Sau khi chương trình 'Như chưa hề có cuộc chia ly' lên sóng tối 1/3, nhiều khán giả bàn tán về hành trình NSND Kim Cương tìm lại con gái nuôi sau hơn 45 năm thất lạc vì câu chuyện có phần kịch tính, như chi tiết cô bạn thân của Thương Thương đến gặp bà mạo nhận là con gái nuôi hay việc hai mẹ con từng gặp mặt nhưng không nhận ra nhau. VietNamNet xin ghi lại chia sẻ của NSND Kim Cương về toàn cảnh câu chuyện để độc giả hiểu chi tiết vụ việc. 

Bà mẹ 6 con chửa to rét lạnh dưới mưa

Khoảng những năm 1972 - 1973, tôi đảm trách trả lời mục bạn đọc trên báo Điện Tín. Nhiều bạn đọc muốn tôi nhận làm em nuôi. Tôi “gài” những ai đòi làm em nuôi Kim Cương thành một nhóm “Gia đình tình thương”, cùng nhau đi giúp đỡ người khổ.

Từ 5 – 6 em ban đầu, đến năm 1975, mỗi chuyến đi của chúng tôi phải thuê một xe lớn mới đủ chỗ. Chúng tôi đỡ đầu Cô nhi viện Quách Thị Trang và trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Đó là vì sao đám cưới của tôi đãi trong cô nhi viện, ban nhạc chơi xuyên suốt đám cưới toàn các em khiếm thị.

{keywords}
Kim Cương gặp lại con gái nuôi sau 45 năm thất lạc.

Những ngày cận kề cột mốc lịch sử 30/4/1975, khung cảnh rất hỗn loạn, người người từ miền Đông đổ về Sài Gòn. Xa lộ Biên Hòa khi ấy là một bãi rác khổng lồ. Chúng tôi túc trực để mang thức ăn, nước uống tiếp tế cho cả ngàn người ở đây. Trong trời mưa mịt mù, tôi để ý một người phụ nữ bụng chửa to mang theo 6 đứa con. Nhóm chúng tôi tìm mái che cho cô ấy tránh mưa.

Hôm sau, khi chúng tôi quay lại cùng thuốc men, thức ăn và quần áo thì cô ấy đã sinh rồi. Nhìn đứa bé lọt lòng như con mèo ướt nằm co ro, thậm chí không khóc nổi, tôi mới đề nghị: "Chị cho tôi mang đứa bé này về nuôi đỡ vài ngày cho qua cơn biến động. Sau này, bất cứ khi nào chị tới tìm, tôi sẽ trả lại con cho chị. Địa chỉ nhà Kim Cương bao nhiêu năm nay vẫn ở đây, chị cứ yên tâm”. Tôi cảm giác nếu không làm vậy, con bé sẽ chết vì má nó không lo nổi. Vì tình thương mà đứa bé này về với mình, tôi bèn đặt tên con là Thương Thương.

Tôi chờ 5 tháng, rồi 10 tháng trôi qua, đến khi Thương Thương gần 2 tuổi, người mẹ ấy vẫn không đến nhận con. Khi ấy, Thương Thương bị đau, tôi mới cho con nhập viện Nguyễn Văn Học. Tôi quay cuồng với công việc ở đoàn kịch nên để bệnh viện nuôi Thương Thương còn mình và em gái thường xuyên vào thăm con.

{keywords}
Nữ y tá Trầm Thị Ngọc Ánh. Ảnh: NSND Kim Cương cung cấp

Trong nhóm y tá, có một cô tên Ánh chủ động đề nghị tôi để cô ấy nuôi Thương Thương giùm, đổi lại tôi sẽ gửi cô ấy tiền. Tôi nghĩ hình thức giống như thuê vú em nên đồng ý. Tôi dặn: Em nuôi thì nuôi, chị lo tiền bạc nhưng bất cứ lúc nào má nó tới tìm, em phải trả lại. Thời điểm đó đoàn kịch nghèo, tôi cũng đói, việc xoay tiền cho Thương Thương nằm viện không phải dễ.

Có lần, cô ấy bế Thương Thương tới rạp Quốc Thanh gặp tôi sau buổi diễn. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Thương Thương. Sau đó, cô ấy xin nghỉ ở bệnh viện rồi mất luôn tung tích. Em gái tôi tính đi báo công an nhưng tôi can. Tôi hiểu trong quá trình nuôi Thương Thương, cô ấy nảy sinh tình cảm, sợ phải trả lại cho má ruột nên bế mang đi biệt tích. Tôi đồ rằng cô ấy phải thương con bé tới cỡ nào mới liều lĩnh làm chuyện phạm pháp tày trời như vậy.

Cô gái diễn kịch trước mặt “Kỳ nữ”

Mọi thứ bẵng đi mấy chục năm đến tháng 9/2019, tôi nhập viện vì bệnh tim. Có một cô muốn vào thăm tôi nhưng bác sĩ không cho nên cứ ngồi ghế đá chờ. Đến tối, khi các y tá đi ăn, cô ấy mới lao vào ôm tôi mà khóc. Tôi còn đang tưởng khán giả nào thì cô ấy nói: Má ơi, con là Thương Thương hồi đó má nuôi đây.

Khi tôi xuất viện, cô ấy tới nhà tôi mang theo hình ảnh, trong đó có ảnh cô y tá năm xưa mang bé Thương Thương đi mất. Tôi vẫn nhớ mặt cô y tá ấy. Vì có hình ảnh, tôi tin lời cô ấy đến 80% nhưng còn chút gợn trong lòng.

Trong khoảng 6 - 7 tháng sau, cô ấy thỉnh thoảng đến thăm tôi hoặc nhắn tin qua lại. Tôi gửi đồ đạc, nhất là quần áo trẻ con cho cô ấy nhiều; tiền bạc có gửi vài ba triệu, không đáng kể. Lần đó, cô ấy nhắn tin hỏi mượn tôi 30 triệu đồng cho má nuôi mổ. Linh tánh mách bảo có cái gì đó không đúng, tôi nói: Má mới nằm nhà thương ra nên không còn tiền mà lòng xót xa. Cô ấy cảm ơn, nói “không làm bận lòng má nữa” rồi biến mất.

{keywords}
Người phụ nữ mạo danh tên Thủy (ngoài cùng bên phải, che mặt) nắm tay chị Thương Thương (áo xanh, thứ 2 từ phải sang).

Sau đó, tôi mang sự việc nói với Thu Uyên. Uyên ra Hà Nội tìm cô ấy theo số điện thoại và địa chỉ tôi đưa. Uyên có kinh nghiệm nên biết ngay cô ấy mạo nhận Thương Thương. Tôi biết mình đã mừng hụt…

Nhưng từ đó, Uyên lần ra manh mối, tìm thấy Thương Thương thật. Uyên giữ kín câu chuyện đến phút chót, chỉ cho tôi coi tấm ảnh 2 cô gái thân thiết khoác tay nhau trong một đám cưới. Tôi nhận ra cô Thương Thương giả, Uyên nói: Người đứng cạnh mới là Thương Thương thật.

Trước đó, có một lần, tôi với cô Thương Thương giả ngồi nói chuyện. Cô ấy chợt lấy tay vuốt tóc tôi. Tôi thấy cử chỉ đó hơi không thật. Sau này khi mọi chuyện vỡ lẽ, Uyên nói: Cô đó nghĩ thế nào lại diễn kịch trước mặt Kỳ nữ Kim Cương!

Tôi nói Uyên đừng làm rùm beng vụ cô Thương Thương giả. Lúc phát hiện sự thật, tôi có hơi giận nhưng không hụt hẫng nhiều. Tôi có linh cảm nên chuẩn bị sẵn tâm lý rồi. Sau này nghĩ lại, tôi không giận cô ấy nữa. Nhờ ơn cô ấy, tôi mới kiếm được con gái mình.

Quay trở lại chuyện cô y tá, cuộc đời cũng rất buồn. Năm xưa, cô ấy đã gả cho một người đi học sĩ quan. Mấy năm sau, anh này về thấy cô ấy bế Thương Thương, tưởng cô ấy thay lòng nên bỏ đi biền biệt. Thế là cô ấy chịu đắng cay, ở vậy nuôi con khôn lớn. Năm 2016, cô y tá năm xưa thấy mình đã yếu nên mới nói hết sự thật cho Thương Thương biết, 2 năm sau thì cô ấy mất. Cô Thương Thương giả là người quen thân của gia đình con gái tôi hơn 10 năm trời nên mới biết chuyện đó.

''Câu chuyện tìm con nuôi của tôi ai nhận xét nó kịch tính cũng đúng. Như chuyện Thương Thương từng được tôi ôm, vuốt tóc khi đi xem kịch Lá sầu riêng năm 18 tuổi trước khi vào rạp. Nếu chồng con bé không kể, tôi cũng không biết được. Con tôi ở ngay đó mà hai má con không nhận ra nhau. Mọi thứ kỳ lạ như vậy. Nếu đoàn kịch Kim Cương vẫn còn, quả quyết tôi phải dựng chuyện này thành kịch vì chúng còn gay cấn hơn cả kịch Lá sầu riêng.

{keywords}
Kim Cương mong tìm lại anh chị em cho con gái nuôi. Ảnh: Phương Nam

Hơn 45 năm qua, tôi nhớ nó lắm chứ, cứ canh cánh bên lòng 2 cái sợ. Tôi sợ không tìm lại được nó, mình thì đã già. Tôi cũng sợ má ruột nó tìm tới đòi con thì lấy con đâu mà trả cho người ta?

Thú thật, tôi nuôi con bé từ lúc lọt lòng mẹ được khoảng 2 năm, có thể chưa phải quá sâu nặng. Nhưng tôi thực sự tin Thương hạnh phúc khi sống cùng cô y tá ấy. Thời trẻ, tôi làm trưởng đoàn kịch, dành phần lớn thời gian ở sân khấu, đến Toro (con trai NSND Kim Cương – PV) cũng không được tình thương trọn vẹn từ mẹ.  

Tôi e là má ruột của Thương đã không còn trên cõi đời này nữa. Bây giờ, tôi chỉ mong sau Như chưa hề có cuộc chia ly, 6 anh chị em của nó năm xưa sẽ liên hệ nhận em gái út. Thu Uyên nói Thương rất buồn vì mấy chục năm không có ai tìm mình. Tôi nói với con: Má ruột con không tìm thì có má tìm đây. Bây giờ khi đã tìm lại nhau, tôi sẽ không buông tay con thêm một lần nào nữa.

Cẩm Loan 

NSND Kim Cương khóc nghẹn gặp lại con gái nuôi sau 45 năm thất lạc

NSND Kim Cương khóc nghẹn gặp lại con gái nuôi sau 45 năm thất lạc

Tại chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" tập 139, cuộc đoàn tụ giữa NSND Kim Cương và con gái nuôi Thương Thương sau 45 năm khiến nhiều người không cầm nước mắt.