"Quả thật, có một sự thẩm thấu tự nhiên như nhập thần. Khi diễn tôi không hề nhại tiếng Bác nhưng người nghe vẫn cảm nhận như Bác nói. Đó là sự nhập thần, khi hồn người sống trong ta” - nghệ sỹ Đức Trung kể.


Từ sau vở cải lương Người công dân số một năm 1976, đến nay đã có hơn 100 kịch bản ngắn, dài đủ các thể loại chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, kịch dân ca viết về Người.

Đọc lời thoại như nhập thần

{keywords}

NSƯT Lê Đức Trung chia sẻ, ba lần thể hiện hình tượng Bác Hồ với 3 thể loại khác nhau: kịch nói (Lịch sử và nhân chứng), nhạc vũ kịch (Giai điệu tháng 5) và phim truyền hình (Bác Hồ sống mãi với vùng than) là một vinh dự lớn để đời, giúp ông được trải nghiệm những bài học quý giá, những suy nghĩ, trăn trở của quá trình nghiên cứu, rèn luyện để sáng tạo nên cốt cách một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Nhớ lại cách nay hơn 30 năm, khi nhận vai thể hiện hình tượng Bác, nghệ sĩ Đức Trung đã rất lo lắng, hồi hộp và tự hào. Ngoài việc nghe các đồng chí lãnh đạo, thư ký, cận vệ của Bác nói chuyện, ông còn phải đọc tác phẩm của Bác, tác phẩm viết về Bác.

“Có những đêm tôi ra giữa sân bóng đá tập nói lời thoại kịch để tập trung cao độ và không ảnh hưởng đến ai, mượn từ viện lưu trữ tư liệu để nghe những bài nói chuyện của Bác với các đối tượng thành phần và độ tuổi khác nhau, rút ra những đặc điểm khí chất, ngữ điệu ứng với từng nội dung, từng đối tượng.

Có nhiều đêm tôi nghe cả cuộn băng cối dài 2 - 3 tiếng đồng hồ rồi thiếp đi trong giấc ngủ mà vẫn văng vẳng bên tai lời Bác nói. Quả thật, có một sự thẩm thấu tự nhiên như nhập thần, khi diễn tôi không hề nhại tiếng Bác nhưng người nghe vẫn cảm nhận như Bác nói. Đó là sự nhập thần, khi hồn người sống trong ta” - nghệ sỹ Đức Trung kể.

Bị mắng nhầm vì nhái giọng nói Bác quá đạt

{keywords}

NSND Tiến Thọ kể một kỉ niệm khó quên khi đóng vai Bác Hồ trong vở “Không còn con đường nào khác” do Nhà hát Tuồng TW dàn dựng bởi ông đã bị mắng vì diễn quá đạt.

Ông kể, vở diễn có đoạn Bác Hồ xuất hiện trên sân khấu với giọng nói ấm áp “Bác đây, Bác đây”. Nghệ sĩ Tiến Thọ bước ra sân khấu, cũng diễn đúng như kịch bản, lẽ ra, bạn diễn của ông, nghệ sĩ Mẫn Thu khi nhìn thấy Bác cũng phải xúc động mà thốt lên “Bác!”.

“Nhưng không, Mẫn Thu cứ đứng ngây ra nhìn, tôi cứ chờ bạn diễn nói để thoại tiếp mà chờ mãi chờ mãi. Phải mất khá lâu Mẫn Thu mới thốt lên được từ “Bác” và lớp tuồng diễn ra bình thường”, NSND Tiến Thọ kể.

Sau khi vở diễn kết thúc, Mẫn Thu mới thổ lộ là tại hóa trang giống quá và tôi thì thể hiện vai diễn quá đạt nên Thu ngỡ ngàng, cứ dưng dưng tưởng được gặp Bác thật.

“Lần khác, khi biểu diễn cũng vở này tại Cung thiếu nhi Hà Nội, kết thúc vở diễn, đồng chí Văn Phác, lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ VH TT&DL đã gọi tôi góp ý. Ông bảo: 'Khi diễn vai Bác Hồ thì diễn viên phải tự nói lời thoại, không được dùng băng ghi âm'. Khi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, giáo sư Hoàng Chương đã vội thanh minh cho tôi rằng: 'Thưa anh, giọng nói vừa rồi trên sân khấu không phải là từ băng ghi âm mà chính là do Tiến Thọ nói', NSND Tiến Thọ nhớ lại.

NSND Tiến Thọ cho hay dù chỉ xuất hiện ít trên sân khấu nhưng để thể hiện thành công hình tượng Bác là cả một quá trình tập luyện công phu và phải có tình cảm thực sự thì mới có thể đóng vai Người thật thành công.

T.Lê