Nhiều tỷ đồng của người xuất khẩu lao động gửi về. Những biệt thự hoành tráng mọc lên giữa làng quê xa xôi và các ông chủ, bà chủ sống trong đó lắm kẻ có tiền đâm “rửng mỡ” bồ bịch khiến tổ ấm bị phá vỡ, dẫn đến nhiều đứa trẻ bơ vơ, thiếu thốn tình cảm…

Từ “cơn sốt” xuất khẩu…

Đến xã Minh Tân, Phù Cừ, Hưng Yên đâu đâu cũng thấy người ta bàn tán về chuyện xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhờ XKLĐ mà nhiều biệt thự lộng lẫy tưởng chỉ có ở thị trấn, thị xã hay thành phố, thì nay đã chễm chệ đậu ở… Minh Tân. Chuyện bắt đầu từ năm 1999, khi làng quê này chỉ có vài người ở nước ngoài gửi tiền về, những gia đình đó bỗng nhiên được coi là tỉ phú. Thế rồi người trước kéo người sau, người sau giới thiệu cho người sau nữa, bố “cõng” con, anh “cõng” theo em...

Nhiều nhà cao tầng mọc lên giữa làng quê.
Ông Hoàng Văn Hay - Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: “Năm 2005 là năm cao trào, do người dân thấy đây là hình thức tốt để phát triển kinh tế. Tất nhiên, khi tư vấn chúng tôi cũng đã nói đến những rủi ro có thể xảy ra cho người dân hiểu cặn kẽ. Quả thật, đó là thời gian người dân ra đi ồ ạt, nhà nhà đi XKLĐ. Có gia đình ba người đi, còn gia đình hai người đi thì khá nhiều…”.

Nhiều gia đình coi chuyện đi nước ngoài vừa là danh dự, vừa là cách thức làm giàu nên sẵn sàng vay mượn khắp nơi để chạy chọt cho công việc hanh thông. Các nước như Hàn Quốc, Nhật, Indônesia… trở thành “miền đất hứa” mà người Minh Tân hướng đến. Chẳng ít ông bố bà mẹ đã bắt con cái bỏ học sớm để “tống” ra nước ngoài làm giàu.

Đến “bão làng”

Ác nghiệt thay, chính trào lưu làm giàu ở xứ người của Minh Tân đã khiến không ít gia đình lâm vào bi kịch, đó là tổ ấm tan vỡ, vợ chồng chia ly, tan tác.

Ở thôn Tần Tiến, có một nghịch cảnh đau lòng khiến vợ chết thảm, chồng ngồi tù cũng vì XKLĐ gây ra. Năm 2003 chị Trần Thị Cúc “theo tiếng gọi của đồng tiền” đã đi Malaisia làm ăn, để lại chồng và hai con. Chị Cúc chăm chỉ làm ăn và thường xuyên gửi tiền về để chồng nuôi con nhỏ.

Trong thời gian chị ở nước ngoài, Nguyễn Văn Liệu - chồng chị đã có quan hệ tình cảm bất chính với chị Vũ Thị Luật cùng thôn. Buồn hơn, Luật lại là em họ của chị Cúc. Luật cũng đã có chồng đang XKLĐ tại Hàn Quốc. Dù có nghe phong thanh về mối quan hệ của hai người nhưng chị Cúc vẫn không tin, cho là thiên hạ đặt điều.

Giữa năm 2006, chị Cúc về nước. Toàn bộ số tiền có được, chị đem sửa sang nhà cửa và mua một trang trại. Đây cũng là lúc chị nhận ra bộ mặt thật của chồng. Nhiều lần theo dõi, chị Cúc đã bắt quả tang chuyện ngoại tình giữa chồng mình và em họ. Chị lựa lời khuyên bảo chồng nhưng chỉ nhận được những trận đòn thừa sống thiếu chết.

Bà Vũ Thị Chăm - mẹ của Liệu cũng nhiều lần khuyên con, nhưng đều bị con trai vùng vằng cãi lại. Sau mấy đêm Liệu đánh vợ chết đi sống lại thì đêm 15/11/2007, gã đã cướp đi mạng sống của vợ mình. Trước cơ quan điều tra, Liệu khai động cơ giết vợ là vì người tình. Với tội ác của mình, Liệu phải lĩnh mức án 20 năm tù giam. Hai đứa con của Liệu trở thành trẻ mồ côi, giờ đang được bà nội chăm sóc.

Nỗi sầu muộn của bà Chăm khi mất con dâu.

Thôn Tần Tiến còn nhiều nghịch cảnh đáng buồn nữa, trong đó có ba người đàn ông vì đau buồn, uống rượu mà chết. Những cái chết này được người dân cho biết, đều vì vợ đi nước ngoài và bỏ rơi chồng dù người chồng có tha thiết hàn gắn đến mức nào.

Trường hợp anh Vũ Văn Thương cũng vậy, giờ anh luôn trong tình trạng như người mất hồn do buồn vì vợ ruồng rẫy khinh thường. Theo trào lưu của làng, cũng vì thương vợ sức khỏe yếu nên anh đã cố gắng chạy vạy bằng được cho vợ đi XKLĐ. Ai ngờ, khi có tiền trở về vợ anh lại chẳng thèm nhìn mặt anh và đứa con đang bị bệnh máu trắng.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà XKLĐ mang lại. Nó đã giúp nhiều làng quê xóa đói giảm nghèo, trở nên sáng sủa, tươi đẹp điển hình như Minh Tân. Thế nhưng cạnh đó, những hậu quả của nó cũng đang hiển hiện trước mắt vì người trong cuộc ham làm giàu mà không nghĩ đến những hậu quả lâu dài, vì kiếm tiền mà quên gia đình, bỏ rơi con cái.

“Cơn bão” XKLĐ đâu chỉ hoành hành xã Minh Tân mà đã quét qua nhiều làng quê ở Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang… và đã có biết bao nhiêu gia đình tan vỡ, bao nhiêu đứa trẻ bơ vơ, khóc lóc, ai oán. Nguyên nhân đến từ hai phía chứ chẳng riêng ai. Điều này cho thấy trong cuộc sống gia đình việc biết điểm dừng để giữ mình khỏi sa ngã là rất quan trọng. Bởi nếu giàu có mà không còn hạnh phúc, vợ chồng chia ly, con cái bơ vơ thì cái sự giàu có ấy hẳn còn ý nghĩa gì?

(Theo PLVN)