởi đầu cho làng nhang Lê Minh Xuân.

Ban đầu chỉ một gia đình làm. Dần dần người này chỉ người kia, các hộ làm nhang bắt đầu sinh sôi cho đến hôm nay thành một làng nghề độc đáo, hiếm có tại TP.HCM.

Năm 2012, nơi đây được công nhận là làng nghề truyền thống với 3 tổ hợp tác se nhang, số lượng hơn 150 hộ. Ngoài ra, còn có nhiều hộ tự mở cơ sở, đầu tư máy móc để lưu giữ và phát triển nghề.

{keywords}
Nhang phơi cạnh đám cỏ khô.

Chúng tôi ghé vào cơ sở sản xuất của anh Hoàng Quốc Cường (37 tuổi, xã Lê Minh Xuân). Anh đang trộn mẻ bột cho đợt sản xuất thứ 2 trong ngày. Những túi bột, túi màu và nước được cho vào nồi. Máy chạy. Bột trong nồi đang được trộn đều. Thỉnh thoảng anh mở nắp ra xem chừng. Được một lát, anh ngắt điện.

Mẻ bột đã trộn xong. Anh Cường múc bột cho vào hai thau lớn mang đến mỗi máy ép một thau. Anh ngồi vào một máy và gần đó, vợ anh một máy. Bột được cho vào cối. Máy chạy. Bên phải của cối là một bó chân nhang.

Từng chiếc chân nhang chạy qua và chỉ trong nháy mắt bắn ra ngoài một cây nhang hoàn chỉnh. Với tốc độ này, chỉ cần một khoảng thời gian ngắn có thể cho một lượng nhang lớn thành phẩm.

{keywords}
Anh Cường trộn bột làm nhang.

Quan sát vợ chồng anh thao tác, chúng tôi nhận thấy nghề làm nhang hôm nay được cải tiến hơn xưa rất nhiều. Ngày trước, nguyên liệu làm nhang chủ yếu dựa vào mạt cưa loại nhuyễn trộn với nước nhớt từ cây bời lời - một loại cây rừng - để tạo ra độ dẻo.

Dĩ nhiên, nếu muốn có nhang thơm phải thêm nhiều nguyên liệu khác như trầm, quế. Sau khi có một cục bột dẻo như thế, người làm nhang để trên một mâm lớn dùng bàn lăn lăn từng cây nhang.

Sau này có giai đoạn cải tiến hơn, bột không còn trộn dẻo nữa nhưng lại nhúng chân nhang đang ướt vào bột khô rồi lăn. Công đoạn làm nhang này rất vất vả và độc hại vì bụi. Khoảng 10 năm gần đây, thị trường xuất hiện loại máy ép nhang đã làm giảm được khá nhiều sức lao động.

{keywords}
Máy sấy gió. Nhang được xếp thưa để gió từ chiếc quạt bên trong luồn vào.

Anh Cường cho biết thêm, qui trình làm nhang bây giờ rất đơn giản. Chỉ cần máy trộn, máy ép và máy sấy là có thể sản xuất nhang. Tất cả đều sử dụng bằng mô-tơ điện nên rất tiện lợi. 

Nguyên liệu cũng không phải tìm kiếm chế biến như xưa nữa mà tất cả đều có nhà cung cấp, cung cấp tận nơi. Có lẽ vì thế nên nghề nhang tại Lê Minh Xuân ngày càng phát triển rộng khắp.

Theo anh Cường, tất cả các hộ làm nhang ở đây đều sản xuất nhang không mùi. Vì thế ngang qua vùng làm nhang nhưng không ai ngửi được mùi nhang. Sau các công đoạn, nhang được bó thành từng bó với số lượng 1.000 cây giao cho các đại lý.

Từ đây, nhang sẽ được mang nhãn hiệu gì thì tùy theo đại lý đó. Thậm chí cả mùi cũng thế. Chính các đại lý nhận nhang về sẽ phun một loại hóa chất có mùi tạo ra mùi thơm cho nhang theo yêu cầu của khách hàng.

{keywords}
Chân nhang được phơi khô trước khi đưa vao máy ép.

Anh Cường người miền Bắc. Anh đến vùng này vào năm 1995 rồi tập tành làm nhang. Một ngày làm việc của vợ chồng anh bắt đầu từ sáng sớm đến 15 giờ. Cuối năm các đại lý đặt hàng nhiều nên có tất bật hơn.

"Thôi thì cũng cố gắng để cho con có bộ quần áo mới mặc ngày Tết. Bây giờ mới có một đứa con nếu sau này sinh thêm liệu 2 vợ chồng cùng làm có đủ ăn không ?", anh trăn trở với chúng tôi.

Từ giã anh chúng tôi trở về. Nắng đã lên cao. Hai bên đường Mai Bá Hương những sàn nhang đã xuất hiện dày đặc. Họ tận dụng sức nóng của mặt trời làm khô nhang đỡ bớt chi phí. Tết này, nhang Lê Minh Xuân của những người lao động sẽ đi khắp mọi miền đất nước...

Bí mật kinh doanh của nhà buôn tơ lụa nức tiếng phố Hàng Đào

Bí mật kinh doanh của nhà buôn tơ lụa nức tiếng phố Hàng Đào

'Buôn bán phát đạt, bố mẹ tôi mua được 4 căn nhà phố cổ. Họ đi đâu cũng có xe đưa rước. Mỗi lần đi học, tôi đều diện áo trắng, quần tây ngồi trên chiếc xe ô tô sang trọng để gia nhân đưa đi, đón về'.

Sống ở chung cư, người dân tái mặt vì 'vật thể lạ' bay vèo trước mặt

Sống ở chung cư, người dân tái mặt vì 'vật thể lạ' bay vèo trước mặt

Bỏ ra một số tiền lớn với đầy háo hức về một nơi an cư, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn sinh sống, rất nhiều gia đình đã phải lắc đầu ngao ngán, thậm chí bán nhà vì không thể chịu được hàng xóm “văn hóa lùn”.

Mẩu thuốc nhỏ ở ban công và nỗi oan thấu trời của nữ bác sĩ

Mẩu thuốc nhỏ ở ban công và nỗi oan thấu trời của nữ bác sĩ

Sau cuộc nói chuyện đó, cuộc hôn nhân của chị Thanh chính thức đứng trên bờ vực thẳm. Chị Thanh cảm thấy bị xúc phạm nên ra sức làm căng. Chị không đồng ý cho chồng mang con đi làm xét nghiệm mà yêu cầu anh ly hôn.

Trần Chánh Nghĩa