Tháng 8, Nhà hát lớn Hà Nội sẽ tràn ngập những tác phẩm kịch nói xuất sắc đến từ các nhà hát của thủ đô. 

Ngày 31/7 tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo thông báo về kế hoạch biểu diễn những tác phẩm kịch nói xuất sắc đến từ các nhà hát của Thủ đô. 11 vở diễn "Còn mãi với thời gian" như Cát bụi, Ai là thủ phạm, Bỉ vỏ... sẽ lần lượt được biểu diễn tại Nhà hát lớn bắt đầu từ 5/8/2017.

Lâu nay, sân khấu kịch vẫn bị coi "áo gấm đi đêm" và việc đồng loạt các nhà hát đưa các tác phẩm có chất lượng của mình ra Nhà hát lớn như một cách tiếp thị sản phẩm của mình tới đông đảo công chúng. 

{keywords}
Nghệ sĩ Thu Hà - Trung Hiếu trong Bỉ vỏ

"Nếu nói rằng văn hóa như một sản phẩm của thị trường thì sản phẩm văn hóa là sản phẩm được quan tâm tới cuối cùng trong số các nhu cầu của thị trường. Hiện nay chỉ còn có phim ảnh là có thể tương đối tốt và thu lại lợi ích khá cao trong một số bộ phim. Truyền thông của nhà hát và báo chí cũng hỗ trợ rất nhiều nhưng vẫn có những người khi chúng tôi diễn xong rồi lại trách sao diễn lúc nào không thông báo để biết đường đi xem”, NSƯT Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói.

NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội chia sẻ: "Sân khấu kịch hiện nay đang đứng trước một nỗi lo về tài chính vô cùng khủng khiếp, tôi e rằng dần dần nó sẽ bị mai một đi. Bây giờ các đoàn hầu như không có đoàn kịch nói riêng nữa, mà trở thành tạp kĩ, ca múa nhạc kịch đều phải ghép lại. Rõ ràng trong giai đoạn hiện nay chúng ta đã có được những vở kịch rất hay, rất xuất sắc nhưng công chúng vẫn chưa đến gần thưởng thức bằng nhiều lý do, có thể là do truyền thông, truyền hình… Với tình trạng sắp tới khi mà tất cả các nhà hát đều được xã hội hóa, tới năm 2019 – 2020 sẽ phải tự chủ hoàn toàn về tài chính, có nghĩa là chúng ta phải trả lương cho biên chế, tự kiếm tiền mà nuôi nhau, lúc đấy tôi nghĩ không biết sân khấu kịch sẽ đi đến đâu?".

Vậy nên, tại buổi họp báo NSND Trung Hiếu kêu gọi khán giả hãy quan tâm tới kịch nói để niềm đam mê sân khấu của các nghệ sĩ được thắp sáng mãi. 

"Chúng tôi, những người nghệ sĩ với cái tâm của nghề và với danh dự của người nghệ sĩ thì ở đâu cũng phải diễn hay, nơi nào cũng phải diễn tốt, không hẳn diễn ở Nhà hát lớn chúng tôi mới diễn hay được. Chính vì thế, chúng tôi rất mong khán giả sẽ có cái nhìn gần gũi hơn đối với các nghệ sĩ, cũng như mở lòng ra đón nhận sân khấu kịch một cách thiện cảm, đó cũng là động lực rất lớn cho các nghệ sĩ như chúng tôi có thêm tự tin và niềm đam mê đối với nghệ thuật truyền thống này", NSND Trung Hiếu chia sẻ.

Những vở kịch còn mãi với thời gian sẽ diễn ra trong 13 đêm 

Nhà hát Tuổi Trẻ

- 20h ngày 5/8/2017 -  “Vòng phấn Kavkaz”

- 20h ngày 6/8/2017 - "Ai là thủ phạm"  

- 20h ngày 7/8/2017 - "Công lý không gục ngã" 

Nhà hát Kịch Hà Nội 

- 20h ngày 8/8/2017  - "Cát bụi" 

- 20h ngày 9/8/2017 -  "Điện thoại di động" 

- 20h ngày 10/8/2017 - "Bỉ vỏ" 

Nhà hát Kịch Việt Nam 

- 20h ngày 11,12/8/2017 - "Kiều" 

- 20h ngày 13/8/2017 - "Lão hà tiện" 

Đoàn kịch nói Công an nhân dân 

- 20h ngày 17/8/2017 -  "Đường đua trong bóng tối" 

- 20h ngày 18/8 -  "Quyết đấu giữa sương mù" 

Nhà hát kịch nói Quân đội 

-20h ngày 20/8 -  "Dưới cát là nước" 

Kết thúc chuỗi chương trình kịch nói là vở ballet "Mối tình thành cổ" do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thể hiện.

T.Lê