Chiều 6.10, ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết chưa có đủ căn cứ để cấm hay dừng xuất bản cuốn sách Xách ba lô lên và đi của tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền (bút danh Huyền Chip).

{keywords} 

Tác giả Huyền Chip trong buổi ra mắt tập hai cuốn sách Xách ba lô lên và đi tại Hà Nội.

Hai lỗi sai

Ngay trước khi tập hai cuốn sách Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip được xuất bản, dư luận đã dấy lên những nghi ngờ xung quanh tính xác thực và nghi ngại về ảnh hưởng xấu của cuốn sách tới giới trẻ. “Đỉnh điểm” của những cuộc tranh luận trên cộng đồng mạng là việc một độc giả gửi đơn kiến nghị tới Cục Xuất bản về việc đình chỉ phát hành Xách ba lô lên và đi do cuốn sách vi phạm nghiêm trọng về mặt tư tưởng và nội dung. Cục Xuất bản đã yêu cầu Nhà xuất bản Văn học, Công ty sách Quảng Văn làm rõ những vấn đề được đưa ra. Ngày 4.10, văn bản giải thích các vấn đề liên quan đến cuốn sách của Nhà xuất bản Văn học và Công ty Quảng Văn, cũng như bản giải trình của tác giả Huyền Chip đã được gửi tới Cục Xuất bản.

Mặc dù trong thông cáo báo chí của Công ty Quảng Văn (ngày 4.10) có viết: Huyền Chip sẽ công bố bản giải trình trên Facebook cá nhân, nhưng đến hôm qua (6.10) độc giả vẫn chưa thấy bản giải trình nào được đăng tải. Trong khi đó, tác giả Huyền Chip từ chối trả lời hay xác minh bất cứ thông tin nào với báo giới. Ngay cả phía Công ty Quảng Văn cũng từ chối cung cấp bản giải trình của Huyền Chip vì “tôn trọng quyền của tác giả”.

Theo thông tin từ phía Cục Xuất bản, trong bản giải trình, Huyền Chip đã tự nhận hai lỗi sai: một là việc đã vượt biên trái phép, hai là trong cuốn sách có những chi tiết cường điệu so với sự thật để tạo thêm hấp dẫn cho độc giả. Ngoài ra, Huyền Chip cũng giải thích: 700 USD là số tiền ban đầu, nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo của một số bạn bè, cô đã dùng số tiền đó cho những chi tiêu trước và sau đó trên đường đi, đến đâu cô lại xin việc làm đến đó để lấy tiền chi tiêu.

Hư cấu trong phạm vi cho phép

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản - ông Chu Văn Hòa, cái sai của tác giả Huyền Chip không ảnh hưởng đến một cá nhân hay tập thể cụ thể nào và việc hư cấu thêm cũng nằm trong phạm vi cho phép, không bôi xấu, làm tổn hại vật chất, danh dự, phẩm chất của cá nhân hay tập thể. “Nếu chỉ dựa vào những điều này thì chưa đủ căn cứ để cấm hay dừng xuất bản cuốn sách. Nếu có đề nghị thì chỉ là đề nghị nhà xuất bản và tác giả cuốn sách chỉnh sửa nội dung trong lần tái bản” - ông Hòa nhìn nhận.

Về sự việc này ông Hòa cho rằng, cộng đồng cần nhìn theo góc độ nhân ái, tình cảm và cả lý trí. “Có những việc “nói chuyện” bằng luật pháp chưa chắc đã tốt hơn, nhưng cũng không phải cá nhân nào muốn làm gì cũng được. Mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm với cộng đồng, cộng đồng cũng cần có trách nhiệm của mình thì mặt bằng xuất bản phẩm mới được nâng cao”, ông cho hay.

Ngoài ra, ông Hòa cũng chia sẻ với những tác giả trẻ: “Đã trẻ phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi có va vấp, hoặc làm điều gì chưa đúng cần phải điều chỉnh lại. Có như vậy cộng đồng mới có thể tán đồng”.

 

Ký là viết sự thật

“Du ký thuộc thể loại ký, tức là viết sự thật, tôn trọng sự thật. Nhưng không phải là không có tính hư cấu, tuy nhiên phải trong mức tối thiểu so với các thể loại văn học khác như truyện ngắn, tiểu thuyết.

Sau một chuyến đi, tác giả trở về phải sắp xếp lại, trình bày tác phẩm theo những lớp lang, trình tự, sau đó bổ sung tài liệu, thông tin. Hư cấu ở đây được chấp nhận là ở phần cảm xúc, suy nghĩ. Chẳng hạn như đến một nơi nào đó, ta có thể viết về những liên tưởng của mình, dù lúc ấy không có những suy nghĩ này. Điều đó độc giả không ai bắt bẻ. Nhưng du ký không chấp nhận sự bịa đặt, chẳng hạn không đi đến nơi đó nhưng lại viết là không thể chấp nhận được. Tóm lại, văn học sẽ có hư cấu, nhưng tùy theo thể loại mà mức độ được chấp nhận đến đâu. Du ký vẫn phải đề cao tính chân thực, tư liệu phải chính xác”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Theo Thanh Niên