Trong giới sưu tập đồ cổ, đặc biệt là sưu tập máy hát và đĩa than, nhạc sĩ An Thuyên được biết đến với bộ sưu tập khá đồ sộ.

Chúng tôi tìm đến nhạc sĩ An Thuyên qua một lời giới thiệu rằng ông là người có bộ sưu tập đĩa than khá lớn của những giọng hát nghệ nhân của đầu những năm 50 thế kỉ trước. Tuy nhiên khi gặp và tỏ ý định muốn phỏng vấn, ngay lập tức ông từ chối công bố bộ đĩa hát này mà không nói lí do.

Thật đáng tiếc khi ông chỉ tiết lộ rằng ông có tới gần 200 chiếc đĩa than gần như mới tinh thuộc dòng đĩa nhạc Dihavina (viết tắt của từ đĩa hát Việt Nam) là dòng đĩa được thu âm ở Việt Nam nhưng in ở Tiệp và Liên Xô thời kì những năm 1970-82.


Đây là dòng đĩa được giới chơi đĩa than hết sức săn lùng bởi sự hiếm có và đặc biệt của nó. Đó vừa là đĩa hát vừa là những tài liệu như những bằng chứng sống của lịch sử trong một giai đoạn phát triển của âm nhạc Việt Nam đã được người Pháp chọn lựa cẩn thận.

Nếu ai đã từng một thời được nghe hoặc chưa biết đến những giai điệu chính gốc của Ca trù Khâm Thiên, tuồng bồ Nam Bộ hay Vọng cổ của các nghệ nhân cổ, hay là những bản nhạc xưa cũ của những giọng ca Việt một thời đã bị lãng quên chắc hẳn sẽ rất tò mò và muốn nghe và biết đến giống như chúng tôi.

Tuy nhiên, dù hết sức thuyết phục nhưng nhạc sĩ An Thuyên vẫn nhất quyết từ chối và chỉ hẹn rằng một ngày nào đó sẽ làm hẳn một chuyên đề nên chúng tôi đành hẹn ông một dịp khác. Tuy nhiên, ngoài bộ sưu tập đĩa, ông còn có bộ sưu tập máy hát cổ cũng rất đáng giới thiệu. Khi chúng tôi đề nghị, ông đã đồng ý chia sẻ.


Gọi máy hát là các "cụ"

Ông gọi máy hát là các “cụ” ban đầu chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên, nhưng khi ông rút trong tủ ra một đĩa than và bật cho nghe bằng chiếc máy hát đĩa tủ thì chúng tôi mới hiểu vì sao ông gọi máy hát là các "cụ".

Trong một không gian nhỏ, những bản nhạc của một thời bỗng vang lên một cách đầy trung thực qua một chiếc máy hát đĩa than tủ khiến chúng tôi phải lặng người. Một bản nhạc với giai điệu chưa từng được nghe, của một giọng hát theo lời ông nói từ những năm 70 của thế kỉ trước khiến cả căn phòng như quay về những năm tháng của một thời.

 

“Mỗi lần khi về nhà, thích nghe nhạc gì được các “cụ” phục vụ ngay. Thật không có gì sướng bằng. Với mình, đó không chỉ một thú sưu tầm để hoài cổ mà còn là một tài liệu quan trọng trong quá trình sáng tác nhạc.

Ở đó rất nhiều chất liệu âm nhạc Việt Nam đã bị lãng quên hoặc ít người biết đến, vừa được nghe, được biết và vừa được khám phá những chiếc máy hát – một thành tựu khoa học của loài người thật sướng lắm chứ!”, Nhạc sĩ An Thuyên vừa nói vừa nhìn đắm đuối chiếc máy hát.

“Cứ đắm chìm trong nó rồi đôi khi cảm hứng dâng trào mình lại viết ra được ca khúc như Ông Xẩm làng tôi từ một đĩa nhạc của Beethoven chả liên quan ấy thế mà lại nên chuyện.” – ông bắt đầu cởi mở và nói thêm về thú chơi máy hát của mình.

Nhạc sĩ An Thuyên đang tỉ mẩn thay đầu kim cho chiếc máy hát.

"Ngày nay nhiều người bỏ cả đống tiền mua một dàn kĩ thuật số để nghe chất lượng của những bộ dàn analog. Mình không có điều kiện để chơi như vậy nên chơi luôn analog. Ấy vậy mà thành mê, từ đó khám phá ra cả một thế giới máy hát mà tới tận bây giờ nhiều công trình khoa học phải dùng đến cả kĩ thuật số hiện đại để giải thích những thứ tuyệt vời của chiếc máy hát như vậy.

Bức tranh nhà khoa học Thomas Edison được nhạc sĩ An Thuyên treo trong phòng.

Càng chơi mới càng thấy khâm phục những nhà khoa học trên thế giới như Thomas Edison cha đẻ của những chiếc máy hát và công nghệ thu thanh. Vào thời ấy mà người ta phát minh ra những điều vĩ đại cho đến tận bây giờ với công nghệ hiện đại mà vẫn chưa thể khám phá ra hết sự vĩ đại trong thời kì âm thanh analog thời đó."

Mất ngủ vì máy hát

Ông cứ mê mẩn nói về những chiếc máy hát, về những điều kì diệu và tài tình của những nhà khoa học khi sáng tạo ra công nghệ thu và phát ra âm thanh thời đó. Khi được hỏi ông lấy tiền đâu để mua những chiếc máy hát mà trên thị trường đang được định giá rất đắt như vậy vị nhạc sĩ cười lớn: “Mình làm gì có nhiều tiền để mua chúng với giá như vậy, tất cả là vì mua qua chợ mạng.”


Góc sáng tác vỏn vẹn chưa đầy 5m2 cũng là nơi để nhạc sĩ An Thuyên hàng ngày "đi chợ mạng" để săn lùng những chiếc máy hát.

Ông nói rồi dẫn chúng tôi tới góc để chiếc máy vi tính rồi thoăn thoắt bật lên những trang web mua bán của nước ngoài như Ebay… cho chúng tôi xem. “Không ngày nào là mình không lượn qua chợ một vài vòng để xem cả. Không đi chợ không chịu được”.

“Đa phần những chiếc máy hát mình mua được là qua ở đây, một vài cái là do những người bạn ở nước ngoài mua giúp rồi chuyển về hộ hoặc tặng mình. Như một sự may mắn đa phần mình mua chúng với giá khá rẻ vì người bán cứ tưởng nó hỏng. Công thợ sửa những chiếc máy hát như vậy ở nước ngoài khá đắt, mà thợ Việt Nam thì lại khéo tay có thể sửa được với giá rất rẻ.

Có những chiếc chỉ bị rít dầu, về mở ra lau dầu lại là chạy ngon lành, thế là mình mua được quá lời. Nhưng kiếm được những máy như vậy cũng khó lắm, có những máy mình phải theo dõi nó đến gần 5 năm mới mua được đấy. Còn những chiếc máy hát cổ còn mới và vẫn dùng được thì mình khó mà mua được”, nhạc sĩ An Thuyên hỉ hả chỉ vào những chiếc máy hát mà ông mua được.


Làm sao để chuyển những chiếc máy hát cồng kềnh như vậy về Việt Nam? Tôi hỏi. Ông vui vẻ trả lời: “Cái này là một điều đặc biệt, mình may mắn được nhiều người biết đến và yêu mến những ca khúc của mình nên nhiều khi trong những chuyến công tác nước ngoài, mình mua được chiếc máy hát khi ra sân bay đành lấy lí do mua về để lấy cảm hứng sáng tác nên nhiều lần được ưu ái và mang về được. Cái này nếu là người thường thì khó lắm đấy!”

Có bao giờ ông phải chia tay những chiếc máy hát ông thích vì một lí do nào đó chưa? – “Rồi, có vài lần vì một vài người bạn thân của mình thích quá nên mình nhượng lại cho họ. Tiếc lắm! Cái ngày họ đến lấy mà khi tiễn chiếc máy hát đi mình theo họ đến tận cửa. Rồi khi họ đi xuống đường mình lại đứng qua cửa sổ trên nhà mà cứ rõi theo rồi thấy trong lòng có cảm giác như mất đi một thứ gì đó rất khó tả. Rồi mấy ngày sau đó mình mất ngủ đến mấy ngày vì... nhớ.

 

Không nhớ sao được, mình ăn ngủ với nó, sống với nó trong căn phòng này biết bao lâu đã như một người bạn. Nay thấy người bạn không còn ở bên thấy khó tả lắm. Thế nên bây giờ hễ cứ ai đến nhà mà nói đến chuyện nhượng máy hát là mình nói luôn là cấm có đề cập.

Tôi đếm ngót nghét đã có đến gần cả trăm cái trong bộ sưu tập máy hát của nhạc sĩ An Thuyên. Ấy vậy mà khi hỏi ông có muốn mua thêm nữa không, ông vẫn nửa đùa nửa thật nói: “Có chứ, giá như mình có nhiều tiền mình sẽ mua cả thế giới máy hát. Mỗi chiếc máy cổ này đều được làm bằng tay nên chả chiếc nào giống chiếc nào. Nó vừa là một phát minh vĩ đại của loài người thậm chí lại là cả một tác phẩm nghệ thuật, khó mà không mê được.”

Ngoài những chiếc máy hát, nhạc sĩ An Thuyên cũng có những chiếc máy hát đời mới hơn để dùng cho việc nghe nhạc và sáng tác. Chiếc máy hát Microseiki 777L - niềm tự hào của nước Nhật cũng nằm trong bộ sưu tập của nhạc sĩ An Thuyên.

Nói rồi ông tỉ mẩn lôi từng chiếc ra cho chúng tôi chụp ảnh, có những chiếc ông còn sẵn lòng mang đĩa than ra để cho nghe thử. Thật khó để diễn tả niềm đam mê của ông với những chiếc máy hát nó mãnh liệt đến mức nào. Chỉ biết rằng khi hỏi nếu đổi một căn nhà lấy những chiếc máy hát ông có đổi không? Ông trả lời ngay: “Không bao giờ, nhà có thể mua được bằng tiền chứ máy hát với mình có những điều có tiền cũng không thể mua được.”

BST chiếc máy hát trong bộ sưu tập độc đáo của nhạc sĩ An Thuyên

 

Hoàng Nguyên