"Cách đây hai năm, ngoài công việc giảng dạy, tôi có kinh doanh thêm nhưng thực sự, kinh doanh không đơn giản mà cần rất nhiều thời gian, tâm huyết".

Lê Anh Dũng là gương mặt được khán giả yêu mến ở dòng nhạc thính phòng và trữ tình, đặc biệt là các khán giả phía Bắc. Anh sẽ là gương mặt mới trong Điều còn mãi 2016 - chương trình Hòa nhạc đặc biệt của báo VietNamNet tổ chức vào ngày Quốc khánh 2/9 năm nay. 

Với sự hứng khởi khi được tham gia chương trình yêu thích từ nhiều năm qua, ca sỹ Lê Anh Dũng đã có những chia sẻ với VietNamNet về công việc cũng như cuộc sống gia đình đáng mơ ước khi tổ ấm của anh có sự đồng điệu đặc biệt trong âm nhạc.

Mong tài năng trẻ nhạc cổ điển sẽ có mặt ở Điều còn mãi

Cảm xúc của anh ra sao khi nhận được lời mời tham gia chương trình hòa nhạc đặc biệt Điều còn mãi 2016?

Tôi biết và theo dõi chương trình Điều còn mãi đã nhiều năm và rất vinh dự lần đầu tiên tham dự chương trình. Tôi nhận lời mời khoảng một tháng trước và thấy hạnh phúc khi được hát với dàn nhạc giao hưởng hoành tráng số một của Việt Nam, cũng như là Đông Nam Á. Đã quen thuộc với nhiều sân khấu và từng đứng trước dàn nhạc giao hưởng, nhưng tôi có một chút hồi hộp với Điều còn mãi vì thấy mình có một trọng trách rất lớn lao khi biểu diễn trên sân khấu lớn trong ngày Quốc khánh 2/9. 

Tôi sẽ hát Tình ca Tây Bắc, một ca khúc về miền núi Tây Bắc cùng nữ ca sĩ Thành Lê và Chào sông Mã anh hùng - ca khúc nổi tiếng về chính quê hương Thanh Hóa nơi mình sinh ra. Với Tình ca Tây Bắc, tôi và Thành Lê đã hát trong chương trình Bài hát yêu thích số cuối cùng và được chọn là hai ca sĩ thể hiện ca khúc hiệu quả và giành được nhiều tình cảm của quý vị khán giả. Chào sông Mã anh hùng là một ca khúc nặng về hát thính phòng cổ điển khoe giọng. Tôi đã hát bài này khá nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tiên Chào sông Mã anh hùng được biển diễn trên một sân khấu lớn có tầm vóc của đất nước. 

Ca khúc hợp ca cuối cùng Đất nước trọn niềm vui giống hy vọng sẽ mang lại hiệu ứng tốt cho không khí ngày Quốc khánh.

{keywords}
Nam ca sĩ ăn mặc lịch lãm đúng như với dòng nhạc trữ tình mà anh đang theo đuổi

Anh sẽ làm mới hai ca khúc sẽ thể hiện trong Điều còn mãi năm nay?

Tôi là một ca sĩ dòng nhạc trữ tình nên cách hát không quá trưng trổ, khoe giọng mà thiên về cái tình cảm đi vào chiều sâu. Năm nay, tôi được làm việc với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - một nhạc sĩ phối khí hàng đầu Việt Nam nên hy vọng bản phối của anh sẽ tạo cái luồng sinh khí mới, hiệu ứng mới cho hai ca khúc. Tôi tin tưởng và thích cách hòa âm phối khí sang trọng, tinh tế, không quá nặng nề của anh. 

Không phải ca sĩ nào cũng có thể thành công được với hai dòng nhạc thính phòng và trữ tình, anh có cảm thấy mình may mắn không?

Đúng là như vậy, tôi học về thính phòng nhưng định hướng âm nhạc tôi chọn cũng như thành công lại ở dòng nhạc trữ tình từ đạt giải nhất giọng hát hay Hà Nội năm 2004 và sau đó 3 giải thưởng lớn ở Sao Mai 2007. Điều đó chứng tỏ con đường của tôi là đúng đắn và được khán giả đón nhận. 

Đi theo dòng nhạc trữ tình, nhưng anh vẫn là một thầy giáo ở Nhạc viện, đó cũng là một cách để anh "nuôi" được giọng thính phòng bằng việc giảng dạy?

Trong trường, tùy theo giọng, các em sẽ theo học từng thầy để phát huy điểm mạnh và hướng theo dòng nhạc phù hợp. Tôi không bị sức ép về bài vở hay phải dạy về thính phòng nhưng vẫn phải đảm bảo do tôi được đào tạo về thính phòng cổ điển, nên tôi vẫn kết hợp được giữa thính phòng, cổ điển với dòng nhạc trữ tình.

Các em hiện nay đang đi theo xu hướng bán cổ điển, hát nhẹ nhàng và truyền cảm, ít chất đanh thép. Thực ra, dòng nhạc trữ tình phù hợp với giọng của người Việt Nam nói riêng, người Châu Á nói chung. Dòng cổ điển, thính phòng thực ra không hợp lắm vì cấu tạo cổ họng người Châu Á khác người Châu Âu nên là phần lớn các học sinh theo lối nhạc thính phòng nhẹ nhàng hơn opera cổ điển.

Đó có liệu là một cái bất lợi khi muốn phát triển dòng nhạc cổ điển ở Việt Nam?

Chúng ta có sự chọn lọc, phân loại, phân dòng khi thí sinh thi đầu vào. Những giọng nào có khả năng tố chất về cổ điển và opera bộc lộ ở chất giọng khỏe khoắn thì sẽ hướng và đào tạo sâu về dòng ấy, giọng mềm mại, nhẹ nhàng, trữ tình thì hướng đi theo dòng thính phòng và những ca khúc romance Việt Nam.

Số lượng các em theo dòng nhạc cổ điển opera rất hiếm, gần như khóa đào tạo 8 năm tìm ra được 1 đến 2 em là nhiều, còn gần như là không có. Nếu phát hiện được ai là sẽ được các thầy hàng đầu về đào tạo opera như Giáo sư - NSND Trung Kiên hay là PGS Ngọc Lan hướng dẫn. Các em đấy còn được đầu tư cho đi học nước ngoài. 

Tôi mong Điều còn mãi sẽ tạo điều kiện để các tài năng xuất sắc của dòng nhạc cổ điển và opera trong các trường nghệ thuật vì các em có rất ít điều kiện thể hiện cùng những dàn nhạc lớn. Bản thân chúng tôi cũng đặt niềm tin và xây dựng cầu nối để các em được xuất hiện và thử sức.

{keywords}
Lê Anh Dũng hiện là giảng viên ở Học viện âm nhạc quốc gia.

Biết đâu vợ thành sao nổi hơn mình

Công việc và cuộc sống của hai vợ chồng anh hiện nay ra sao?

Cách đây hai năm, ngoài công việc giảng dạy, tôi có kinh doanh thêm nhưng thực sự, kinh doanh không đơn giản mà cần rất nhiều thời gian, tâm huyết. Đam mê không thể bỏ được, việc kinh doanh không được như mong muốn nên tôi đã nghỉ, chỉ tập trung biểu diễn và giảng dạy.

Vợ tôi vẫn là nhân viên của ngân hàng, hát rất hay và đã biểu diễn trong một vài chương trình. Hiện tại, vợ tôi cũng đang tham dự một số cuộc thi. Không biết là có duyên với nghề hát hay không nhưng tôi cũng không quá nặng nề về việc cấm đoán vợ. Nếu vợ phát huy được khả năng đến đâu thì mình ủng hộ. Là một nghệ sĩ, mình hiểu được đam mê đó, biết đâu cô ấy trở thành một ngôi sao còn nổi hơn mình thì sao (cười). 

Vợ anh vừa làm công việc hành chính rồi lại đi thi hát, nếu sau này lại trở thành ca sỹ thì đó có phải một khó khăn với cuộc sống gia đình không? Vợ anh sẽ phải lựa chọn giữa 2 công việc?

Khi cô ấy đi thi mà có giải thưởng và muốn theo nghề ca sỹ chuyên nghiệp, thì sự thay đổi công việc cũng rất là bình thường. Tôi cũng không quá nặng nề phải bắt vợ mình làm công việc nhà nước, giỏi việc nước đảm việc nhà mà luôn tạo cái sự thoải mái nhất trong đời sống vợ chồng. Tôn trọng sự đam mê, tức là để cô ấy làm những cái gì thích nhất thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. 

Sau này, nếu hai vợ chồng cùng làm ca sĩ, việc cân đối thời gian cho con cái là điều tôi và vợ cũng đã nghĩ. Ở góc độ bản thân, tôi luôn luôn ý thực việc cân đối giữa công việc và gia đình là số 1, không quá ham hố địa vị, danh vị. Chính vì vậy, mọi người thấy tôi không quá ồn ào, sôi nổi vì biết cân đối giữa công việc và gia đình. Không cân đối được trong cuộc sống thì dễ dẫn đến cái việc bất ổn trong gia đình. Vợ tôi đều nắm bắt được cách sống và cách nghĩ của tôi. Sau này, nếu cô ấy không nghĩ được, làm được thì bạn cũng biết kết quả như nào rồi. 

Lập gia đình được  6 năm rồi, anh thấy mình trưởng thành nhất ở điểm gì và bài học lớn nhất mà anh học được gì từ vợ?

Tôi thấy mình trưởng thành nhất là việc sống có trách nhiệm với gia đình, vợ con, còn bài học từ vợ chính là sự đam mê quyết liệt. Tôi học được nhiều từ điều ấy vì sau gần chục năm làm nhà nước, cô ấy vẫn đam mê thử sức lại với âm nhạc. Thực ra, tôi cũng đã nhiều lần cản và phân tích với cô ấy nhưng đôi lúc cũng suy nghĩ, mình có hơi áp đặt quá không. Mình cũng theo nghiệp ca hát nhờ đam mê, mà vợ mình có tài năng thì sao không để cô ấy thử sức. 

Vợ tôi rất quyết liệt với đam mê và tôi phục vì chính tôi cũng đang thiếu cái đấy. Phương châm sống của tôi là sự cân bằng, nên tôi phải giảm bớt cái nhiệt với nghề để có được hai thứ: sự nghiệp và gia đình. Đến bây giờ, về mọi mặt, tôi thấy mình cũng khá là thành công đối với cuộc sống của một người nghệ sĩ, với 2 con, một trai và một gái, gia đình luôn hòa thuận. Đó cũng là cách sống của tôi và hy vọng sau này dù có như thế nào cũng sẽ cân đối được cuộc sống gia đình và công việc. 

{keywords}

Vợ chồng ca sĩ Lê Anh Dũng - Lê Trinh (ảnh nhân vật cung cấp).

Dự định và kế hoạch cuối năm của anh cũng như cái sự hỗ trợ của anh đối với vợ theo đuổi nghiệp ca sỹ? 

Từ giờ tới cuối năm tôi đang dự định cho ra hai album, một phát hành chính thức và một cái phát hành online. Một album về dòng nhạc trữ tình, một là nhạc xưa. Vợ tôi đang dự thi cuộc thi Solo cùng Bolero và đã vào tới vòng Chung kết. 

Tôi sẽ ủng hộ vợ hết mức trong cái khả năng của mình, còn thành công hay không, thành hay bại còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố và cả cái duyên nữa. Tôi hay nói với học sinh rằng, thành sao hay không nó đã có cái số rồi nên cũng đã nói với vợ mình như vậy. Dòng nhạc vợ tôi theo đuổi là dòng nhạc Bolero. Giọng vợ tôi có chất và màu rất sang mà khán giả, người nghe giọng đánh giá có triển vọng và khá lạ.

Anh có một lời chúc nào đối với một chương trình Điều còn mãi năm nay và kỳ vọng đối với chương trình những năm tiếp theo?

Điều còn mãi năm nay là lần đầu được tiên tôi được tham gia nên rất mong và chúc cho chương trình sẽ thành công rực rỡ, có những điểm nhấn ấn tượng so hơn với những lần trước. Tôi hy vọng chương trình Điều còn mãi sẽ trở thành một trong những chương trình điểm nhấn của âm nhạc Việt Nam và sẽ trở thành sân khấu cực kỳ uy tín, chất lượng với dòng nhạc bác học opera, thính phòng.

Chương trình hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi" 2016 sẽ trở lại với công chúng yêu nhạc vào 14 giờ, ngày Quốc khánh 2/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên VTV3, tiếp sóng trên VietNamNet. "Điều còn mãi 2016" dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn do báo VietNamNet tổ chức với sự đồng hành của Tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Các ca sĩ Đăng Dương, Tùng Dương, Hồng Vy, Lê Anh Dũng, Thành Lê, Dàn hợp xướng ĐHSPNT Trung ương sẽ đồng hành cùng "Điều còn mãi 2016".

{keywords}

Linh Linh