Sau thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, các ngành nghề đều phải phát triển định hướng mới, văn hoá cũng không ngoại lệ. Những triển lãm online, hoà nhạc, hội sách trực tuyến, liveshow âm nhạc,....đều thông qua công nghệ số.

Số hoá văn hoá 

Biểu diễn nghệ thuật đang vào đường đua lớn khi các nhà hát đồng loạt triển khai các chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đang có chủ trương xây dựng mô hình kênh nghệ thuật online để đưa nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương,... gần hơn với khán giả.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho hay, đây mới chỉ là chủ trương và khi bắt tay vào thực hiện phải có sự chuẩn bị thật kỹ càng.

{keywords}
Kênh nghệ thuật online đang được Cục Nghệ thuật Biểu diễn lên kế hoạch (Ảnh minh hoạ).

“Chúng ta sẽ không làm theo mô hình nhà hát truyền hình là bê nguyên một chương trình lên kênh nghệ thuật online, khán giả sẽ không có nhiều thời gian để xem một vở diễn dài hàng tiếng đồng hồ và dĩ nhiên cảm hứng mang lại cũng không thể được như thưởng thức trực tiếp tại rạp hát.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn. Có thể sẽ là một clip ngắn về những nét độc đáo của một chương trình mới được dàn dựng, có thể là một chương trình giới thiệu những sản phẩm nghệ thuật của một nhà hát, cũng có thể là một chương trình gồm tổ hợp các tiết mục hay, đặc sắc của từng loại hình nghệ thuật riêng biệt... 

Cũng có thể qua kênh online, các đơn vị nghệ thuật sẽ mời ê kíp sáng tạo tác phẩm, các nhà phê bình phân tích về sản phẩm nghệ thuật nào đó. Điều này sẽ rất có lợi cho việc tiếp cận và quảng bá về từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... lâu nay vẫn khó tiếp cận với khán giả”, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Trong khi đó, Bộ VHTT&DL vừa có Quyết định về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam".

Mục tiêu của phấn đấu 100% thư viện ưu tiên đầu tư phát triển thư viện số, thực hiện liên thông; hiện đại hóa thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở Trung ương. Đảm bảo 100% website có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến; xây dựng tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở cho các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học và các cơ sở giáo dục khác…

Số hóa 70% tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý,..

{keywords}
 Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 tạo bước tiến quan trọng giúp ngành xuất bản bước vào nền kinh tế số một cách chủ động và là cơ hội văn hoá đọc bứt phá.

Các bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam,... đã thực hiện video giới thiệu các phòng trưng bày chuyên đề online và đưa vào kênh youtube. 

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức kéo dài hơn 2 tháng và sẽ kết thúc vào 10/6 tới cũng cho thấy phương thức tổ chức này sẽ giúp bạn đọc tăng cơ hội tiếp cận sách, khơi dậy tình yêu và thói quen đọc sách. Đồng thời giúp các đơn vị xuất bản mở ra một hướng đi mới, đột phá, phát triển thị trường sách, tạo bước tiến quan trọng giúp ngành xuất bản bước vào nền kinh tế số một cách chủ động và là cơ hội văn hoá đọc bứt phá.

Thách thức nhưng phải làm

Dù khoa học kỹ thuật có phát triển tới đâu đi chăng nữa cũng không thể thay thế được con người, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá biểu diễn bởi tính tổng hoà và có giá trị lịch sử lâu đời của nó. Nghệ thuật biểu diễn tạo nên các hình tượng nghệ thuật sống động, phản ánh thực tiễn khách quan nhất, được trình diễn trực tiếp trước công chúng thông qua diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên hay các nghệ nhân dân gian.

Nhiều người lo ngại rằng không gian trình diễn đối với bất cứ loại hình nghệ thuật biểu diễn nào cũng đều cần tới sự tương tác, đối thoại trực tiếp giữa khán giả và người trình diễn và liệu kênh Nghệ thuật online có ‘giết chết’ thói quen và cảm xúc đến rạp xem của khán giả?...

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, kênh nghệ thuật online mang tính toàn cầu, Cục sẽ hỗ trợ để đảm bảo chất lượng ghi âm, ghi hình cho các sản phẩm đưa lên kênh. Tuy nhiên, dẫu có áp dụng công nghệ và đầu tư về kỹ thuật thì cuối cùng vẫn phải là tính hấp dẫn của sản phẩm. Nếu nghệ thuật cứ giữ cách làm cũ, không chịu thay đổi từ tư duy lựa chọn kịch bản cho tới lối dàn dựng cũ kỹ vô hình trung lại đưa tới tác dụng ngược.

"Cục sẽ cùng các đơn vị nghệ thuật thẩm định các sản phẩm trước khi được giới thiệu công khai trên kênh Nghệ thuật online", ông Vinh nói. 

{keywords}
Số hóa tài liệu chỉ nên cho người đọc tại chỗ, không cấp quyền cho tải về.

Hoặc như Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam" và việc trưng bày online các tài liệu quý ở Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, nhiều người cũng băn khoăn về tính bản quyền của tác phẩm.

"Số hóa tài liệu chỉ nên cho người đọc có thể đọc tại chỗ, không cấp quyền cho tải về. Bên cạnh đó, cần áp dụng thêm công nghệ để đẩy mạnh liên thông thư viện và 100% thư viện quan trọng phải thực hiện điều này", bà Hà Thị Huệ - Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ.

Trước những lo ngại về vấn đề bản quyền, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định, số hóa tài liệu ở đây không phải là phục vụ hoàn toàn miễn phí bạn đọc: "Có những tài liệu có thể phục vụ miễn phí nhưng cũng có tài liệu phải áp dụng chi trả bản quyền, đảm bảo quyền và lợi ích của tác giả mới được tiếp cận. Trong một số trường hợp, bạn đọc chỉ có thể tra cứu thông tin tài liệu trên mạng hoặc tóm tắt. Nếu muốn đọc toàn văn, bạn đọc vẫn phải đến các thư viện".

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng chia sẻ tất nhiên khi đã trưng bày online các đơn vị đã tính tới chuyện bản quyền và đã làm tối đa để kiểm soát việc vi phạm. Tuy nhiên, chỉ chống được người ngay, chứ người cố tình vi phạm họ sẽ tìm mọi cách. Nhưng biết là có thách thức thì vẫn phải làm. 

Tình Lê

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 kéo dài đến 10/6

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 kéo dài đến 10/6

Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ kết thúc hội sách nhưng chính sách giảm 25% giá bìa và miễn phí vận chuyển đơn hàng trên 50.000 đồng sẽ được giữ nguyên.