Làng cổ Đường Lâm là điểm đến nổi tiếng nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45 km. Đây còn được gọi là "đất hai vua" vì là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng. Năm 2006, Đường Lâm vinh dự trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta và đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Có nhiều lối vào làng cổ nhưng cổng làng Mông Phụ vẫn mang nhiều dấu ấn nhất. Đây là cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ, được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong. Cạnh cổng làng là cây đa hơn 300 năm tuổi, tạo nên khung cảnh thực sự thanh bình và cổ kính. 

{keywords}
Cổng làng cổ Đường Lâm

Đặt chân đến cổng làng Mông Phụ, những vườn hoa cúc vàng, những cành đào rực rỡ được trang trí trên khắp đường làng và những con ngõ nhỏ quanh co sau những nếp nhà làm bằng đá ong. Làng cổ Đường Lâm hơn 400 tuổi dường như được khoác thêm tấm áo mới ngập tran không khí xuân và Tết.

Gần Tết Nguyên đán, người dân trong làng tất bật trang trí nhà cửa, chuẩn bị nguyên vật liệu để gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống để đón chào năm mới.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Vững luôn là điểm đến đầu tiên của du khách khi đến với Làng cổ Đường Lâm. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi nét kiến trúc cổ còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Từ hai tuần nay, bà Phan Thị Tâm đã dọn dẹp sân vườn, trang trí lại ngôi nhà, treo đôi câu đối trên hàng cột gỗ trước thềm và mua những khóm cúc chi, cành đào, thược dược… về trồng để chuẩn bị cho chương trình Happy Tết 2022.

Ngồi trước thềm nhà, vừa hướng dẫn du khách cách gói bánh chưng, bà Tâm vừa chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Đường Lâm, từ nhỏ đã được chứng kiến khung cảnh Tết truyền thống ở làng mình. Tôi vẫn nhớ như in cảnh những ngôi nhà ngập tràn sắc hoa, trẻ con diện quần áo mới chạy tung tăng, cả nhà cùng chuẩn bị lá dong, gạo nếp, thịt mỡ để gói bánh chưng trước thềm nhà.

Được Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm thông báo sắp có chương trình Happy Tết 2022, gia đình tôi cũng cố gắng chuẩn bị một cách tốt nhất nhằm tái hiện lại khung cảnh Tết truyền thống để đón tiếp khách tham quan. Chúng tôi mong sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận chân thực nhất về Tết Việt và đặc biệt là Tết xứ Đoài”. 

Ông Nguyễn Ánh Dương – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết tại làng cổ Đường Lâm, các đại sứ, đại biểu nước ngoài sẽ được trải nghiệm chân thực về Tết cùng những nét văn hóa cổ truyền của Việt Nam, qua đó góp phần lan tỏa vẻ đẹp của Hà Nội, Việt Nam tới gia đình và bạn bè.

Theo ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, việc đưa vào các trải nghiệm mới như tái hiện không gian Tết xứ Đoài, tham quan cánh đồng hoa, dịch vụ photo tour… mới được đưa vào gần đây sẽ mang đến nhiều “chất liệu” mới cho các sản phẩm của các doanh nghiệp lữ hành.

Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho rằng đây là dịp để bạn bè quốc tế hiểu hơn về những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của Việt Nam. Những vị khách đặc biệt này sẽ là “cầu nối” đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế”.

Chương trình Happy Tết 2022 với chủ đề Tết xứ Đoài được tổ chức tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thường niên tại Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán của dân tộc. 

Đ.N 

Về làng cổ Đường Lâm, ngắm cảnh yên bình khiến lòng người xao xuyến

Về làng cổ Đường Lâm, ngắm cảnh yên bình khiến lòng người xao xuyến

Hình ảnh cổ kính, mang nét xưa cũ của làng cổ Đường Lâm khiến nhiều người bồi hồi xúc động, nhớ về kí ức thuở thiếu thời, lớn lên bên cây đa, giếng nước, sân đình.