- Bạ đâu ngồi đấy, ăn uống phát ra tiếng chóp chép, cuối bữa cầm đũa quẹt ngang mồm, ngậm tăm xỉa xong đưa lên mũi ngửi, không rửa tay mà chùi vào quần…Hà Nội đang trở nên nhếch nhác với những thói quen tùy tiện, thiếu văn hóa

Bàn về tiệc chung cư nơi hành lang, bạn đọc Liên Thành viết: Chung cư vốn được coi là giải pháp tối ưu cho đô thị hiện đại khi mà dân số ngày càng tăng nhanh. Không chỉ tiết kiệm chi phí xây dựng, gia tăng không gian sinh sống mà chung cư còn được kỳ vọng sẽ trở thành những thành phố nhỏ bên trong thành phố lớn khi mà mọi dịch vụ đều gần như đủ cả. Và thực tế, hiện một số tổ hợp chung cư như Times City, Royal City, Ciputral… đã có cả trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại ngay tại đó.

Thế nhưng, khi dòng người nhập cư kéo vào thành thị -  Họ gánh theo cả làng xã, sân đình và những thói quen lối sống của những người nông dân chân lấm tay bùn. Họ đến, ăn uống, sinh sôi và nông thôn hóa thủ đô, biến thủ đô thành một cái làng lớn. Họ cứ vô tư, hồn nhiên coi thủ đô là cái làng của họ, bày “cỗ” ngay tại hành lang chung cư.

{keywords}
Ảnh minh họa

Sự xâm chiếm của lối sống này không chỉ làm hỏng Hà Nội, mà còn khiến hình ảnh người Việt trong mắt quốc tế ngày càng xấu xí. Người ta thi nhau trèo rào chỉ vì một cái vé miễn phí vào cổng công viên nước đến báo nước ngoài cũng phải đưa tin, người ta thản nhiên gác chân lên ghế ở sân bay há hốc mồm ngủ mặc cho những ánh mắt thiếu thiện cảm từ khách nước ngoài, người ta tham ăn tục uống đến mức người Thái phải đề biển trong nhà hàng buffet của mình: “không ăn hết bị phạt tiền” bằng tiếng Việt…

Còn biết bao nỗi nhục quốc thể khác đều bắt nguồn từ những thói sinh hoạt làng quê, sân đình đưa lên phố ấy.

Nhập gia tùy tục, hãy học cách sống của người văn minh chứ đừng đưa lề thói sinh hoạt thiếu văn hóa lên thành thị, biến đô thị thành cái làng mới. Còn nếu các bạn vẫn khăng khăng “giữ mình” là người nhà quê thì phải chấp nhận bị kỳ thị, bị chê là kém văn minh!

Cùng chung quan điểm, độc giả Ngọc Minh nhấn mạnh: Ở Hà Nội hiện nay, chúng ta cứ tạm chia chung cư thành 3 loại: chung cư cao cấp, chung cư dành cho người thu nhập thấp trả góp và chung cư mini. Cũng theo từng loại là biết được mức thu nhập của các hộ dân sống trong các khu chung cư này. 

Vì sao chung cư cao cấp có giá cao? Không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ là diện tích rộng, chất lượng xây dựng tốt, vị trí tốt…mà quan trọng hơn đó là phần mềm hay nói cách khác là văn hóa của cư dân. Những người xây chung cư cao cấp cũng tính đến việc xây dựng văn hóa tại chung cư của họ. Đó thực sự là cuộc sống văn minh.

Nói như vậy không có nghĩa là những người ở 2 loại chung cư còn lại văn hóa thấp mà đúng hơn là họ đang ứng xử với văn hóa chung cư như những người sống trong làng xã và mang tư duy làng xã vào cuộc sống đô thị. Việc các cư dân ở một số chung cư (tôi dám chắc đó là khu nhà xã hội) tổ chức tiệc ở hành làng phản ánh đúng tư duy tiểu nông.

Khu vực hành lang là khu vực công cộng của tòa nhà, không ai được phép xâm phạm và sử dụng hay cản trở việc đi lại. Nhưng các cư dân lại coi đó như lối đi, là khoảng sân của nhà mình và thoải mái tụ tập. Chẳng ai có quyền ngăn cấm các cư dân tổ chức tiệc cả. Tôi cũng không hiểu nổi tại sao những người đó lại cảm thấy bình thường, thấy vui. Trong khi, các chung cư đều có nhà sinh hoạt chung. Đó có thể gọi là nhà văn hóa để tổ chức họp hành, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tại sao không đưa tiệc tùng xuống nhà văn hóa vừa có không gian lại lịch sự?

Lỗi ở cư dân một phần, còn lỗi của ban quản lý tòa nhà một phần. Ban quản lý tòa nhà chỉ chú trọng đến phần cứng về mặt kỹ thuật, an ninh mà không chú trọng đến việc xây dựng một chung cư có văn hóa. Những người có trách nhiệm quên rằng cư dân trong tòa nhà cũng cần có những nhu cầu về giá trị văn hóa chứ họ không đâu phải là robot chỉ biết đi làm và khóa cửa. Phải chăng, với cách tư duy như thế nên các tòa nhà họ xây lên mãi chỉ là nhà xã hội, chung cư loại B?

Con người ai cũng cần có nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Nhưng nó không phải là công thức cứng nhắc. Bạn không thể mang văn hóa làng xã và tư duy tiểu nông vào cuộc sống đô thị. Không ai cấm được hành động và suy nghĩ của bạn, nhưng bạn vẫn còn nghĩ và hành động như vậy bạn sẽ không thể theo kịp được với thế giới văn minh!

(Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc)

Độc giả Liên Thành –Ngọc Minh