- 11.277 tỉ đồng là số tiền đầu tư cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới tại Hà Nội sắp tới đây. Trong khi đó, vài tỉ đồng lẻ nếu kịp rót xuống cho dự án tu bổ chùa Trăm Gian thì chắc đã không xảy ra câu chuyện xâm hại di tích đau lòng thời gian qua.

Phối cảnh của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sắp được xây dựng. Tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất khoảng 20.483m2.

Cách đây vài tháng, khi triển khai chuyên đề về bảo tàng ở Hà Nội, chúng tôi được nghe ông Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia đề cập đến một dự án xây dựng bảo tàng mới sắp được triển khai tại một khu đất rộng lớn ở Tây Hồ Tây. 

Và cách đây vài ngày Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định Dự án Đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với số tiền đầu tư lên đến hơn 11.000 tỉ đồng (khoảng nửa tỉ USD).

Chính xác là dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có tổng mức đầu tư lên tới 11.277 tỉ đồng, được trích từ vốn ngân sách nhà nước. Bảo tàng được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới Tây Hồ Tây Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10 ha.

Mục tiêu của công trình này là trở thành một bảo tàng hiện đại nhằm đáp ứng tốt việc bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật phục vụ nhu cầu thăm quan, nghiên cứu khoa học, học tập... cùng nhiều chức năng khác.

Không biết khi công trình Bảo tàng lịch sử quốc gia mới hoạt động vào năm 2016 thì Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũ sẽ dùng vào mục đích  gì?

Được biết dự án khổng lồ này do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư; Bộ VHTTDL là Chủ quản lý sử dụng và Chủ đầu tư dự án thành phần (phần nội dung và hình thức trưng bày). Nếu tiến hành theo đúng lộ trình thì thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2016.

Công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới sẽ được nghiệm thu và bàn giao cho Bộ VHTTDL từ tháng 7/2016. Khi hoàn thành, đây hứa hẹn sẽ là một trong những bảo tàng quốc gia tầm cỡ trong khu vực.

Có thể nói Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một công trình tham vọng và quá lớn, không chỉ lớn về quy mô mà còn lớn về mức độ đầu tư. Khi nghe thông tin này, rất nhiều người làm trong lĩnh vực văn hóa, bảo tàng đã rất ngạc nhiên và cho rằng đây giống như là câu chuyện đùa bởi trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, số tiền đầu tư cho một công trình bảo tàng như vậy là quá lớn và quá sức tưởng tượng.

Song điều họ lo lắng nhất là khi đã hoàn thành công trình khổng lồ này thì chúng ta sẽ vận hành và quản lý nó như thế nào để phát huy hiệu quả. Và, chúng ta sẽ trưng bày những gì ở trong khuôn viên khổng lồ của bảo tàng này?

Bảo tàng Hà Nội vốn được đầu tư tới 2300 tỉ đồng mà không khai thác hiệu quả.

Công trình Bảo tàng Hà Nội với số vốn đầu tư lên tới 2300 tỉ đồng được khánh thành cách đây 2 năm đến nay vẫn được nhắc đến như một bảo tàng rỗng ruột, có vỏ mà không có nội dung. Được đầu tư cả ngàn tỉ đồng nhưng Bảo tàng Hà Nội gần như không có khách và... không có gì để trưng bày.

Đã đi vào hoạt động 2 năm mà Bảo tàng Hà Nội nay vẫn ở trong giai đoạn trưng bày thử và chỉ chính thức trưng bày vào khoảng năm 2014 theo kế hoạch. Sau 1 năm rưỡi mở cửa mà Bảo tàng Hà Nội mới chỉ có 130.000 khách. Tình cảnh vắng vẻ đến độ có lúc người ta còn cho phép tổ chức đám cưới tại đây!?

Khi "bài học" vận hành cái bảo tàng lên tới 2300 tỉ vẫn còn đó thì câu chuyện sắp có một bảo tàng tầm cỡ hơn rộng gấp nhiều lần, với số tiền đầu tư gấp 5 lần lại một lần nữa khiến nhiều người trăn trở. Bởi vấn đề cốt yếu hiện nay là khai thác những bảo tàng đã có thế nào cho hiệu quả để tránh rơi vào cảnh bảo tàng thì to mà vắng khách, đầu tư ngàn tỉ để xây dựng mà không có gì để trưng bày.

Đã có chuyên gia bày tỏ sự lo lắng không biết Bảo tàng lịch sử quốc gia tới đây sẽ được vận hành như thế nào? kế hoạch chuẩn bị nhân lực tiếp quản cái cơ ngơi khổng lồ ấy ra sao? phương án và kịch bản trưng bày đã có chưa? chiến lược thu hút người xem thế nào? Trong khi thời gian thực hiện dự án đã bắt đầu từ tháng 11 tới đây mà chưa thấy có hoạt động chuyên môn nào được khởi động.

Trong một cuộc trò chuyện với Vietnamnet về vấn đề bảo tàng ở Việt Nam, PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, Ủy viên hội đồng tư vấn khoa học cho ban quản lý xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chia sẻ như sau:

"Hiện nay ở ta đang có một trào lưu xây những bảo tàng “khổng lồ” có diện tích rất to lớn và đồ sộ. Nhưng xây xong thì rỗng ruột vì không có đồ để bày, không có người phụ trách nghiên cứu và tổ chức những trưng bày thật hay và hấp dẫn, khách đến xem cũng không biết phải tìm xem cái gì hợp với sở thích và nhu cầu của mình".

Câu hỏi làm thế nào để công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vận hành hiệu quả chắc chắn không dễ trả lời. 

Vấn đề cốt yếu hiện nay là khai thác những bảo tàng đã có thế nào cho hiệu quả để tránh rơi vào cảnh bảo tàng thì to mà vắng khách, đầu tư ngàn tỉ để xây dựng mà không có gì để trưng bày.

Trong một diễn biến khác hoàn toàn đối lập, liên quan đến một công trình lịch sử cấp quốc gia là chùa Trăm Gian, một chủ đề vẫn còn đang rất nóng. Qua trình bày của các bên liên quan cùng hàng loạt các văn bản, quyết định có dấu đỏ dấu xanh được trình ra thì người ta mới vỡ lẽ UBND Huyện Chương Mỹ (nơi có di tích chùa Trăm Gian) đã có văn bản đề nghị Sở VHTTDL phối hợp đề xuất UBND thành phố phương án trùng tu Di tích chùa Trăm Gian và UBND thành phố đã đồng ý về mặt chủ trương từ tháng 11/2009.

Tuy nhiên phải đợi tới tháng 7/2011 Sở VHTTDL Hà Nội mới có công văn đề nghị cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian. Và lại phải đợi thêm hơn 1 nữa UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản chấp thuận chủ trương trên. Song từ đó đến nay dự án tu bổ chùa Trăm Gian vẫn nằm im do chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư dù nhiều hạng mục của di tích đang bị xuống cấp trầm trọng dẫn đến việc nhà chùa tự ý huy động tiền và tiến hành hạ giải nhà Tổ và gác Khánh, gây ra chuyện đau lòng như vừa qua.

Giá như nguồn kinh phí tu bổ được rót xuống sớm hơn thì đã không có chuyện chùa Trăm Gian bị xâm hại đến méo mó như thời gian qua mà không ai biết. Giá như chỉ một khoản tiền nhỏ dành cho các công trình bảo tàng ít người xem vừa qua được trích cho việc tôn tạo các di tích lịch sử thì mọi việc chắc chắn đã khác.

Nếu được rót tiền trùng tu kịp thời thì nhiều hạng mục ở chùa Trăm Gian đã không bị băm nát.
Hạnh Phương