Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” bỗng chốc rơi vào cảnh điêu đứng, “sống dở chết dở”, “thoi thóp” chờ đợi những động thái hỗ trợ mới từ Chính phủ … Đợt dịch thứ 4 bùng phát chính thức khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bị “khai tử”, phải rút lui khỏi thị trường.

Thế nhưng, không ít các doanh nghiệp lại chủ động tìm hướng chuyển mình để vượt qua giai đoạn khó khăn. Họ không chỉ “cầm cự”, “sống sót” qua đại dịch mà còn “sống tốt”, “phát triển” trong đại dịch. Đó là kết quả của sự dám thay đổi, dấn thân, bước qua những rào cản của các CEO.

{keywords}
 

“Có lần, khi tôi vừa đến công ty thì thấy nhân viên quay cuồng tìm người giao hàng. Giãn cách xã hội khiến lượng shipper giảm trong khi số đơn hàng cần giao lại nhiều. Không ngần ngại, tôi nói nhân viên bê đồ lên xe, tôi sẽ đi giao. Khi thấy tôi giao rau củ bằng ô tô, nhiều khách tròn mắt ngạc nhiên. Có khách còn tip cho tôi 50.000 đồng làm tôi cùng thấy vui”, ông Trần Sỹ Sơn - CEO PYS Travel chia sẻ.

Công ty của ông Sơn được thành lập năm 2011. Sau hơn 10 năm thành lập, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty có 130 nhân sự full time, phục vụ 80.000 lượt khách một năm và đạt doanh số ấn tượng 250 - 270 tỷ đồng/năm.

Năm 2020, khi công ty đang chuẩn bị cho dịp kỉ niệm 10 năm thành lập thì dịch Covid-19 ập tới. “Tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ có một cơn đại dịch xuất hiện và làm đảo lộn mọi thứ”, ông Sơn nói. CEO trẻ thừa nhận bản thân rơi vào trạng thái hoang mang, căng thẳng, mất phương hướng.

{keywords}
 

Ngay khi hoạt động du lịch ngưng trệ vì đợt dịch đầu năm 2020, Sơn cùng ban lãnh đạo công ty đã ngồi lại, tìm hướng đi để “cầm cự” qua dịch. Khi công ty không bán được tour du lịch thì “suy đi tính lại”, cách chuyển đổi đơn giản nhất là bán đặc sản vùng miền vì công ty có sẵn những đối tác về ẩm thực, nông sản địa phương; nhân sự trong ngành du lịch nên đã có kiến thức, am hiểu ẩm thực vùng miền.

Ngay sau đó họ bắt đầu quảng cáo, giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm rau, củ, đặc sản vùng miền, từ rau Mộc Châu, cá hồi Sa Pa, bánh chưng gù Hà Giang… đến bánh bột lọc Quảng Bình, cua Cà Mau, sầu riêng... Công ty du lịch này chuyển sang hoạt động như một “siêu thị”, phục vụ nhu cầu khách hàng mùa dịch.

“Ba đợt dịch đầu tiên bùng phát đều không kéo dài quá lâu nên việc kinh doanh ẩm thực như biên pháp giúp chúng tôi cầm cự qua mùa dịch, không phải thực hiện cắt giảm nhân sự. Khi dịch được kiểm soát, công ty trở lại phục vụ khách du lịch và xem ẩm thực như một mảng kinh doanh nhỏ song hành.Thế nhưng, đợt dịch thứ 4 tới và kéo dài ròng rã 4 tháng đẩy công ty vào tình trạng khó khăn thật sự”, ông Sơn cho hay.

Thời điểm đầu tháng 7/2021, công ty của Sơn rơi vào tình trạng “cạn kiệt” nguồn tài chính, không thể trả đầy đủ lương cho nhân viên. Việc kinh doanh bán lẻ ẩm thực, nông sản cũng gặp khó khi việc vận chuyển, giao hàng hạn chế vì giãn cách xã hội.

“Không thể trả lương cho nhân viên, tôi cảm thấy lo lắng. Nếu không thể trả lương thì ít nhất cũng phải hỗ trợ được gì đó cho các bạn, tôi nghĩ vậy. Đúng lúc này, một số đối tác tại các tỉnh gửi thực phẩm tặng công ty. Tôi nghĩ đến việc chia thực phẩm thành các thùng nhỏ, làm quà tặng nhân viên. Những thùng quà tương tự như trước đây cha mẹ vẫn gửi cho tôi khi đi học xa nhà”, ông Sơn cho biết.

{keywords}

Sau đó, ông Sơn vô tình chia sẻ hoạt động hỗ trợ nhân viên công ty mình tới một vài khách hàng thân thiết. Thật bất ngờ, một vị khách hàng ngỏ ý muốn đặt 500 box rau, củ, thực phẩm tặng nhân viên/khách hàng của công ty. Ông Sơn lập tức đồng ý và cùng nhân viên liên hệ triển khai. Cũng từ đây công ty lên ý tưởng, thực hiện kinh doanh những “box thực phẩm”.

Họ bắt đầu tiếp cận từ khách hàng cũ, sau đó quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Những box thực phẩm đủ rau, củ, quả, thịt, cá,... xuất hiện khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khách hàng không thể thường xuyên đi chợ, siêu thị… đã tạo nên cơn sốt. Những box thực phẩm này không chỉ giúp PYS “cầm cự” qua đại dịch mà còn “sống tốt” giữa đại dịch.

Theo ông Sơn, mô hình kinh doanh này thành công phải nhờ tới sự đồng lòng của nhân viên công ty. Sau 2 năm, lượng nhân viên ở lại với công ty du lịch này chỉ còn khoảng 50% nhưng họ đều là những người không ngại khó ngại khổ, sẵn sàng vượt qua mặc cảm để đi giới thiệu, bán rau, ship hàng, làm việc từ sáng sớm tới 9 - 10 giờ đêm, bất kể cuối tuần, ngày lễ, Tết.

“Trước đây, có nhiều anh em nhận mức lương thưởng vài chục triệu mỗi tháng nhưng nay sẵn sàng đi giao hàng nắng nôi giữa trưa, nhặt nhạnh từng đồng. Từ làm du lịch chuyển sang bán nông sản, rau củ, họ phải vượt qua không ít rào cản. Tôi biết ơn họ vì sự đồng lòng đó”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cho biết thêm, kinh doanh nông sản, thực phẩm rất khó, bởi lẽ, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Vị CEO này xác định, khách hàng tìm đến PYS vì mua “tư duy dịch vụ” nên đơn vị này sẵn sàng hoàn trả khi sản phẩm không vừa ý khách hàng, không đảm bảo chất lượng. “Mình lấy giữ chữ tín làm đầu bởi một lượng lớn khách hàng mua thực phẩm của chúng tôi là những khách hàng cũ, từng sử dụng dịch vụ du lịch bên mình và dành sự tin tưởng nhất định”, ông Sơn cho hay.

{keywords}
 

Ông Sơn khẳng định, công ty sẽ tiếp tục thừa thắng xông lên, phát triển kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, nông sản, sẵn sàng hoạt động song song với du lịch. Trong năm 2022, công ty có thể mở thêm 20 - 30 điểm bán hàng ẩm thực, nông sản kết hợp làm điểm bán tour. 

 {keywords}

“Từ một giám đốc ngành du lịch quen ngồi văn phòng, máy lạnh, nay tôi phải lái xe từ tờ mờ sớm đến các vùng nguyên liệu, làng nghề, đội nắng ra đồng, vào tận nơi sản xuất… Tôi cũng phải thay đổi tư duy kinh doanh, tìm tới các khóa học về xuất khẩu nông sản, kinh doanh thực phẩm… Mọi thứ hoàn toàn thay đổi”, bà Thái Thanh Lan - CEO Vietindo Travel chia sẻ.

Công ty chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014, chủ yếu phục vụ thị trường đưa khách nước ngoài đến du lịch Việt Nam. Trước thời điểm dịch, công ty có 10 - 12 nhân sự chính thức fulltime, có văn phòng đại diện tại Pháp, phục vụ 800 - 1.200 khách/năm và đạt doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm.

{keywords}
 

Dịch Covid-19 ập tới làm “hỗn loạn” hoạt động của doanh nghiệp này. Trong cùng một thời điểm, bà Thanh Lan vừa phải giải quyết hợp đồng đối tác, hỗ trợ đưa khách đang ở Việt Nam trở về nước an toàn, tìm cách giải quyết với các khách đã đặt tour sớm…

“Trong nhiều năm làm du lịch, tôi chưa từng trải qua thời điểm khó khăn như vậy. Ban đầu, tôi nghĩ rằng dịch bệnh sẽ sớm qua nhưng không ngờ, xuyên suốt năm 2020, Vietindo ngưng trệ hoàn toàn. Tôi bắt buộc phải cắt giảm ½ nhân sự chỉ giữ lại những vị trí chủ chốt”, bà Lan thông tin.

Gần một năm ngưng trệ hoạt động, không có doanh thu và chờ đợi trong mệt mỏi, bà Thanh Lan quyết định tìm hướng chuyển mình để “cầm cự” và vượt qua đại dịch. Bà Lan mạnh dạn thử sức với lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Bà Lan cho rằng du lịch và xuất khẩu nông sản có sự tương đồng rất sâu sắc, một bên là kết nối trải nghiệm điểm đến và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, một bên là đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài.

Nhưng ngay từ đầu, bà Lan xác định, con đường này đầy rẫy chông gai, bởi thị trường châu Âu rất khó tính. Ngay khi nảy ra ý tưởng chuyển mình, bà Lan bắt tay vào tìm hiểu, tham gia nhiều khóa học ngắn hạn về xuất nhập khẩu, tiêu chuẩn hàng hóa…, trực tiếp tìm kiếm, tiếp xúc với các hộ cá thể, hợp tác xã sản xuất đặc sản địa phương…

Bà Lan không ngại vất vả đến tận nơi khảo sát quá trình sản xuất, trực tiếp đồng hành cùng các hộ gia đình, hợp tác xã để giám sát chất lượng, đảm bảo nông sản, sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Hiện, bà và nhân viên đang khẩn trương thực hiện dự án quay video giới thiệu sản phẩm ẩm thực, nông sản, quy trình sản xuất và hướng dẫn cách chế biến cụ thể để gửi tới khách hàng.

{keywords}
 

“May mắn, thuận lợi của chúng tôi nằm ở việc có nhiều năm tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của du khách châu Âu, đặc biệt là du khách Pháp nên phần nào hiểu được đặc trưng và nhu cầu trong ẩm thực của họ; đồng thời chúng tôi có những đối tác thân thiết tại thị trường này”, bà Lan cho biết.

Nhờ nhạy bén trong kinh doanh, nỗ lực xoay chuyển theo những biến động thị trường, chỉ trong năm 2020, nữ CEO đã góp phần đưa 15 sản phẩm nông sản Việt Nam như gạo, mì, miến, trà… xuất khẩu sang thị trường Pháp. Hiện bà đang làm việc với các đối tác khác tại Đức, Cộng hòa Séc để đưa nông sản sang các thị trường này.

{keywords}
 

Doanh thu từ xuất khẩu nông sản đã giúp công ty ổn định trở lại, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên. Tất nhiên, theo bà Lan, là doanh nghiệp “tay ngang” bước sang lĩnh vực này nên còn rất nhiều khó khăn, thách thức. “Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bước chân sang lĩnh vực khác nhưng khi đã bước vào, vượt qua khó khăn bước đầu thì tôi nhận ra nó là cơ hội kinh doanh tốt, đồng thời có thể kết hợp xuất khẩu với du lịch. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi xác định sẽ triển khai song song cả hoạt động du lịch và xuất khẩu, ví dụ như kết hợp tour du lịch đến làng nghề sản xuất nông sản đặc sản”, bà Lan chia sẻ.

{keywords}
“Những dịp như tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu, tết Nguyên Đán… chúng tôi nhận “bão đơn”. Cả tôi và nhân viên phải làm việc từ tờ mờ sáng đến nửa đêm để kịp trả đơn mẹt hoa lễ cho khách hàng. Do dịch Covid-19, từ nhận tour, chúng tôi chuyển mình sang nhận đơn mẹt hoa như vậy”, bà Bùi Băng Giang CEO Asia Exotica/ Comida Ngon chia sẻ.

Trước dịch Covid -19, công ty của bà Bùi Băng Giang thuộc top công ty lữ hành hàng đầu với thị trường khách quốc tế nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Công ty có văn phòng ở tất cả các điểm đến khu vực Đông Nam Á. Bà Giang là nhà đồng sáng lập và điều hành trực tiếp văn phòng du lịch tại 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia…

Dịch Covid-19 ập tới, nhìn hàng loạt tour bị hủy, các nhà hàng, khách sạn đối tác đóng cửa, nhiều nhân viên, bạn bè trong ngành lao đao, rơi vào cảnh thất nghiệp… chính bà Giang cũng buồn bã, sốc. Nhưng không thể đứng yên, bà Giang tìm mọi cách để duy trì hoạt động, lo cho nhân viên. Mỗi giai đoạn, Asia Exotica có cách chuyển đổi linh hoạt khác nhau.

{keywords}

Sau đợt Covid-19 lần thứ nhất, khi thị trường du lịch quốc tế bị đóng băng, bà Giang đã nhanh chóng chuyển sang làm du lịch nội địa, đồng thời “lấn sân” khởi nghiệp với mảng hoa lễ.

Nữ CEO gặp được mối duyên lành khi tìm tòi nghiên cứu và khơi dậy những nét đẹp truyền thống văn hóa hoa gói của người Hà Thành và một số tỉnh thành miền Bắc trong phong tục thờ cúng.

Từ ý tưởng của những gói hoa, bà Giang đã sáng tạo nên những mẹt hoa, có sự kết hợp hài hòa màu sắc, hương thơm của những loại hoa truyền thống như: ngọc lan, hoàng lan, hoa sen, hoa cau…

Không chỉ mang tới những mẹt hoa truyền thống đẹp mắt, đa dạng mẫu mã, giao hàng tận nhà mà bà Giang còn đem tới dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.

Nhiều thời điểm như dịp Tết Đoan Ngọ 2021, mỗi ngày, bà Giang và nhân viên phải thực hiện hàng trăm đơn đặt mâm hoa lễ. “Chúng tôi phải từ chối nhiều đơn hàng để đảm bảo chất lượng và tiến độ, do mỗi mẹt hoa cần 1-2 giờ để hoàn thiện”, bà Giang chia sẻ.

Hiện nay, bà Giang liên kết với các hộ nông dân để nhận nguồn nguyên liệu từ vườn của họ. Ngoài ra để đảm bảo và chủ động nguồn nguyên liệu, bà đang từng bước đầu tư xây dựng mô hình vườn Comida. Đây là kế hoạch dài hơi và tốn kém, nhưng góp phần tạo thêm việc làm cho các lớp lao động trung tuổi ở nông thôn và làm xanh đẹp thêm miền quê.

{keywords}

“Ban đầu, chúng tôi mở kinh doanh hoa lễ với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài, chuyển hướng để cầm cự với đại dịch nhưng duyên lành với hoa lễ đã mang lại cho chúng tôi nhiều cơ hội phát triển. Thời điểm này, chúng tôi đã bắt đầu lên những phương án chuẩn bị cho sự trở lại của ngành du lịch, sẵn sàng mang tới những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, đồng thời vẫn tiếp tục hoàn thiện thương hiệu hoa lễ. Những mẹt hoa lễ đậm chất Hà Thành đã giúp tôi giữ được nhân sự của du lịch, giữ được năng lượng cho công ty để tiếp tục chờ đợi ngày thế giới được kết nối và ngành du lịch được hồi sinh”, bà Giang chia sẻ.

{keywords}

Bài viết: Linh Trang - Thiết kế: Đỗ An