Chuyến đi săn đầu tiên

Một ngày mùa đông cuối tháng 2. Khoảng 11 giờ đêm, hai cha con tôi háo hức lái xe ra vùng ngoại ô  phía Bắc thành phố Calgary - Canada với kỳ vọng sẽ chiêm ngưỡng được một màn chuyển động đầy màu sắc bắc cực quang (Northern Lights), hay còn gọi Aurora Borealis, trên bầu trời quang mây. Chúng tôi chưa hề thấy chúng trong đời, và thông tin về sự xuất hiện của chúng chỉ gói gọn trong một bản tin do cơ quan dự báo thời tiết phát hành, với dự đoán chính xác là 35%.  

Tuy nhiên, với những người yêu thích thiên văn học, các nhiếp ảnh gia sống ở xứ sở lá phong này đều biết, nhờ vị trí nằm vùng cận Bắc Cực, lại ít bị ô nhiễm ánh sáng nên Canada trở thành  một trong những địa điểm hoạt động cực quang mạnh mẽ và đẹp nhất thế giới. Đặc biệt, các thị trấn thuộc lãnh thổ phía Bắc Canada như Yellowknife, Whitehorse, Iqaluit,... là những nơi tần xuất cực quang thường xuyên xuất hiện nhất. Thế nên, sẽ không ngạc nhiên khi hầu hết các công ty lữ hành tại đây đều khai thác loại hình ngắm cực quang, với lời chào mời hấp dẫn: du khách có 90% cơ hội ngắm hiện tượng kỳ thú này. 

Hơn thế, trong suốt mùa Đông, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thời điểm Aurora hay xảy ra, cả vùng Bắc Mỹ nói chung với các tỉnh Alberta, British Columbia, Saskatchewan,... những tỉnh Tây bắc Canada nói riêng cũng được “ăn theo” quan sát tuyệt tác nghệ thuật từ vũ trụ này. 

{keywords}
Kết quả chuyến đi đầu tiên săn cực quang đầu tiên vào tháng 2/2021. Ảnh Trần Thế Dũng

Rẽ vào con đường đất vắt qua cánh đồng cỏ phủ đầy tuyết trắng cùng những trang trại nằm rải rác tĩnh mịch giữa đêm đen, từ trong xe, chúng tôi nhìn lên bầu trời. Chẳng có dấu hiệu khác thường ngoài muôn ngàn ánh sao lấp lánh trôi lững lờ. Chạy thêm một đoạn, chúng tôi phát hiện một đám mây mờ hướng Tây bắc và dường như nó óng ánh, thoắt sáng thoắt tối. Phải quay lại tìm đường chạy ngay về phía đó để nhìn cho rõ. 

Vẫn không thấy đám mây áng lên màu xanh lá mạ - một tín hiệu thường thấy  khi cực quang xuất hiện mà nhiều người chuyên đi “săn Aurora” hay kể, nhưng linh tính cộng thêm những điểm lạ bất thường chung quanh đám mây khiến chúng tôi tin rằng đây chính là cực quang.

Mặc dù ngoài trời lúc này âm 20 độ C, chúng tôi quyết định mang máy ảnh ra chụp bằng kỹ thuật phơi sáng, do máy ảnh tập hợp ánh sáng lâu hơn mắt người. Kết quả thật tuyệt diệu: một quần ánh sáng xanh tựa dải lụa trên nền trời đầy sao hiện trên màn hình máy ảnh. 

Chuyến đi săn Aurora đầu tiên, bằng sự nỗ lực của bản thân, chúng tôi đã phát hiện và chụp được “nàng”, dù chưa lộng lẫy, diệu kỳ nhưng cũng đã truyền cảm hứng để chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và tiếp nhận nhiều kinh nghiệm bổ ích.  

Bí quyết săn tìm “nàng”

Hoạt động cực quang được tàu vụ trụ giám sát và tất cả dữ liệu về cấp độ hoạt động của chúng được chuyển đổi thành chỉ số Kp, với mức dao động từ 0 đến 9.  Chỉ số Kp càng cao thì khả năng diễn ra cực quang càng lớn. 

{keywords}
Cực quang xuất hiện trong chuyến đi săn vào tháng 3/2021. Ảnh Trần Thế Dũng

Từ Kp 5 trở lên được các nhà khoa học cảnh báo là cơn bão địa từ, hoặc cơn bão gió mặt trời, bởi chúng có thể gây sự cố cho đài phát thanh, lưới điện quốc gia,... Thế nhưng, với những người yêu thích thiên văn học, các nhiếp ảnh gia thì cường độ này đã lóe lên tia hy vọng được trải nghiệm màn chuyển động mãnh liệt nhất của ánh sáng. 

Tuy nhiên, cơ hội ấy chỉ mới được 50%, phần còn lại là yếu tố thời tiết. Phải là trời trong, quang mây. Cường độ và thời gian Aurora hoạt động mạnh mẽ đúng như cơ quan dự báo thời tiết, chứ rủi ro gặp phải là chúng khi ẩn khi hiện, lúc mờ lúc tỏ như cô gái mới lớn đỏng đảnh. 

Vào những đêm dự báo cực quang xuất hiện, với cấp độ từ Kp 5 trở lên, chúng có thể trải dài hàng nghìn km, vì thế nhiều khả năng sẽ ngắm được “nàng” ở hầu hết mọi nơi tại tỉnh Alberta, miễn là lúc nửa đêm khi trời tối nhất và không bị ô nhiểm ánh sáng từ khu đô thị, khu dân cư, trăng Rằm. Sự phát tán ánh sáng nhân tạo hoặc trời sáng trăng sẽ gây trở ngại cho việc theo dõi, làm giảm khả năng hiển thị màu sắc của cực quang, thậm chí khi chụp ảnh sẽ cho kết quả không trung thực.

Nếu chưa có kinh nghiệm, tốt hơn hết, nên đi về vùng nông thôn phương Bắc, tìm tới những con đường quê yên tĩnh, bóng tối dày đặc. Ngoài ra, tham khảo bản đồ các điểm săn Aurora trên trang web của Hội người đi săn cực quang tỉnh Alberta. 

Có điều, các mẹo trên để giúp mọi người dễ dàng tiếp cận “đèn phương Bắc”, nhưng không ai dám chắc khi nào nó lộ diện, bởi đây là hiện tượng gió mặt trời, ngoài tầm kiểm soát của con người. Ngay các bản tin dự báo cũng chỉ đưa ra mức độ chính xác từ 35-50%, chưa kể vào giờ chót nó tăng giảm cấp độ hoặc mất hút không chừng.    

{keywords}
Cực quang xuất hiện trong chuyến đi săn thứ năm vào tháng 4/2021. Tác giả dùng kỹ thuật Time-lapse chụp trên 200 bức ảnh rồi ghép thành một clip ngắn chỉ vài chục giây để thấy sự chuyển động, màu sắc lộng lẫy của cực quang. Ảnh Trần Thế Dũng

Theo đuổi tới cùng

Sau chuyến đi đầu tiên, chúng tôi tiếp tục theo đuổi thêm ba lần, song chỉ một lần chụp được “cô nàng nhảy múa” trong thời gian rất chóng vánh. Sự kiên trì, bền bỉ của chúng tôi cũng tới lúc được tưởng thưởng xứng đáng. 

Đó là thời điểm gần nửa đêm một ngày cuối tháng 4, tiết trời vùng Alberta đang lập xuân, cũng là cuối mùa săn bắc cực quang tại Canada. Trên con đường hẻo lánh thuộc thành phố Airdrie, cách nhà hơn 50km, tôi và anh Đỗ Thành - một nhiếp ảnh gia người Việt sống tại Calgary - lái xe đi tìm địa điểm thích hợp, chuẩn bị cuộc săn sau khi nhận được thông tin đêm nay cực quang sẽ xuất hiện với cấp độ KP 6 cùng nhiều dấu hiệu tích cực.

Có vẻ như chúng tôi đến muộn vì giờ này ở mọi ngóc ngách khu vực nông trại  Airdrie đều có ô tô của dân mê chụp cực quang đậu sẵn. Chưa kể, xe chạy ngược xuôi, hối hả đi tìm chỗ như đi xem khúc côn cầu. Đúng là có sự điên rồ trong chuyện chạy theo một thứ trên trời. Cuối cùng, chúng tôi tìm được một nhà kho cũ nát giữa đồng không mông quạnh để làm tiền cảnh cho những bức ảnh sắp sửa ra đời.  

Thời gian trôi qua, chúng tôi vẫn ngồi căng mắt chờ đợi, quên cả cái lạnh âm 6 độ C. Thỉnh thoảng, tôi hướng về phía Bắc hoặc Tây bắc để chụp kiểm tra sự chuyển biến của bầu trời đang hiện lên sắc màu xanh ngọc. Chợt, òa, nó đã lộ diện!

{keywords}
Ánh sáng cực quang lộng lẫy, tráng lệ xuất hiện ở tỉnh Alberta - Canada. Ảnh Đỗ Thành

Chúng tôi cùng thốt lên khi thấy bầu trời bắt đầu lấp lánh trước khi phun trào hình cánh cung và biến đổi màu sắc liên tục từ vàng, lục, lam đến màu tím. Rồi “bùm”, chúng chuyển động mãnh liệt, lúc nhảy múa uốn lượn nhấp nhô, lúc bắn lên trời chẳng khác pháo bông. Hãy tưởng tượng nếu lúc này có giàn nhạc giao hưởng phụ họa thì nơi đây sẽ biến thành một sân khấu tràn ngập ánh sáng lộng lẫy, ảo diệu với nhiều cung bậc.

Chúng tôi như bị chúng thôi miên, bấn loạn, tay chân lóng ngóng rồi nhanh chóng chuyển sang chụp Time-lapse (chụp tự động liên tục nhiều ảnh với độ phơi sáng bằng nhau) để kịp bắt lấy sự thay đổi của cực quang và ghép làm video khi cần, dù chụp thể loại này sẽ làm giảm tuổi thọ máy ảnh.  

Trở về nhà lúc hơn 3h sáng, chúng tôi vừa đói vừa khá mệt nhưng cảm xúc vẫn dâng trào. Hỏi lần sau có đi nữa không, nhiếp ảnh gia Đỗ Thành chia sẻ: “Săn cực quang tương tự đi câu cá, ngoài việc giúp người câu trui rèn đức tính kiên nhẫn, kiềm chế nóng nảy thì cần quan sát, động não tìm hiểu con mồi; một khi đã câu được cá thì lần sau sẽ mong trúng được cá lớn hơn”.

Theo chuyện thần thoại La Mã, Aurora là tên nữ thần rạng đông du hành từ đông sang tây để thông báo về sự xuất hiện của mặt trời, nhưng trong thiên văn học, Aurora có nghĩa là cực quang - một hiện tượng quang học kỳ thú xuất hiện trên bầu trời về đêm ở những nơi nằm gần bắc cực và nam cực của Trái đất. Chúng sinh ra do một luồng các hạt plasma từ gió mặt trời đi vào bầu khí quyển trái đất và tương tác với các phân tử, nguyên tử nitơ, oxy và kích thích các phân tử này phát ra ánh sáng (Aurora) với đủ sắc màu: xanh lá mạ, xanh lam, hồng, đỏ và tím cùng âm thanh lách cách hoặc tiếng rích. Thường những tia cực quang sáng rõ ở cao độ 100 km và bao phủ bầu trời rộng lớn.

Trần Thế Dũng (Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM)