{keywords}
Jean-Bedel Bokassa từng phục vụ cho quân đội Pháp trong chiến tranh tại Việt Nam.

Jean-Bédel Bokassa là một người lính tham gia quân đội Pháp ở Đông Dương thời kỳ 1946-1954. Sau này, ông trở thành Tổng thống của Cộng hoà Trung Phi, rồi tự xưng là hoàng đế của nước này.

Jean-Bedel Bokassa sinh ngày 22/2/1921, tham gia quân đội Pháp từ năm 18 tuổi. Khi còn ở Việt Nam, ông có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Huệ và sinh được một cô con gái, đặt tên là Martine.

Martine không phải là đứa trẻ duy nhất được sinh ra giữa những người lính tới từ châu Phi và những người phụ nữ Việt lúc bấy giờ. Nhưng câu chuyện của cô thì có lẽ là độc nhất.

Năm 1953, Bokassa chia tay 2 mẹ con Martine khi nhiệm vụ ở Việt Nam của ông sắp kết thúc. Ông quay trở lại châu Phi, nắm giữ nhiều vị trí khác nhau ở các thuộc địa của Pháp, đồng thời giành được nhiều huy chương cho những đóng góp của mình cho quân đội Pháp.

Khi Cộng hoà Trung Phi giành được độc lập vào năm 1960, Bokassa lên nắm quyền lãnh đạo quân đội mới thành lập của đất nước này. 

Có 2 yếu tố chính trong tính cách của Bokassa, đó là tình yêu dành cho nhiều người phụ nữ và tham vọng quyền lực.

Trong suốt cuộc đời mình, ông có gần 20 người vợ và hơn 100 đứa con, mặc dù chỉ có 50 đứa được thừa nhận chính thức.

Ngay từ khi Bokassa nắm giữ quân đội, đã có những lo ngại rằng ông sẽ là một mối đe doạ cho chính quyền của David Dacko – người anh họ của ông.

Những lo ngại này hoàn toàn đúng khi mạng lưới thân cận của Bokassa trong quân đội đã giúp ông lật đổ chính quyền của Dacko với sự giúp đỡ của Pháp vào năm 1966.

Sau khi củng cố vị trí của mình cũng như thoải mái tận hưởng lối sống xa hoa, Bokassa bắt đầu nhớ đến gia đình ở Việt Nam của mình.

Năm 1970, ông liên lạc với chính quyền Sài Gòn và lãnh sự quán Pháp để tìm cô con gái Martine thất lạc.

Bokassa đã khai sinh cho Martine quốc tịch Pháp ngay từ khi cô bé được sinh ra, vì thế ngay lập tức có một cuộc truy tìm những cô gái cùng độ tuổi với những thông tin tương đồng.

Không lâu sau, người ta tìm ra Martine. Mẹ của cô cũng khẳng định Bokassa là cha của con gái mình.

Martine lúc đó đang là một cô gái bán thuốc lá trên các con phố của Sài Gòn. Cô sống cuộc sống nghèo khó cùng với người mẹ chỉ lơ mơ biết rằng cha của con gái mình là một binh lính người châu Phi.

Vui mừng trước thông tin tìm được con gái, Bokassa nhanh chóng gửi chiếc vé máy bay một chiều tới Bangui – thủ đô của Trung Phi. Thậm chí, ông còn thuyết phục được chính phủ Pháp đưa cho Martine 2.500 franc để tiêu vặt.

Cô gái bán hàng rong đã kịp mua một chiếc đồng hồ hiệu Cartier trước khi bay tới Bangui.

Khi tới nơi, Martine được chào đón bởi một ban nhạc và vệ sĩ. Đài phát thanh quốc gia thông báo tới người dân cả nước về sự xuất hiện của cô.

Trong khi đó, Martine chỉ nói được tiếng Việt và tỏ ra bối rối trước những điệu nhảy truyền thống. Cha cô - người biết một chút tiếng Việt - đã cố gắng giải thích các thủ tục một cách tốt nhất có thể cho cô con gái.

Cuộc hội ngộ của cha con Martine tưởng chừng sẽ là một cái kết hoàn hảo như truyện cổ tích. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng sau, một tờ nhật báo Sài Gòn tiết lộ, cuộc điều tra riêng của họ cho thấy Martine không phải là con gái của Bokassa. Thậm chí, tờ này còn nói rằng chính phủ Pháp cố tình chọc tức Bokassa.

Tức giận vì bị lừa, vị tổng thống lên kế hoạch trục xuất cô con gái Martine giả.

{keywords}
Bokassa đứng cạnh Martine giả.

Chính trong thời gian này, bà Nguyễn Thị Huệ - mẹ của Martine thật đã xuất hiện và đưa ra những bức ảnh chứng minh mối quan hệ của bà và Bokassa cũng như giấy khai sinh của Martine.

Việc này có thể được giải thích rằng, có rất nhiều binh sĩ châu Phi đã quan hệ với các cô gái Việt và sinh ra những đứa con lai cùng độ tuổi với Martine trong giai đoạn đầu những năm 50. Năm 1953 - năm mà cả hai Martine được sinh ra cũng là năm ngôi sao điện ảnh Martine Carol đang nổi đình nổi đám. Điều đó có thể giải thích cho việc rất nhiều đứa trẻ sinh cùng năm được đặt theo cái tên này.

Sau khi bà Nguyễn Thị Huệ xuất hiện, Martine thật (được nhận biết bằng một vết sẹo) đã nhanh chóng được đưa tới Bangui.

{keywords}
Hình ảnh Martine thật trên một trang báo.

Trong một động thái bất ngờ, Bokassa không trừng phạt Martine giả, mà sẽ nhận nuôi cô như một hành động ân sủng nhân dịp sinh nhật lần thứ 50 của ông vào năm 1971. Hai cô gái Martine - Martine thật được gọi là Martine lớn, Martine giả được gọi là Martine nhỏ - đều được chào đón trong đại gia đình của Bokassa.

Hai cô tiếp tục sống cùng nhau, mặc quần áo giống nhau, thậm chí là kết hôn cùng nhau vào năm 1973.

Martine giả cưới Fidel Obrou - một đội trưởng trong quân đội, cũng là vệ sĩ riêng của Bokassa. Còn Martine thật thì cưới một bác sĩ nổi tiếng. 

{keywords}

Martine thật và Martine giả chung sống

cùng nhau trong gia đình hoàng gia.

Mặc dù đã điều hành Cộng hoà Trung Phi như một sân chơi riêng của mình nhưng tham vọng của Bokassa không dừng ở đó. Ông ta bắt đầu nghĩ ra nhiều cách để tự quảng bá bản thân.

Cuối cùng, ông tuyên bố mình là Tổng thống trọn đời vào năm 1972, sau đó là nguyên soái 7 sao vào năm 1974.

Nhưng sơ yếu lý lịch lừng lẫy ấy vẫn chưa đủ với Bokassa. Năm 1977, lấy cảm hứng từ hoàng đế Napoleon, ông tự phong mình là Bokassa I - hoàng đế của đế chế Trung Phi trong một buổi lễ xa hoa, lộng lẫy.

Lẽ dĩ nhiên khi Bokassa trở thành hoàng đế thì hai Martine trở thành công chúa. Nhưng Bokassa ngày càng trở nên lập dị và tàn bạo, khiến một số thân cận của ông bất đồng quan điểm. Trong số những người này có chồng của Martine giả - Fideo Obrou. Obrou cùng hàng chục người khác tổ chức một vụ ám sát Bokassa vào năm 1976 nhưng họ thất bại.

Obrou bị xử tử và để trả thù, Bokassa còn yêu cầu bác sĩ tiêm thuốc độc cho đứa trẻ sơ sinh mà Martine giả vừa sinh ra để triệt hạ dòng họ Obrou.

{keywords}
Bokassa tự phong mình là hoàng đế Trung Phi.

Bất chấp mâu thuẫn, ông vẫn coi Martine giả là một thành viên trong gia đình hoàng gia trong 1 năm nữa cho đến khi ông tuyên bố cô đã trở về Việt Nam. Nhưng có những nghi ngờ cho rằng cô biến mất trên đường ra sân bay và rất có thể đã bị thủ tiêu ở đâu đó.

Năm 1979, Bokassa bị lật đổ. Con cái ông phân tán khắp nơi trên thế giới. Đến năm 1996, Bokassa qua đời.

Được biết, năm 2008, Martine thật đang quản lý 2 nhà hàng Việt Nam cùng với mẹ ở Pháp. Con trai Jean-Bedel của Martine rất giống với ông ngoại và cũng là một người hâm mộ Napoleon.

Nhưng không giống với các thành viên khác trong gia đình, Jean-Bedel do dự với ý tưởng quay trở lại Cộng hoà Trung Phi:

‘Tôi cảm thấy gần gũi với Việt Nam hơn quê nhà nơi châu Phi. Trong suốt nhiều năm, tôi chỉ nói tiếng Pháp và tiếng Việt với mẹ. Chưa bao giờ tôi nói tiếng địa phương của Cộng hoà Trung Phi’.

Chuyện tình đẹp như cổ tích của 'công chúa tóc mây' gốc Việt

Chuyện tình đẹp như cổ tích của 'công chúa tóc mây' gốc Việt

Bên nhau trong những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi, cùng nhau nỗ lực xây dựng sự nghiệp cá nhân, chuyện tình 'dắt nhau đi khắp thế gian' của công chúa tóc mây gốc Việt Sarah Trần và người bạn đời Tob Tobias khiến nhiều người ngưỡng mộ.

 Nguyễn Thảo (Theo Asia by Africa, New York Times)