Trong gần 20 năm sống chung, chị N. (Quảng Ninh) chỉ nhớ được những trận đòn roi của gã chồng tàn bạo.

Những cơn mưa đấm đá

Chị Đ.T.N, 35 tuổi (quê Lí Nhân, Hà Nam, hiện đang sống tại Uông Bí, Quảng Ninh), là một nạn nhân điển hình của bạo lực gia đình.

Năm 16 tuổi, chị N chấp nhận lấy một người đàn ông vì bị hắn cưỡng bức và có thai. Khi con trai được 2 tuổi, vợ chồng chị nhờ ông bà nội nuôi để ra Quảng Ninh lập nghiệp. Chồng chị làm phụ hồ, còn chị N. vào làm công nhân cho một công ty tư nhân.

Chồng chị N. thường ghen bóng ghen gió khi chị đi làm ca về mà chẳng may cùng đường với vài đồng nghiệp nam. Mỗi khi uống rượu say, hắn luôn lấy cớ đó mắng chửi, đánh đập vợ. Tuy nhiên, sau khi tỉnh rượu, hắn đều tỏ vẻ hối hận, nên chị vẫn cam chịu.

Rồi chị N. sinh lần thứ hai, sau một thời gian, chị cũng gửi con về quê nhờ ông bà nuôi giúp để đảm bảo theo được việc làm ca.

Thời gian gần đây, chồng chị N. thất nghiệp, kết giao với bạn bè xấu, thường xuyên uống rượu, cờ bạc. Gần như ngày nào chị cũng bị hắn đánh. Đã thế, có ít tiền tiết kiệm vợ chồng chắt bóp gần hai chục năm, hắn mang đi đánh bạc hết. Chị N. uất quá, mắng hắn, liền bị hắn trói vào cây bàng đầu ngõ đánh đập đến ngất xỉu. Hàng xóm phải lao vào ngăn lại và đưa chị đi cấp cứu.

Thương cảnh chị N. vất vả nuôi chồng nhưng vẫn bị đánh đập tàn nhẫn, hàng xóm khuyên chị đi tố cáo chính quyền, hoặc ly hôn, nhưng chị đều gạt đi vì sợ gã chồng tàn bạo.

Các con chị N., đến nay cũng đã lớn, khi ra Quảng Ninnh thăm bố mẹ, đều thấy những vết thương của mẹ, đều chất vấn bố, và bị hắn xuống tay đánh cả 3 mẹ con.

Được các con động viên ly hôn, chị N. viết đơn đưa chồng, không ngờ bị hắn điên cuồng lao vào bóp cổ, đấm đá đến mức gãy ba cái xương sườn. Nếu không có hàng xóm chạy đến cứu và báo công an, chị N. đã có thể không giữ được tính mạng.

Sau ly hôn, chị N. đón hai con ra Quảng Ninh sống cùng. Còn gã chồng cũ phải chịu hình phạt thích đáng của Pháp luật.

{keywords}

Chị N. được cấp cứu tại bệnh viện

Đừng cam chịu loại hôn nhân “trung cổ”

Những ngày còn nằm trên giường bệnh, chị N. ngẫm về ranh giới giữa sống chết, về sự cam chịu và người chồng vũ phu, chị thấy mình càng cần kiên quyết chấm dứt cuộc hôn nhân tù đày này càng sớm càng tốt.

"Giờ tôi mới hiểu, đàn ông và phụ nữ hoàn toàn bình đẳng. Chỉ có người phụ nữ yếu đuối, dại dột mới chấp nhận cam chịu bị hành hạ và coi đó là số phận. Bởi thế, tôi khuyên những chị em đang sống trong hoàn cảnh như tôi từng sống hãy mạnh dạn "vùng lên" thoát khỏi tù đày. Nếu tự mình không thể, hãy nhờ đến sự trợ giúp của pháp luật”, chị N. nói.

Chị N. chỉ là 1 trong nhiều phụ nữ Việt Nam bị chồng bạo hành nhưng sau rất nhiều năm chịu đựng mới đủ dũng cảm từ bỏ cuộc "hôn nhân đấm đá".

Nói về các chị, chuyên gia tâm lý Vũ Văn Bách- Văn phòng tư vấn hôn nhân và gia đình, Uông Bí, Quảng Ninh cho biết: "Xã hội hiện đại, người phụ nữ cần nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của mình. Và những người đàn ông cũng vậy. Đàn ông không có quyền hành hạ vợ vì bất cứ lý do gì. Xã hội này không thể dung thứ cho những loại người tàn nhẫn như thế".

Theo nghiên cứu mới nhất của Tổng cục Thống kê về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người (34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.

Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng - thể xác, tình dục và tinh thần thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực kể trên.

Tuy nhiên cũng theo các điều tra thì ở Việt Nam, có tới 87% người bị bạo hành không hề tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ các địa chỉ hỗ trợ hay ban ngành ở địa phương, và 49,6% thậm chí không hề tiết lộ việc mình bị bạo lực gia đình cho bất kỳ ai.

(Theo Emdep.vn)