"Dù đâu đó vẫn còn những hiện tượng nhức nhối chưa thể thay đổi nhưng nhìn chung tình hình lễ hội năm nay diễn ra văn minh, quy củ", ông Đinh Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH TT&DL.

Tiền lẻ, 'chặt chém' du khách hạn chế

Mùa lễ hội năm 2015 đã bắt đầu từ mùng 4 Tết. Những ngày sau Tết, từng dòng người lũ lượt kéo nhau đổ về quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Thời tiết nắng ấm, phong cảnh đẹp nên dù phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ, người dân vẫn quyết tâm xếp hàng chờ đến lượt được lên thuyền, không chen lấn xô đẩy.

Xưa nay dân ta luôn tâm niệm “đầu năm vay Bà cuối năm trả nợ” nên những ngày đầu năm Ất Mùi, hàng vạn người nô nức đổ về Đền Bà Chúa Kho làm lễ vay lộc rơi lộc vãi, hy vọng có một năm làm ăn phát đạt. Không như những năm trước, năm nay đốt vàng mã ở Đền Bà Chúa Kho giảm hẳn.

{keywords}
Lễ hội Chùa Hương diễn ra trật tự.

Mùng 6 Tết (24/2), hơn 6.000 người đổ về chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để khai hội. Dù lượng khách khá đông nhưng lại trật tự hơn hẳn những năm trước, tình trạng chen lấn xô đẩy đã không diễn ra. Không xảy ra việc các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các nhà hàng ăn uống, gây mất trật tự, mỹ quan. Hiện tượng bày bán thịt thú rừng ở các quán ăn, treo thịt sống gây phản cảm cũng không còn như mọi năm.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, một số người cố tình bán thịt thú rừng lén lút đã bị lập biên bản, thu giữ hàng hóa, xử phạt tại chỗ. Dịch vụ 'chặt chém' du khách cũng không còn, duy chỉ có vào trong suối Yến thì còn có một vài hộ kinh doanh 'hét' giá gửi xe.

Kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến 16 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, lễ hội Cổ Loa đã được mở cửa tại khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Lễ hội có sự tham gia của 8 làng với những màn rước lớn và nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, đánh đu, múa võ, đấu cờ người, chọi gà…

Mặc dù đâu đó như Đền Gióng vẫn còn hiện tượng chen lấn xô đẩy, cướp kiệu hoa tre gây cảnh hỗn loạn nhưng nhìn chung, qua nhiều lễ hội diễn ra suốt từ mùng 4 Tết tới nay, tình hình lễ hội đã có những chuyển biến rõ nét.

Chủ thể văn hóa đi lễ văn minh hơn

Trước khi diễn ra các lễ hội, những ngày cận Tết, Bộ VH TT&DL đã thông báo các kế hoạch chỉ đạo cụ thể tới từng ban ngành, địa phương để làm tốt các công tác lễ hội. Bộ VH TT&DL đã chỉ đạo các địa phương bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH TT&DL đánh giá công tác tổ chức lễ hội của các địa phương đầu năm 2015 là khá tốt. "Các địa phương và các BQL di tích năm nay đã chấp hành cơ bản công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Các cấp ủy địa phương đã coi công tác đảm bảo an ninh trật tự trang nghiêm nơi tổ chức lễ hội là nhiệm vụ không thể thiếu", ông Thành cho biết.

Ông Thành cũng thông tin rằng, năm nay Thanh tra Bộ hoàn toàn thanh tra đột xuất những nơi tổ chức lễ hội mà là điểm nóng của dư luận nhiều năm. Hiện tượng đặt tiền lẻ, đổi tiền lẻ, ý thức tham gia lễ hội của người dân được cải thiện đáng kể. "Duy chỉ có 3 nơi thờ tự là Chùa Keo (Thái Bình), Đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Núi Bà Đen (Tây Ninh) là còn có hiện tượng lén lút đổi tiền lẻ nhưng Bộ đã có thông tin và đã gửi công văn nhắc nhở 3 địa điểm này", ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, tình hình lễ hội năm nay có nhiều chuyển biến phần vì công điện chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, phần vì quyết định tăng cường thanh tra đột xuất chứ không 'trống giong cờ mở', phần vì ý thức của người dân năm nay đã cải thiện, phần nữa vì truyền thông đã tích cực vào cuộc chỉ ra những hành vi sai trái, không đẹp ở lễ hội. Hiện tượng ùn tắc, mất vệ sinh môi trường không còn nữa, duy chỉ có hiện tượng cướp hoa tre ở Hội Gióng là đang gây tranh cãi.

"Mặc dù Sở Văn hóa Hà Nội phối hợp với Phòng văn hóa địa phương đang tiến hành xử lý các hành vi đánh lộn gây mất trật tự nơi lễ hội nhưng vấn đề này cũng đang gây tranh cãi. Đúng là tục cướp hoa tre có từ lâu đời, trước kia thì chỉ có các cụ già tham gia cướp, nhưng giờ lớp trẻ cũng tham gia vào nên có phần quyết liệt hơn, vậy nên vấn đề ở Hội Gióng cần phải được nghiên cứu kỹ", ông Thành chia sẻ.

Cũng theo Thanh tra Bộ thì việc thanh tra đột xuất rất có hiệu quả trong việc đánh giá thực hiện các công tác quản lý và tổ chức lễ hội của địa phương, để theo đó có thể chấm điểm một cách công bằng nhất cho các đơn vị tổ chức lễ hội. Thanh tra Bộ cứ theo bảng điểm đánh giá thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ VH TT&DL ban hành mà tiến hành chấm điểm các đơn vị tổ chức lễ hội.

Ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn Bộ VH TT&DL:

Vẫn còn hiện tượng cướp lộc, cướp đồ lễ thiếu văn minh!

"Theo năm tháng, ý thức của người dân càng lên cao, người dân - chủ thể văn hóa đi lễ hội cũng văn minh hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hiện tượng cướp lộc, cướp đồ lễ vật thiếu văn minh như ở Đền Trần, Hội Gióng,... Ngày trước, tục cướp lộc khác, người ta có thể chen lấn xô đẩy để cướp nhưng dù có cướp được hay không, người dân cũng hồ hởi chuyện trò, có khi còn san sẻ lộc cho nhau. Không như bây giờ, người ta giành giật, ẩu đả nhau để cướp lộc. Vấn đề này thuộc về trách nhiệm giáo dục của từng gia đình đối với con em mình. Đừng quá mê tín mù quáng để làm xấu đi hình ảnh lễ hội thiêng liêng có từ ngàn đời của ông cha ta".

T.Lê