Rồi dì kể, năm vừa rồi dì chăm được đàn gà đẹp lắm. Giáp tết, dì bán bớt cho nhà nọ nhà kia, còn lại độ chục con gà tơ dì để dành cho con cháu về ăn tết. Vậy mà sáng ba mươi thức dậy, dì ra chuồng cho gà ăn như mọi khi chỉ thấy chuồng trống huơ trống hoác.

Đêm qua có kẻ đã vào trộm hết cả đàn gà không chừa một con. “Trời ạ, người gì mà tệ thế, tết nhất mà đến cả con gà cũng không tha”. Đáp lại sự nhăn nhó của tôi, dì lại cười rất nhẹ nhàng: “Thôi con ạ, có lẽ người ta cũng khổ quá, đến con gà cũng không thể mua nên mới phải đi ăn trộm. Thôi thì coi như mình giúp người ta có cái tết ấm no hơn, nghĩ vậy cho nhẹ lòng, con ạ”. Nghe dì nói, tự nhiên mọi khó chịu lúc nãy của tôi cũng như tan biến.

Lại nhớ đến hôm mồng ba tết hội ngộ nhóm bạn thân. Mấy đứa ngày xưa học cùng, chơi cùng, nay mỗi người đã đi một con đường riêng. Có đứa đã nhà cao cửa rộng, đứa vẫn phải đi thuê trọ, cả nhà chen chúc trong căn phòng mười mấy mét vuông.

Đứa con đã lớn học lớp hai lớp ba, cũng có đứa muộn mằn đường sinh nở. Thế nhưng gặp nhau, ai cũng nói cười râm ran như pháo nổ. Những kí ức thưở học trò được khơi dậy, mặt ai nấy đều rạng ngời hớn hở như thuở tuổi mười sáu khi xưa.

Vui như thể chưa từng bị va vấp cực nhọc giữa đời, như thể chưa từng bị dập vùi bởi vô vàn sóng gió.

{keywords}
Ảnh: Báo Tuyên Quang

Nhóm bạn thân tôi có 5 người, hôm nay ngồi đây chỉ còn bốn. Một bạn đã rời khỏi cõi nhân thế khi tuổi đang độ xuân xanh. Nhớ bạn thật nhiều để thấy rằng mình dù khổ sở đắng cay vẫn may mắn còn được sống.

Để sau mười mấy năm ra trường, từ giã tà áo trắng tinh khôi khoác lên mình muôn vàn sắc màu của cuộc sống, hôm nay lại có thể cùng nhau bình thản nói cười.

Đứa hạnh phúc hơn thì nói: “Ai rồi cũng buồn vui sướng khổ, chỉ là các bạn khổ trước sướng sau”. Đứa giàu có đủ đầy hơn thì nói “chẳng qua mình sướng sớm hơn các bạn một tý. Chúng ta sẽ cùng phấn đấu để ai nấy cũng trọn vẹn đủ đầy”.

Đứa gặp nhiều thất bại, đang thiếu thốn khổ nghèo thì tự động viên mình: “Đời này vốn nhọc nhằn, có những thứ muốn cũng không cố được, chúng ta cứ bình tĩnh sống”. Và thế, gác hết mọi ưu phiền, mọi nỗi buồn của quá khứ và nỗi lo cho những ngày sau, chúng tôi đều cười nói hân hoan như thời trẻ dại.

Hơn ba mười năm sống ở đời, không dám nói mình đã nếm đủ đắng cay, không dám nói mình đã tỏ tường lòng người, càng chưa biết mệnh trời, mệnh mình. Nhưng tôi tin “khi ta biết đủ là đủ”.

Khi ta biết bao dung với đời, với người thì lòng ta sẽ nhẹ nhàng hơn. Chấp nhặt, tính toán, sân si, không biết sẽ nhận lại những gì nhưng chắc chắn lòng sẽ chứa đầy mỏi mệt.

Cuộc sống, ai cũng có những lựa chọn của riêng mình và lựa chọn cách mình ứng xử với cuộc sống, như nụ cười hiền của dì Ba khi giáp tết bị mất trộm cả đàn gà “có lẽ người ta khổ lắm mới phải làm vậy”, như nụ cười tươi rói của cô bạn lận đận đường tình duyên của tôi “có lẽ tắc đường nên hạnh phúc đến với mình hơi muộn”, như ông chồng lạc quan của tôi vẫn hay nói mỗi khi tôi có chút than phiền “đời không chán em thì thôi, mắc mớ gì em đi chán cuộc đời tươi đẹp vậy”.

Mỗi lần có chuyện gì đó không như ý hay khó khăn tìm đến, tôi thường nhớ đến hình ảnh một người đàn bà sống cô đơn khổ cực cùng em gái trong một ngôi nhà nhỏ trên ngọn đồi hiu hắt. Nơi đó không có điện, không có nước, không có ti vi.

Người đàn bà gầy gò xuất hiện trên một chương trình tuyền hình thực tế với cây đàn ghi ta và giọng hát đầy truyền cảm. Khi người ta ái ngại hỏi về cuộc sống khó khăn của mình, cô chỉ cười nói vô cùng ngắn gọn “Không sao đâu, bình tĩnh sống”.

Lần đầu đón tết quê của nàng dâu phố

Lần đầu đón tết quê của nàng dâu phố

Từ giữa tháng Chạp, Mai bắt đầu suốt ngày nài nỉ chồng: “Hay mình đi du lịch vào dịp tết, coi như đi nghỉ bù tuần trăng mật đi anh”.

Theo Dân trí