Ngày 25/6, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị - hội thảo góp ý sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Hội thảo - hội nghị có sự tham dự của đại diện các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trong cả nước. 

Nghị định 89/2014/NĐ-CP ra đời là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh những cá nhân hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Điều này góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ - những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa hết mình cống hiến, say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật để thêm nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân.

{keywords}
NSND Công Lý, NSND Trung Anh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu do một số quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn như: Về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 89/2014/NĐ-CP; tiêu chuẩn giải thưởng quy định tại khoản 4 Điều 8 và khoản 4 Điều 9; số lượng thành viên hội đồng các cấp và cơ cấu thành phần hội đồng.

Vẫn câu chuyện quy đổi huy chương

Theo NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, người chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch trong âm nhạc có một vai trò vô cùng quan trọng. Họ đóng vai trò vừa là đạo diễn, vừa là nghệ sĩ trong mỗi chương trình. Tuy nhiên theo Nghị định xét tặng danh hiệu hiện nay đang là một thiệt thòi bởi họ không được tham gia một cuộc thi nào dẫn đến việc không thể có huy chương.

{keywords}
NSND Ngọc Khôi cho rằng, người chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch trong âm nhạc có một vai trò vô cùng quan trọng.

NSND Phạm Ngọc Khôi dẫn trường hợp của NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP.HCM làm ví dụ vì nhiều lần đưa hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND đều bị gạt đi bởi nguyên tắc nếu không có đủ huy chương thì không xét.

Chính sự thiệt thòi này, tài năng của họ thực tế hiện nay chỉ được đánh giá thông qua các đồng nghiệp, khán giả và các lãnh đạo nhưng nếu xét về những yêu cầu về danh hiệu hay giải thưởng hoàn toàn "bế tắc".

"Tôi đề nghị với những người tham vai trò chỉ huy âm nhạc cần có một chế tài riêng. Mức quy đổi từ Huy chương Vàng nên để bằng một chứ không thể để như mức 2/3 như hiện nay", NSND Phạm Ngọc Khôi đề nghị.

NSƯT Nguyễn Quang Thập - Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình cũng không hài lòng khi trò của chỉ đạo nghệ thuật ở lĩnh vực sân khấu bị xem nhẹ. Dù trong bản quy đổi đã thêm thành phần giải thưởng xuất sắc nhưng lại bỏ đi một số chức danh như đạo diễn âm thanh, ánh sáng. Trong khi đó hiện nay đạo diễn âm thanh, ánh sáng đã được ĐH Sân khấu Điện ảnh đưa vào ngành học chính thức.

"Vậy có được coi là làm nghệ thuật hay hoạt động nghệ thuật không? Đặc biệt hiện nay đã là thời đại 4.0 vai trò của của âm thanh, ánh sáng đóng một vai trò quan trọng", NSƯT Nguyễn Quang Thập đặt câu hỏi.

NSƯT Nguyễn Quang Thập cho rằng đối với sân khấu truyền thống, chỉ đạo nghệ thuật là người đầu tiên tiếp cận với nghệ thuật và đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

"Ban soạn thảo nên cân nhắc vai trò của của chỉ đạo nghệ thuật trong việc xét tặng danh hiệu. Nếu việc quy đổi Huy chương Vàng không tương đương một cũng phải bằng 3/4 chứ không phải là 1/3 như hiện nay. Hiện nay những người chỉ huy biểu diễn sân khấu thường là những nghệ sĩ có tên tuổi, chuyên môn cao nếu bỏ qua là bất công" NSƯT Nguyễn Quang Thập bày tỏ.

Thu hồi danh hiệu NSND, NSƯT nếu nghệ sĩ vi phạm

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, việc quy đổi, giảm mức quy đổi huy chương, giải thưởng của các hội chuyên ngành sang huy chương, giải thưởng quốc gia khiến các nghệ sĩ, ban tổ chức các liên hoan, hội diễn chuyên ngành "tự ái" nhiều năm nay. Vì nhiều kỳ cuộc do các hội chuyên ngành tổ chức, chất lượng, tiêu chí còn khắt khe hơn. Chưa kể, các kỳ cuộc cấp quốc gia cũng đều do các nghệ sĩ chuyên ngành chấm chọn nhưng lại hoạt động chuyên ngành lại bị đánh giá thấp hơn.

Theo NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý của nhà nước trao tặng do đó chỉ nên dành cho các nghệ sĩ xuất sắc. Không nên tính tới việc quy đổi huy chương với xét tặng danh hiệu cao quý này. "Cái gì khó, đắt, thì mới quý" NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh.

Ngoài ra, NSƯT Xuân Bắc cùng đề nghị bổ sung quy định về việc thu hồi danh hiệu hoặc có hình thức xử lý phù hợp khác. Cụ thể, các nghệ sĩ vi phạm trong trường hợp sau khi được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã có các vi phạm, sai phạm mà phải xử lý hình sự hoặc có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng đến cộng đồng xã hội.

{keywords}
NSND Hoàng Dũng cho rằng nên thu hồi danh hiệu nếu nghệ sĩ vi phạm 

Đồng quan điểm, NSND Hoàng Dũng cũng bày tỏ sự ủng hộ việc bổ sung quy định thu hồi danh hiệu. Bên cạnh đó, NSND Hoàng Dũng cho rằng, các quy định hiện chặt chẽ hơn, nhưng khi áp dụng lại nảy sinh một vài lỗ hổng. Chẳng hạn như lĩnh vực sân khấu, Huy chương Vàng là của cá nhân, Huy chương Bạc cũng là của cá nhân. Ngày trước khi vở diễn được Huy chương Vàng thì đương nhiên đạo diễn được Huy chương Vàng, nhưng bây giờ theo bản thảo bổ sung, sửa đổi đạo diễn phải có Huy chương Vàng cá nhân.

Thế nhưng, trong quy chế chấm giải thưởng của Bộ VHTT&DL lại không có giải thưởng cho đạo diễn. Cùng lắm tại hội diễn, có khoảng 30 tiết mục sẽ chọn ra một đạo diễn xuất sắc nhất và như thế được tính là một Huy chương Vàng và không được quy đổi nữa, như vậy đạo diễn sẽ rất thiệt.

"Với một hội diễn một vở có thể giành tới 3 Huy chương Vàng, nhưng đạo diễn lại không được quy đổi. Chính vì vậy đạo diễn muôn đời không có giải thưởng cá nhân. Trong khi đó mỗi tác phẩm nghệ thuật vai trò đạo diễn rất quan trọng, sự thành công hay thất bại của tác phẩm có một phần quan trọng ở vai trò đạo diễn", NSND Hoàng Dũng nói.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, rất đồng tình với những ý kiến của các đại biểu, đồng thời chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổng hợp đầy đủ những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn chỉnh hơn nữa dự thảo. Những nội dung sửa đổi, bổ sung Thứ trưởng yêu cầu cần được làm rõ để hội đồng các cấp dễ thực hiện.

Chẳng hạn, phải làm rõ thế nào là "trường hợp đặc biệt", hoặc tiêu chí được coi là trường hợp đặc biệt để Hội đồng các cấp xem xét, đánh giá đạt các danh hiệu NSND, NSƯT để hội đồng xét tặng có cơ sở xem xét, biểu quyết và trình Thủ tướng Chính phủ, tránh việc lạm dụng, bổ sung quá nhiều trường hợp đặc biệt. 

Tình Lê 

Nghệ sĩ Trung Anh, Công Lý chính thức được Chính phủ đề nghị xét tặng NSND

Nghệ sĩ Trung Anh, Công Lý chính thức được Chính phủ đề nghị xét tặng NSND

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa ký Tờ trình số 898/TTr - TTg gửi Chủ tịch nước đề nghị phong tăng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ.