- Quan niệm “Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa” nay không còn phù hợp nữa. Tết văn minh là cái Tết gọn nhẹ, tiết kiệm, dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, sum họp gia đình.

Tháng chạp lại về, không ít người háo hức chờ đón mùa xuân nhưng đối với người lao động thì canh cánh nỗi lo “gạo tháng giêng, tiền tháng chạp”. Tiền lương, tiền công thì có hạn, quá lắm thì có thêm tháng lương thứ 13 nhưng các khoản chi thì phát sinh vô kể trong lúc giá cả lại tăng. 

Vì thế không ít người phải than ngắn thở dài thật đáng thương: “Tết đến làm gì, mệt quá!”, “Tết đến gần rồi mà tiền chưa có, phải xoay thế nào đây?”...

Quan niệm “Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa” nay không còn phù hợp nữa. Tết văn minh là cái Tết gọn nhẹ, tiết kiệm, dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, sum họp gia đình.

Tại sao chúng ta không chịu thay đổi cách ứng xử với Tết? Tại sao chúng ta không chủ động đón Tết vui vẻ, nhẹ nhàng theo phương châm “Xưa bày, nay... bỏ bớt”!

Tết là thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, lấy lại cân bằng tinh thần sau một năm lo toan vất vả làm ăn, vậy việc gì rước cực vào thân?

Áo quần sắm lúc nào chẳng được, cứ gì phải Tết mới mua sắm? Quan niệm Tết phải có manh áo mới chỉ nên duy trì với trẻ con. Bởi các ngày 29, 30 Tết đi sắm quần áo chỉ tạo cơ hội cho người bán “chặt chém”. 

Chuyện “làm đẹp” của chị em cũng nên tiến hành sớm, đợi gì đến 27, 28 Tết mới đi làm tóc, làm móng để chờ đợi mất thời gian?

{keywords}
Ảnh minh họa

Việc mua sắm Tết, xin đừng chạy đua theo người bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. 

Làm lụng một năm, dồn sắm sửa hết cho một cái Tết, với người lao động nghèo như thế có hợp lý không? Đối với gia đình khá giả cũng không nên mua sắm thừa thãi, lãng phí để rồi sau đó, mùng 6, mùng 7 Tết bao nhiêu hộp bánh, chậu cảnh... lại chất ở các thùng rác.

Trước đây, các bà nội trợ thường lo xa, tích trữ quá nhiều thực phẩm ngày Tết vì sợ sau Tết hàng khan hiếm, giá tăng nhưng ngày nay, hàng hóa sau Tết rất dồi dào, giá tương đối ổn định, vậy việc tích trữ đồ chẳng phải quá vô ích?

Ăn uống ngày Tết thời nay đâu còn là chuyện đói no, vậy cầu kỳ làm gì, miễn là có “mùi vị Tết” với bánh chưng, thịt lợn, dưa hành, bánh mứt là đủ. Chuyện tiếp khách việc gì phải ăn uống thịnh soạn, chén tạc chén thù mới thể hiện được sự hiếu khách? 

Tôi cũng thương các mẹ và các nàng dâu, ngày Tết quần quật nấu nướng đãi khách ăn nhậu liên miên. Điệp khúc “nấu, dọn, rửa” làm nhiều mẹ, chị em vất vả, là “nỗi niềm biết ngỏ cùng ai”!

Những ngày áp Tết, khoảng 1 tuần đến 10 ngày mà muốn giải quyết hết công việc trước Tết thì có hợp lý không? Tại sao không giãn công việc ra, trừ những công việc cần kíp? Nhà cửa sơn quét, trang trí khi nào chẳng được, cớ gì phải xong trước Tết? 

Theo nhiều người, đầu năm không được động thổ, không được quét dọn để khỏi “dông” cả năm ư? Theo tôi, điều đó thật không khoa học. Những việc cuối năm chưa xong, chúng ta cứ để đó đầu năm làm tiếp, đầu năm thời gian thư thái có khi ta làm hiệu quả tốt hơn nữa.

Thay vì làm việc điều độ để giữ gìn sức khỏe vui Tết đón xuân, nhiều người lại “vắt kiệt” sức những ngày cuối năm đến mức phải ốm, mệt mỏi.

{keywords}
Ảnh minh họa

Quà Tết biếu bà con nội ngoại hai bên, khá giả thì cứ hào phóng, eo hẹp thì “lễ mọn lòng thành”, “của ít lòng nhiều”. Gia đình, người thân của mình phải là người hiểu điều kiện, hoàn cảnh của mình nhất mới đúng. Ai không hiểu thì không phải lỗi của mình, chẳng có gì mình phải bận tâm, áy náy.

Đi làm ăn xa, “ăn cơm chúa, múa tối ngày” nếu do điều kiện không về quê ăn Tết được thì về vào dịp khác, chỉ cần báo sớm cho gia đình biết, gửi chút quà cho gia đình. Đừng ai cố chen chúc trong chuyến xe đường dài chiều 29, 30 Tết để cố chen nhau về quê, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Chuyện đi chúc Tết, nếu bà con, bạn bè, đồng nghiệp nhiều làm sao mình đến hết được? Bạn hãy dùng sự trợ giúp của điện thoại, email, facebook để chia sẻ, chúc mừng, đừng hứa hẹn gì cả.

Cốt lõi của Tết là không khí đầu xuân, là sự giao hòa giữa thiên nhiên đất trời và con người, là không khí tâm linh ngày Tết - luồng khí thiêng vô hình liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa ông bà tổ tiên đã khuất và con cháu hôm nay. 

Tết cũng là dịp để thắt chặt mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng trong niềm vui sum họp, kết nối. Vậy đừng cố theo đuổi những thứ bên lề, bên ngoài Tết để đến mức không ít người phải “sợ” Tết.

Tết Nguyên Đán (Tết Cổ truyền) được xem là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt. Việc chi tiêu sắm Tết, mua quà biếu gia đình, họ hàng, vấn đề mừng tuổi... khiến không ít người lo lắng, băn khoăn. Độc giả có bài viết chia sẻ về chủ đề này, xin gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cảm ơn!

Mẹ vợ tái mặt vì 2 quả bưởi của chàng rể đại gia

Chiều 30 Tết, con rể về, anh ta lại lấy từ trong cốp xe ra hai quả bưởi rồi đặt lên ban thờ. Tôi nhìn hai quả bưởi mà giật mình vì quê tôi thiếu gì bưởi. Chỉ 15 đến 20 nghìn đồng là mua được quả to vật vã.

Nhìn quà Tết con dâu mua về, mặt bố chồng biến sắc

Mẹ chồng em cẩn thận lên cả danh sách để chúng em mua đồ chúc Tết cho khỏi sót. Em nhìn bản danh sách đến gần 100 nhà, nhà nào cũng được mẹ đóng mở ngoặc yêu cầu lễ to to mà buồn cả lòng.

Hoảng hốt vì chồng đòi biếu nhà nội 50 triệu tiêu Tết

Nghe chồng nói năm nay sẽ biếu Tết nhà nội 50 triệu mà em choáng váng, không tin nổi vào tai mình.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Lê Xuân Chiến