Các bác sĩ đánh giá hình ảnh bé trai 2 tuổi bị người lớn cho hút thuốc lá là vô cùng phản cảm. Việc hút thuốc lá chủ động hay thụ động (ngửi phải khói thuốc), không chỉ gây nguy cơ sức khỏe cho trẻ, mà việc tiếp xúc với hành vi này từ bé, lớn lên trẻ cũng dễ tiếp cận, trở thành người hút thuốc lá.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, nói đến tác hại của thuốc lá, bao gồm cả hút trực tiếp và hút thụ động (hít phải khói thuốc) thì rất nhiều và không còn phải bàn cãi.

“Tuy nhiên, nếu ung thư, tim mạch, huyết áp, đột ngụy… là những nguy cơ do tác động lâu dài của thuốc lá thì bệnh hô hấp, hen phế quản là các tác động trực tiếp của khói thuốc với trẻ em”, TS Dũng nói.

{keywords}

Hình ảnh một người đàn ông cho cháu bé 2 tuổi hút thuốc lan truyền với tốc độ chóng mặt trên facebook. Đa phần chia sẻ phản đối chuyện người lớn tập cho trẻ hút thuốc từ nhỏ.

Đã từng có bệnh nhân tiền sử hen, dị ứng đang được kiểm soát tốt nhưng bỗng lên cơn hen kịch phát khi nhà có khách. Nguyên nhân là do người khách này vô tình hút thuốc lá trong nhà. Trẻ ngửi phải khói thuốc và lên cơn hen, khó thở, khò khè phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Trường ĐH Y tế công cộng, các nghiên cứu đã chỉ ra khói thuốc lá là một trong những tác nhân chính gây căn bệnh viêm đường hô hấp của trẻ. Thống kê tại Việt Nam cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc lá. Nguy cơ viêm phế quản hoặc viêm phổi ở những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc sẽ cao gấp đôi con của những người không hút thuốc.

TS Hương cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra, những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc, đặc biệt là người mẹ hút thuốc cũng làm tăng tỉ lệ mắc và mức độ nặng của hen. Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn, và nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc.

“Khói thuốc lá dù thụ động hay chủ động đều là nguyên nhân dẫn các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp dưới, viêm tai giữa, làm tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phổi, làm trẻ thường xuyên ho, sổ mũi, khàn tiếng và có thể gây đột tử bất thường ở trẻ sơ sinh”, bà Hương nói.

TS Dũng cho biết thêm, các nghiên cứu trên thế giới cũng chứng minh, hơi thuốc lá cũng làm giảm tốc độ phát triển chức năng phổi của trẻ.

Thế nhưng tại Việt Nam, hình ảnh em bé ngồi trong lòng người lớn chơi đùa, còn người lớn vẫn thản nhiên hút thuốc là rất phổ biến.

“Rất nhiều ông bố có con hen phế quản với tần suất nhập viện khá thường xuyên, khi chúng tôi hỏi kỹ môi trường sống, gia đình cho biết không có khói bếp, bếp than, phấn hoa... nhưng trong nhà lại có người hút thuốc. Sau khi điều chỉnh, người lớn không hút thuốc trong nhà thì tình trạng hen phế quản của bệnh nhi được kiểm soát tốt hơn”, TS Dũng nói.

TS Dũng chia sẻ thêm, có thể người lớn sẽ có những biện minh rằng cho trẻ hút thuốc là đùa nghịch; chỉ cần khi hút thuốc tránh xa trẻ... là không gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, việc chứng kiến người lớn hút thuốc dần trẻ sẽ hình thành tư duy hút thuốc là bình thường. Rằng bố (ông, chú, bác) nhà mình vẫn hút mà không có vấn đề gì và khi lớn lên trẻ cũng dễ tiếp cận, trở thành người hút thuốc.

(Theo Dân Trí)