Ngày 1/3 tới đây, tại Khu di tích rừng và quốc gia Yên Tử, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh sẽ khởi công xây dựng lại phế tích Am Dược – nơi sinh thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông vô cùng chú trọng. 

Theo Cục di sản Bộ VHTT&DL, Cục đã đồng ý chủ trương xây dựng Am Dược từ năm 2010. Tuy nhiên, Cục cũng lưu ý một số vấn đề như: “Cần dọn sạch mặt bằng để phục hồi các cấp nền cũ; gia cố nền am, các bậc lên và tường đá còn lại để phục hồi mặt bằng công trình theo quy mộ hiện trạng, nhất là phần Tiền tế (Khối xây mới kết hợp hài hoà với các thành phần gốc được bảo tồn tại chỗ). Việc lựa chọn hình thức kết cấu cần căn cứ vào vị trí chân tảng hiện trạng, thu thập các chân tảng còn lại để nghiên cứu tái sử dụng”.

Những phiến đá cổ, phế tích còn lại của Am Dược xưa kia. 

Khu rừng nhiều cây thuốc quý

Theo các tài liệu nghiên cứu, Am Dược còn có tên khác là Am Thuốc nằm ở trên sườn dãy núi Thanh Long (Rồng Xanh) thuộc Khu di tích Yên Tử, TP.Uông Bí, Quảng Ninh. Xưa kia, nơi đây là nơi nghiên cứu bào chế thuốc của các tiền nhân. Các thảo dược ở Yên Tử được thu hái mang về, bào chế thành những viên thuốc Hồng ngọc sương. Những viên thuốc này không chỉ dùng để chữa bệnh cho các thiền sư tu hành tại Yên Tử mà còn cung cấp cho triều đình, ban phát cho dân nghèo. Trước khi về Yên Tử, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng am này. Đây cũng là nơi vua Trần Nhân Tông thực hiện ước mơ từ thời thơ bé, đó là tìm kiếm cây cỏ, dược liệu bào chế thuốc cấp phát cho dân, cứu trăm họ thoát khỏi bệnh tật tang thương khi dịch bệnh hoành hành. 

Với ý nghĩa như vậy, Am Dược là một di tích được nhắc tên nhiều trong quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, nhưng thực tế không nhiều du khách từng đặt chân tới đây bởi tuyến đường dẫn tới Am Dược hiện nay tương đối khó đi, các lối đi len lỏi trong rừng, chủ yếu là theo đường mòn, thưa vắng người qua lại. Hiện tại, nếu duy khách muốn tham quan lại di tích này, lối đi duy nhất sẽ từ chùa Một Mái rẽ ngang xuống các bậc đá nhỏ, phải mất tầm gần 1h đồng hồ. 

Việc tu bổ lại Am Dược được Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh mong đợi từ lâu tuy nhiên cho tới nay mới có nguồn kinh phí xã hội hoá để thực hiện. Đây cũng là mong mỏi của nhiều du khách yêu mến vùng đất Phật Yên Tử bởi tới đây, ngoài đi lễ Chùa Đồng, chiêm bái tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, họ còn biết thêm được một di tích mà thông qua đó càng hiểu rõ hơn tinh thần “thân an để tâm an’ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Khám phá Yên tử, một hành trình khám phá khác ngoài tâm linh 

Lối vào khu Am Dược rất khó đi, tuy nhiên, sau khi xây dựng xong khách hành hương tới đây thuận tiện hơn nhiều.

Thượng toạ Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban, Phó ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Theo truyền thuyết, Am Dược là nơi đạo sĩ An Kỳ Sinh (người Trung Quốc) luyện thuốc, đến thời vua Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành, ngài đã cho xây dựng Am Dược thành một xưởng bào chế thuốc. Các loại thảo dược quý của Yên Sơn và các vùng lân cận được chăm sóc thu hái, mang về điều chế thành thuốc “Hồng Ngọc Sương”. Những viên thuốc quý này dùng để chữa bệnh cho tăng sĩ, nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khó, không có tiền mua thuốc.

Phật pháp hay bất cứ điều gì cụ Trần Nhân Tông làm đều có ý nghĩa đó là cứu khổ độ sinh hay nói cách khác là đưa lại sự bình an cho nhân dân. Đó chính là tư tưởng dân an.

Việc xây dựng Am Dược này phục vụ cho việc chữa bệnh để thân thể bình an, từ đó mới có thể tu hành để mang lại hạnh phúc cho mình, cho người và cho toàn xã hội. Tư tưởng đó có từ truyền thống mấy nghìn năm Phật giáo trước đó. Cho nên, việc khôi phục lại Am Dược sau khi hoàn thành sẽ là nơi trồng rất nhiều cây thảo dược quý, cũng là nơi du khách có thể tới tham quan, tìm hiểu về các cây dược liệu, từ đó biết cách chăm sóc bản thân mình hơn để thân an thì tâm an. Hàng năm tại Yên Tử cũng có những khoá lễ ”.

Hàng năm, chư tăng chùa Yên Tử lập đàn Dược Sư trì tụng 7 ngày cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ cũng không nằm ngoài tư tưởng của Phật giáo.

“Yên Tử là nơi hội tụ của cả văn hóa, lịch sử và tự nhiên để hình thành một vườn cây thuốc cấp quốc gia. Dãy non thiêng này có cả một vườn thuốc quý giá, từ cây gừng gió, gừng tía có thứ tinh dầu rất quý có thể làm giảm đau nhức, cây hoa tiên giúp tan máu tụ rất hiệu quả đến cây phong một lá, dùng lá cây đun lên để tắm sẽ hết ngay cảm giác mệt mỏi, đau nhức xương khớp...

Vườn cây thuốc quốc gia đặt tại nơi đây sẽ không chỉ là nơi bảo tồn nguồn gien của loài thuốc quý. Khi kèm theo dịch vụ chăm sóc sức khỏe và du lịch, nơi đây sẽ tạo ra nguồn tài chính thường xuyên đảm bảo cho vườn thuốc phát triển bền vững”, PGS.TS Trần Văn Ơn chia sẻ.

Vườn thuốc và lò sấy thuốc dưới chân núi Yên Tử.

Theo Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, công trình dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành sơ bộ. Khi đó, đứng ở Am Dược, du khách hành hương có thể hướng tầm mắt ra biển, thấy thấp thoáng Hạ Long và những dải mây trắng bồng bềnh quấn quanh người mát lạnh, tâm hồn thanh thản lạ thường. Khách hành hương được thưởng ngoại cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, cả rừng trúc xanh bạt ngàn biếc mắt, đường tùng cổ thụ như một minh chứng lịch sử tạo nên một khung cảnh nên thơ và một gam màu đầy sống động cho bức tranh Yên Tử.

Tình Lê 

Khách đi lễ Yên Tử được phát khẩu trang miễn phí

Khách đi lễ Yên Tử được phát khẩu trang miễn phí

Dù không tổ chức khai hội như mọi năm nhưng vì là nơi đất Phật nên Chùa Đồng, Yên Tử vẫn có những tốp du khách hành hương về với chốn tổ linh thiêng.