Ngay trước buổi triển lãm 'Những bức tranh từ Châu Âu trở về' diễn ra ngày 10/7 vừa qua, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính chân thực của những bức tranh xuất hiện trong buổi triển lãm này.

Ngày 10/7 vừa qua, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã diễn ra triển lãm Những bức tranh từ Châu Âu trở về, được giới thiệu là các tác phẩm của các danh họa từ Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương (gọi tắt là Mỹ thuật Đông Dương). Chủ nhân của BST là nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung.

Ông Vũ Xuân Chung trước đây vốn là một nhà sưu tầm cổ vật. Từ cơ duyên gặp cụ Hà Thúc Cần - người chuyên sưu tập tranh của các họa sĩ xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1993, ông đã nảy sinh tình yêu với lĩnh vực này. Sau khi gặp ông Jean Francoi Hubert (người Pháp) - người đang sưu tầm khá nhiều tranh của các danh họa xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, ông Vũ Xuân Chung muốn sưu tầm những bức tranh đang ở nước ngoài. Tới nay, ông đã mua được gần 20 bức tranh và theo lời ông Vũ Xuân Chung, các tác phẩm đều có chứng nhận bản gốc.

Tuy nhiên, ngay trước buổi triển lãm ngày, qua một số hình ảnh được giới thiệu, đã có dư luận về chất lượng của các tác phẩm của buổi triển lãm, thậm chí nghi vấn về tranh giả trong buổi triển lãm.

VietNamNet đã có cuộc gặp gỡ với ông Vũ Xuân Chung và ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM để tìm hiểu vấn đề này.

{keywords}
Ông Vũ Xuân Chung và ông Jean Francois Hubert (Ảnh: Thanh Niên)

17 bức tranh triển lãm là thật!?

Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Xuân Chung chia sẻ: "Năm 2012, tôi có cơ hội gặp ông Hubert  khi từ Pháp qua Việt Nam chơi. Ông ấy nói có rất nhiều tranh Việt Nam nên tôi mới đặt vấn đề có thể nhượng lại vài ba bức để tôi chơi, và ông ấy đồng ý".

Ông Chung không tiết lộ chi phí để mua các bức tranh và cho biết mục đích đầu tiên của việc triển lãm là để công chúng thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật, còn việc đấu giá các bức tranh thì ông chưa thể nói trước. 

"Tranh của Việt Nam sau này sẽ rất giá trị, tức là tranh của họa sĩ Đông Dương hiện nay còn sót lại sẽ rất đắt. Nói chung, tranh mỹ thuật Việt Nam hiện nay đang bán trên thế giới rất là đắt. Bức tranh 'Trên đỉnh đồi nhìn xuống' đấu giá tại Hong Kong của họa sĩ Lê Phổ đã bán tới 800.000 USD (khoảng 17 tỷ đồng)".

Trả lời câu hỏi về giá trị và nguồn gốc của các bức tranh, ông Chung chia sẻ: "Ông Hubert là người giám định tranh của cả thế giới, của tranh Việt Nam, đưa vào nhà cái Christie'e Hong Kong để bán đấu giá. Mua lại tranh của những người như thế thì mình rất tin tưởng, yên tâm 100%".

Khi được hỏi thông tin trong các bức tranh, có một số bức có các đường nét khác nhau dấy lên nghi vấn, ông Chung bày tỏ: "Ông Hubert là người thẩm định chính 17 bức tranh là thật. Ông là người trong hãng đấu giá, nếu ông đánh giá sai, cả một hệ thống Christie's Hong Kong sẽ đi theo một hướng khác. Còn khi đánh giá đúng, bức tranh có thể rất bình thường, nhưng đưa đi đấu giá ở Christie'e có thể lên tới 800.000 USD. Ông Hubert là người giám định tranh của Việt Nam, tức họa sĩ Đông Dương Việt Nam. Trong 17 bức tranh nà, đã có những bức bán đấu giá rồi" - Ông Vũ Xuân Chung khẳng định sự tin tưởng vào ông Francois Hubert.

Nếu xác định là tranh giả, bảo tàng sẽ ngừng triển lãm

Trao đổi với VietNamNet, ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm được và quan sát các thông tin phản ánh về chất lượng tác phẩm và nghi vấn tranh giả ở triển lãm vào sáng 11/7. Trước các thông tin nghi vấn, ông cho biết, Bảo tàng và ông Vũ Xuân Chung vẫn chưa có cuộc gặp gỡ để trao đổi về vấn đề này.

"Nếu xác định là tranh giả, bảo tàng sẽ có biện pháp không để cho triển lãm nữa vì không đúng với cam kết. Nhưng mà bây giờ, để xác định cái đó giả hay thật cũng là cả một vấn đề trong khi ông Chung đã có những giấy chứng nhận mới được triển lãm".

Trả lời về quy trình thực hiện triển lãm tại Bảo tàng, ông Yên cho biết: "Quy trình thực hiện các buổi triển lãm là người triển lãm sẽ đến đăng ký và nộp lại một bộ hồ sơ theo quy định. Dựa trên hồ sơ này, bảo tàng sẽ có cơ sở để đánh giá, xem xét về nội dung triển lãm, chất lượng nghệ thuật.

Sau đó, hội đồng khoa học bảo tàng sẽ xét từng tính nghệ thuật, nếu như đạt được tiêu chí mà bảo tàng đưa ra thì bảo tàng sẽ có biên bản họp hội đồng và đánh giá nhận xét về cái tác phẩm sau đó có một văn bản gửi về Sở văn hóa Thể thao đề xuất thời gian triển lãm và giấy phép.

Hội đồng khoa học gồm Ban giám đốc, cán bộ quản lý các phòng, họa sĩ nhưng để xác định các tác phẩm là thật hay giả, nguyên gốc thì hội đồng khoa học bảo tàng chưa đủ cơ sở, chỉ ở mức độ nào đó. Vì vậy, Bảo tàng yêu cầu bên nộp hồ sơ phải cam kết tranh đó là tranh thật. Ngoài cam kết này còn bằng sự tin tưởng, tin cậy và bằng tất cả văn bản mà phía đối tác có, bằng uy tín trong giới nghệ thuật".

{keywords}
Hình ảnh một trong các bức tranh trong bộ hồ sơ nộp tại bảo tảng Mỹ thuật TP HCM

{keywords}
Bản cam kết của ông Vũ Xuân Chung về quyền sở hữu và trách nhiệm trước công luận về nguyên gốc của các tác phẩm.

Ông Trịnh Xuân Yên cho biết ông Vũ Xuân Chung đã khẳng định các tác phẩm là thật, nguyên gốc để ông đi được triển lãm và ông có bộ hồ sơ từ các công ty đấu giá nổi tiếng trên thế giới chứng nhận. Bảo tàng đã đề nghị ông Chung cần công chứng dịch ra tiếng Việt cả 17 bức tranh này.

{keywords}

{keywords}
Văn bản chứng thực các tác phẩm được ông Yên cung cấp.

Trong Biên bản họp Hội đồng khoa học được ông Trịnh Xuân Yên cung cấp ghi ngày 16/6/2016, ngoài việc xem xét và cho phép triển lãm 17 tác phẩm của 7 tác giả, có nội dung kèm theo: "Tuy nhiên, Bảo tàng đề nghị nhà sưu tập tổ chức triển lãm chịu toàn bộ trách nhiệm trước công luận và có sự cam đoan về mặt văn bản với đối với tính nguyên gốc của các tác phẩm dự kiến triển lãm tại Bảo tàng".

{keywords}
Biên bản họp Hội đồng khoa học bảo tàng duyệt hồ sơ triển lãm.

Trả lời VietNamNet câu hỏi trách nhiệm của bảo tàng nếu như có tranh giả, ông Yên cho biết trước hết, bảo tàng sẽ ngưng triển lãm. Nói về trách nhiệm lớn hơn, trách nhiệm với công chúng, ông thừa nhận về mặt chuyên môn, bảo tàng sẽ phải rút kinh nghiệm làm sao tránh tình trạng những tác phẩm không phù hợp hoặc giả đưa vào bảo tàng.

"Bây giờ chưa có cơ sở để nhận xét các tác phẩm là giả. Nhưng chắc chắn bảo tàng sẽ có sự làm việc nếu liên hệ được với ông Chung để xác định. Dư luận thì như vậy nhưng mà người chủ vẫn có chứng cứ xác định đó là thật. Ví dụ như, ai nói nó giả, thì bây giờ lấy gì để chứng minh nó là giả, thì cái đó, bằng mắt thường cảm nhận về nghệ thuật thì đang là như vậy. Nhưng để đánh giá một bức tranh thật giả thì nó không đơn giản chút nào", ông Yên bày tỏ.

Trả lời câu hỏi, với năng lực chuyên môn về của Hội đồng khoa học của bảo tàng chỉ ở mức độ giới hạn, đây liệu có là kẽ hở đối với Hội đồng khoa học bảo tàng với những BST tiếp theo đưa tranh từ nước ngoài về Việt Nam, ông Yên cho biết:

"Ở góc độ làm triển lãm thì có thể có rút kinh nghiệm. Còn riêng về tranh bảo tàng thì chắc chắn hội đồng rất chi tiết, rất cụ thể. Hội đồng do Ủy ban Nhân dân Thành phố thành lập nên quy trình làm việc rất chặt chẽ. Còn những cuộc triển lãm, phía bảo tàng cũng rất kỳ vọng các đối tác làm đúng các nguyên tắc, quy trình triển lãm phù hợp".

Với năng lực chuyên môn của Hội đồng khoa học có giới hạn, sẽ có nguy cơ nhiều người có thể tuồn tranh giả và thông qua bảo tàng để có thể hợp thức hóa việc bán lại hoặc đấu giá tranh về sau, ông Yên cho hay với uy tín và hoạt động của bảo tàng thì có thể các nhà sưu tập cũng có ý đồ như vậy nhưng bảo tàng cũng đang hết sức cố gắng bằng mọi biện pháp để các trường hợp này không xảy ra.

"Về mặt nguyên tắc triển lãm, bảo tàng cũng rất muốn giới thiệu đến công chúng tất cả tác phẩm, thậm chí cả những tác phẩm giả nếu có vị trí không chính thống trong bảo tàng để khán giả theo dõi. Phải có cái đối trọng, có xem xét thì họ mới nắm được, còn nếu bây giờ chỉ một chiều không thôi thì rất khó. Bảo tàng cũng rất mong muốn sau này nếu có mặt bằng, bảo tàng sẽ mở để tất cả tranh sẽ được đưa vào đó triển lãm. Triển lãm để khán giả xem xét, đánh giá, còn thật giả sẽ có dư luận, công luận đánh giá".

Nhóm phóng viên