Bài "Gót hồng" được nhạc sĩ viết khi nhớ lại những kỷ niệm về mẹ - ca sĩ xứ Huế nổi tiếng Bích Liễu.


Sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi quý tộc, bố là nhạc sĩ, mẹ là ca sĩ nổi tiếng nhất nhì xứ Huế xưa, được sống trong cái nôi âm nhạc, không có gì ngạc nhiên khi anh em Bảo Chấn - Bảo Phúc kế thừa được những tinh hoa do cha mẹ để lại.

Những ký ức không phai về mẹ

Nhắc đến Bảo Phúc, công chúng mộ điệu sẽ nhớ ngay đến những tác phẩm: Gót hồng, Dòng sông không trở lại, Những nẻo đường phù sa, Nắng hồng soi mắt em, Để gió đưa vào lãng quên… Những bản tình ca của anh nhẹ nhàng lắng sâu vào lòng người, chậm rãi mà bền bỉ như phù sa. Nhiều trong số đó là những tác phẩm viết cho phim và từ phim đã đi vào đời sống, bắt đầu từ bộ phim Ngôi sao cô đơn hợp tác với đạo diễn Trần Cảnh Đôn. Có nhiều tác phẩm nổi tiếng, để lại dư âm đặc biệt trong lòng khán thính giả, nhưng bài hát mà sinh thời, nhạc sĩ Bảo Phúc nhớ nhiều nhất, tâm đắc nhất, chính là bài Gót hồng, bài hát mà Bảo Phúc đã viết khi nhớ lại những kỷ niệm về mẹ - ca sĩ xứ Huế nổi tiếng Bích Liễu.

Nhắc đến nhạc sĩ Huế nổi tiếng, người ta nhớ tới Trịnh Công Sơn, một trong những nhạc sĩ Việt Nam có di sản âm nhạc đồ sộ nhất, còn nhắc đến ca sĩ xứ Huế, người ta sẽ nhớ đến cô Nhơn và ca sĩ Bích Liễu. Có lẽ không nhiều độc giả biết ca sĩ Bích Liễu, nếu không phải những người Huế, đặc biệt là người Huế xưa, nhưng không ai xa lạ gì với những sáng tác của nhạc sĩ Bảo Chấn và Bảo Phúc - hai anh em nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Họ chính là những hậu duệ của ca sĩ Bích Liễu.

Bảo Chấn và Bảo Phúc xuất thân dòng dõi quý tộc Huế. Tên đầy đủ của Bảo Chấn và Bảo Phúc đều bắt đầu bằng họ Nguyễn Phước: Nguyễn Phước Bảo Chấn, Nguyễn Phước Bảo Phúc. Họ là những hậu duệ của gia tộc Nguyễn Phước, dòng họ đã có nhiều vị vua Nguyễn kể từ đời Vua Gia Long cho đến đời Vua Bảo Đại.

Nhạc sĩ Bảo Chấn

Ông nội của nhạc sĩ Bảo Chấn và Bảo Phúc là con trai thứ 9 của Vua Dục Đức - tên tự Phúc Bửu Thiên và là em ruột của vua Thành Thái. Ông có tước vị Tuyên Hóa vương. Cha của Bảo Phúc - Bảo Chấn là nhạc sĩ Vĩnh Phan, một người vốn nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, tước hiệu Đinh Hầu, từng sáng tác và giảng dạy âm nhạc. Còn nghệ sĩ Bích Liễu, mẹ của nhạc sĩ Bảo Phúc - Bảo Chấn cũng từng là giọng ca chầu văn nổi tiếng của nhạc cung đình. Bà là một trong những giọng ca nổi tiếng hàng đầu xứ Huế thời xưa. Có chung tình yêu với âm nhạc, khi gặp nhau giữa kinh đô Huế, nhạc sĩ Vĩnh Phan và ca sĩ Bích Liễu đã nên duyên vợ chồng, sinh ra một đại gia đình, trong đó có 2 người con trai nối nghiệp cha mẹ là nhạc sĩ Bảo Chấn và Bảo Phúc.

Nhạc sĩ Bảo Phúc đã mất cách đây 3 năm, để lại niềm nuối tiếc trong lòng người ở lại. Sau ngày Bảo Phúc mất, Bảo Chấn kể về em trai - nhạc sĩ Bảo Phúc nhiều hơn: "Thời nhỏ, trong gia đình chúng tôi, Bảo Phúc là người được cưng nhất nhà vì nó biết đàn rất hay. Một lần bố đi công tác xa mua một cây đàn nhỏ về, là mọi người trong nhà ngồi lại nghe nó đàn, nhưng nó hát thì… dở tệ! Bố hay nói vui nó là một thiên tài hát. Sau này, không hiểu vì sao giọng Bảo Phúc hay lên, những bài hát Phúc thể hiện được khán giả hưởng ứng nhiệt tình, nhưng hồi nhỏ mỗi lần nó cất tiếng hát là mọi người cứ như bị tra tấn".

Tuy là hai anh em, nhưng nhạc sĩ Bảo Phúc và Bảo Chấn tính tình trái ngược nhau. Nếu như Bảo Phúc cởi mở, thân thiện, quảng giao, thì Bảo Chấn sống trầm lặng, khép kín: "Tôi và Phúc là 2 mặt hoàn toàn trái ngược nhau. Phúc hướng ngoại, còn tôi nội tâm. Tôi đóng, Phúc mở. Phúc bình tâm, tôi nóng tính. Vì thế, Phúc có rất nhiều bạn bè, còn tôi thì ít. Vì cái sự "đóng" đó, trong giới nghệ sĩ, nhiều người hiểu tôi qua Phúc chứ không phải từ tôi. Trong số các anh em, tôi là người Phúc quý mến nhất.

Tôi là anh, nhưng không phải tôi là người bảo vệ Phúc, ngược lại, Phúc luôn sẵn sàng dùng mọi khả năng có thể để bảo vệ tôi, nhất là trong lần về dư luận đạo nhạc trước đây. Trong âm nhạc, chúng tôi hiểu nhau gần như tuyệt đối. Nếu hỏi rằng tôi có điều gì ân hận khi Phúc ra đi không, đó chính là vì sao cùng sống trong một thành phố, mà số lần chúng tôi ngồi với nhau ít ỏi đến thế. Phúc ngồi nhậu với bạn bè nhiều hơn với tôi, tôi cũng 'trà dư tửu hậu' với bạn bè nhiều hơn với Phúc".

Hai anh em rất thân thiết và hiểu nhau, nên khi nhạc sĩ Bảo Phúc qua đời cách đây 3 năm, là một cú sốc lớn với nhạc sĩ Bảo Chấn. Ông đã suy sụp rất nhiều, mỗi lần có ai nhắc đến em trai, gương mặt ông đều bần thần, giọng lạc đi. Mọi người cũng được ông chia sẻ nhiều hơn về nhạc sĩ Bảo Phúc và những kỷ niệm của 2 anh em thời thơ ấu ở Huế.

Hồi nhỏ, Bảo Phúc là một cậu bé vô cùng nghịch ngợm và ranh mãnh. Một lần, Bảo Phúc xin bánh mẹ không cho, bảo phải đợi bố về mới được ăn, thế là Bảo Phúc chạy ra nói với mấy đứa em rằng, anh Bảo Chấn đã cho phép ăn bánh nên mấy anh em ùa vào lấy hết. Kết quả, Bảo Chấn bị phạt no đòn. Bảo Chấn sau này nhắc lại mãi chuyện: "Cái mông của tôi là nơi thử nghiệm không biết bao nhiêu đòn roi của bố mẹ". Tính Bảo Chấn vốn trầm lặng, có bị mắng oan cũng im re. Bây giờ nhắc lại kỷ niệm xưa, Bảo Chấn vẫn ao ước: "Bây giờ, dù có chịu phạt 50 lần hay hơn thế nữa tôi cũng sẵn sàng, chỉ mong một lần được nhìn thấy Bảo Phúc".
Nhạc sĩ Bảo Phúc.
Tuy xuất thân trong gia đình quý tộc, dòng dõi hoàng tộc, nhưng anh em Bảo Phúc - Bảo Chấn không được hưởng những ngày tháng nhung lụa. 2 anh em Bảo Chấn - Bảo Phúc ra đời đúng lúc gia đình sa sút, khó khăn. Cha mẹ Bảo Chấn - Bảo Phúc là những người nghệ sĩ, cũng buộc phải lăn lóc cuộc sống mưu sinh để kiếm tiền nuôi cả đàn con; mẹ Bảo Phúc - ca sĩ Bích Liễu phải từ bỏ nghiệp hát lâu năm để sống đời buôn thúng, bán bưng. Bảo Phúc khi còn sống vẫn kể hoài cảnh, mẹ đặt anh vào đôi quang gánh, quẩy theo dòng đời.

Bảo Phúc nhớ rất nhiều về hình ảnh của mẹ. Bảo Phúc sinh ra ở miền Trung, cái rốn lũ của cả nước, cả tuổi thơ của anh em Bảo Chấn - Bảo Phúc đã trải qua những ngày lụt lội mỗi năm đều đặn đến như một lẽ đương nhiên. Mùa lụt năm 1964 là mùa lụt khổ sở nhất. Mẹ bỏ con trai vào cái thúng, cột sợi dây vào thúng rồi kéo Bảo Phúc đi kiếm con tôm, con tép cho cả gia đình ăn. Người mẹ đó lúc gia đình còn êm ấm, chưa sa sút, chẳng phải làm việc gì ngoài việc ca hát, nhưng lúc cuộc sống khó khăn, đã gánh cả gia đình nghèo khó trên vai. Bảo Phúc bị ám ảnh bởi hình ảnh đó. Vì thế, đến khi lớn lên, mỗi mùa lũ về, nhìn thấy những đứa trẻ ngồi trên mái nhà, lạnh co ro, Bảo Phúc thấy cả mình trong đó.

Bảo Phúc từng kể có một lần, anh đạp xe đi học trong cơn mưa. Bất chợt gặp mẹ mình xách 2 thúng bánh bột lọc, đội mỗi cái nón mà trời thì mưa tầm tã. Hình ảnh mẹ xiêu vẹo trên đường, xiêu vẹo theo những cơn gió lạnh làm lòng anh đau nhói. Khi ấy, Bảo Phúc đã dừng xe lại, và anh đã khóc, khóc rất nhiều.

Sau này, khi sáng tác bài Gót hồng, Bảo Phúc đã lấy cái hình ảnh những bước chân xiêu vẹo của mẹ trong cái buổi chiều mưa hôm đó, làm cảm xúc cho bài hát. Nói một cách khác, bài hát đó, hình ảnh "gót hồng" trong đó, chính là Bảo Phúc nói về mẹ. Trong lòng Bảo Phúc, mẹ là một người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất, vĩ đại nhất, đã hi sinh cả đời vì con cái.

Trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình, anh em Bảo Chấn - Bảo Phúc cũng từng phải trải qua những ngày gian khó. Khi còn nhỏ, Bảo Phúc từng phải đi bán báo dạo buổi sáng, phụ mẹ bán chè ở chợ buổi chiều, bán bánh bột lọc, thi thoảng chơi đàn cho đám cưới… Tất cả những công việc đó, Bảo Phúc đều đã kinh qua, vừa để kiếm sống, tồn tại với đời.

Tuổi ấu thơ, Bảo Phúc là đứa con sớm bộc lộ tinh hoa âm nhạc nhất trong gia đình nên được bố mẹ rất cưng. Nhà nghèo nhưng Bảo Phúc vẫn được bố mẹ cho đi học nhạc. Năm lên 8 tuổi, Bảo Phúc cũng từng học ở Trường Quốc gia âm nhạc Huế, nhưng rồi bị đuổi học chỉ vì tội phanh áo ngực vào một trưa hè nóng nực. Bị đuổi học, nhưng chí đi học vẫn còn đó, thậm chí còn mãnh liệt hơn, Bảo Phúc đã tự học để rồi sau đó đậu vào trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Hai năm sau, anh đoạt giải nhất cuộc thi Âm nhạc toàn quốc. Trong thời gian này, anh bắt đầu viết ca khúc đầu tay.

Vào đời trong một hoàn cảnh vô cùng cơ cực, nhưng chưa bao giờ, Bảo Phúc rời bỏ âm nhạc, cũng không biết làm gì khác ngoài âm nhạc. Âm nhạc là "cần câu cơm" anh nuôi gia đình trong nhiều năm. Bảo Phúc làm việc chuyên cần tới mức anh có thể viết hòa âm 40 ca khúc trong 1 tháng. Âm nhạc với Bảo Phúc là không khí, là hơi thở, để ngày nào được sống trong bầu không khí đó, Bảo Phúc cũng thấy lòng mình tràn trề hạnh phúc, không mệt mỏi, không muộn phiền, dù cuộc sống của anh không phải lúc nào cũng bằng phẳng.

Nhà có hai nhạc sĩ

Cuộc đời Bảo Phúc có 2 cái họa lớn, đều là họa về sức khỏe. Năm 10 tuổi, Bảo Phúc bị ngã lầu, đứt 3 cơ mặt và con mắt trái của Bảo Phúc vĩnh viễn sống cùng bóng tối. Suốt tuổi thơ, Bảo Phúc rơi vào trạng thái tủi phận, nỗi mặc cảm tật nguyền bám theo Bảo Phúc đến khi anh bước lên bục giảng. Ngày đó, bố mẹ anh đều rất thương con, nhưng gia đình quá nghèo không đủ tiền để chữa bệnh nên đành nuốt nước mắt vào trong, chỉ biết thể hiện tình thương con qua những chăm sóc hàng ngày. Sau này, Bảo Phúc tìm được niềm vui, niềm an ủi trong cuộc sống nhờ âm nhạc, nhờ có một người vợ hiền đảm bên cạnh.

Có một ngày, sau nhiều ngày sống trong mặc cảm tự ti, Bảo Phúc chợt hiểu mình không thể sống yếu đuối mãi mãi, anh đối mặt với sự yếu đuối của mình và đi xuyên qua nó. Và Bảo Phúc đã thành công. Dù phải làm việc bằng 1 con mắt, nhưng Bảo Phúc đã làm được nhiều việc giỏi hơn người khác. Anh nói, anh đã chơi bóng bàn bằng cảm giác nhiều hơn đôi mắt nhìn. Với phía tay trái, nơi con mắt không kịp linh hoạt để đuổi bắt trái bóng, anh dựa vào cảm giác của đôi tay và anh vẫn đón bóng chuẩn xác. Khi đi xe hơi, anh phải tập quen với chiếc gương chiếu hậu nhiều hơn, nhằm từ đó mà chỉnh hướng xe cho chuẩn xác. Dù chỉ có một con mắt, Bảo Phúc vẫn lái xe an toàn.
Nhạc sĩ Bảo Chấn luôn dành tình cảm sâu sắc cho người em trai đã qua đời là nhạc sĩ Bảo Phúc.
Sau này có cơ hội để chữa bệnh, Bảo Phúc cũng không chữa nữa vì anh đã biết chấp nhận những gì số phận cho mình. Năm 2005, Bảo Phúc bị hành hạ bởi cơn xuất huyết não. Bảo Phúc lại tuyệt vọng, nhưng anh đứng dậy rất nhanh. Bảo Phúc đã trở lại với đời, mạnh mẽ và nhiệt huyết. Anh tập thể dục, tập khí công để duy trì sức khỏe và vẫn cống hiến hết mình cho âm nhạc.

Gia đình đông anh em, nhưng anh em Bảo Chấn - Bảo Phúc thân nhau hơn cả, có lẽ vì sự đồng cảm trong âm nhạc. Bảo Phúc được bố mẹ cho đi học âm nhạc đầu tiên, còn Bảo Chấn thì không, nhưng có lần đến lớp học nhạc đón em trai, Bảo Chấn đã phát hiện ra đam mê âm nhạc của mình và bắt đầu bước vào âm nhạc với vai trò nhạc công. Bảo Chấn từng cùng vài người bạn thành lập ban nhạc Trống Đồng. Khi phong trào âm nhạc nở rộ, các tụ điểm ca nhạc ưu tiên cho ban nhạc nào có bài hát riêng, Bảo Chấn bắt đầu viết ca khúc. Trước năm 1975, Bảo Chấn nổi tiếng là một tay chơi nhạc rất hay, các ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Ý Lan thường xuyên “kéo” Bảo Chấn đi biểu diễn. Rất đắt show, nên tiền cát-xê của Bảo Chấn khi ấy lớn hơn rất nhiều so với tiền dạy nhạc của bố - nhạc sĩ Vĩnh Phan.

Bảo Phúc có một con đường đi khác, rất đa tài, từng làm đủ các việc hòa âm phối khí, viết nhạc phim và đặc biệt thành công trong lĩnh vực này. Bảo Phúc là người có biệt tài hòa âm phối khí. Trong 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, Bảo Phúc đã đóng góp phần hòa âm phối khí gần 400 bài. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều hài lòng với những hòa âm ấy. Là đồng hương xứ Huế, lại hợp nhau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất thân thiết với Bảo Phúc. Họ thường ngồi bên nhau trà dư tửu hậu, đàn hát cho nhau nghe.

Bảo Chấn - Bảo Phúc theo con đường âm nhạc nên rất dễ chia sẻ với nhau. Khi nhạc sĩ Bảo Chấn vấp phải rắc rối với chuyện bản quyền tác phẩm, Bảo Phúc luôn ở bên anh trai. Những lúc đó, 2 anh em im lặng, hút thuốc và uống trà. Bảo Phúc chia sẻ với anh trai bằng sự kính trọng. Ngược lại, khi Bảo Phúc buồn, Bảo Chấn cũng làm tương tự như vậy. Tính tình của 2 anh em khác nhau, không phải lúc nào cũng gặp nhau, nhưng rất gần gũi với nhau. Có những buổi sáng rảnh việc, 2 anh em nhạc sĩ lại cùng bắt một chuyến xe lên vườn Thủ Đức hay Lái Thiêu, ăn sáng uống cà phê tâm tình mọi chuyện trên đời.

Năm 2009, nhạc sĩ Bảo Phúc ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình, bạn bè. Ra đi khi tuổi đời còn dang dở, Bảo Phúc còn bao nhiêu điều dự định làm mà chưa thực hiện được. Sinh thời, Bảo Phúc sống hòa đồng nên rất được bạn bè yêu quý. Lễ tang anh, bạn bè trong giới nghệ sĩ đến rất đông.

Sau ngày Bảo Phúc mất, vợ Bảo Phúc rất suy sụp. Cứ mỗi lần nhắc đến chồng, chị đều khóc. Chị mất sau đó 2 năm, đúng vào ngày giỗ của Bảo Phúc. Hứng chịu 2 cái tang liên tiếp trong 2 năm, điều an ủi duy nhất với các con nhạc sĩ Bảo Phúc là ở thế giới bên kia, vợ chồng nhạc sĩ của Dòng sông không trở lại sẽ tìm được nhau, mãi bên nhau. Cuộc đời của nhạc sĩ Bảo Phúc và Bảo Chấn đều gặp không ít sóng gió, từ khi còn thơ ấu đến khi đã vững vàng trong sự nghiệp, họ vẫn gặp không ít lao đao. Sóng gió luôn đi qua, không gì có thể thay đổi được một điều: Bảo Phúc - Bảo Chấn là 2 anh em nhạc sĩ mà tài năng của họ sẽ mãi mãi được ghi nhận.

Theo Đang yêu