"Cần đặc biệt tuyên truyền triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XII, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Mặt khác cũng phải chú trọng rà soát việc xuất bản theo đúng quy định của Luật xuất bản để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót vi phạm", Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Sáng 22/3 đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác xuất bản phát hành năm 2016 tại TP HCM với sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban ngành hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Tham dự hội nghị có ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, bà Lâm Phương Thanh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW.

{keywords}
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (thứ 2 từ trái sáng) tham dự Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2016.

Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành 2016 ngoài việc trình bày tổng kết những hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ 2016, còn có phần trình bày tham luận nâng cao công tác xuất bản của các đơn vị xuất bản. Bên cạnh đó, lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra các ý kiến chỉ đạo lĩnh vực xuất bản. 

Những điểm tồn đọng cần giải quyết

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đề cập đến việc quy hoạch xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng nhưng nhiều địa phương chưa nhìn nhận được tầm quan trọng. Thứ trưởng đề nghị Cục xuất bản phối hợp với các địa phương để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch.

"Một đất nước gần 90 triệu dân mà không có người viết sách cho trẻ em là một việc không bình thường, chưa kể sách khoa học, công nghệ chuẩn bị cho kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nêu ra vấn đề quy hoạch sách điện tử trước thực trạng sách điện tử ở nước ta mới xuất hiện, còn manh mún, nhỏ lẻ.

Với hoạt động xuất bản, Thứ trưởng chỉ đạo các NXB tiếp tục đẩy mạnh phát hành các xuất bản phẩm đáp ứng  yêu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân. "Cần đặc biệt tuyên truyền triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XII, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Mặt khác cũng phải chú trọng rà soát việc xuất bản theo đúng quy định của Luật xuất bản để hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót vi phạm", Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Về việc cấp, đổi giấy phép thành lập NXB, Thứ trưởng cho biết đến nay Bộ TT&TT đã cấp giấy phép thành lập cho 30 NXB, như vậy vẫn còn 30 NXB chưa có giấy phép theo quy định. Thứ trưởng yêu cầu các NXB đã được cấp giấy phép thành lập tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, phát triển. Các cơ quan chủ quản hỗ trợ đến mức tối đa trong điều kiện cho phép. Các nhà xuất bản chưa được cấp giấy phép, cần kiến nghị đến các cơ quan chủ quản để rà soát, bổ sung các điều kiện còn thiếu để hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Bộ TT&TT cấp giấy phép trong thời gian sớm nhất.

Trước thắc mắc về quy định vốn pháp định 5 tỷ với nhà xuất bản là không hợp lý, Thứ trưởng giải thích quy định vốn pháp định 5 tỷ là ý tốt của các cơ quan quản lý để giúp cơ quan chủ quản quan tâm đến các NXB hơn, để các NXB có vốn ban đầu hoạt động nhưng ở nước ta có quá nhiều loại hình NXB, có NXB hoạt động đơn thuần như một doanh nghiệp, có nơi như một đơn vị sự nghiệp. Chính vì vậy quy định như thế là không phù hợp, mà không phù hợp là phải tháo gỡ chứ không phải bắt người ta thực hiện”.

Về vấn nạn sách in lậu, xâm phạm tác quyền, Thứ trưởng thừa nhận đây là vấn đề không có dấu hiệu giảm mà thậm chí này càng phức tạp. Đây là vấn đề mà các đơn vị xuất bản liên tục gặp phải trong nhiều năm qua và phải gồng lên nhưng áp lực sách lậu vẫn là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua. Ông đề nghị các nhà xuất bản cần nêu chi tiết những điểm yếu của từng đơn vị và quá trình khắc phục, giải quyết để nắm rõ tình hình hơn trong các hội nghị lần sau.

Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh, các nhà xuất bản cần phải đầu tư lột xác mạnh mẽ hơn, để thay đổi tình trạng hiện nay là các NXB đang thay đổi khá yếu ớt trong khi công ty, nhà sách tư nhân đang chiếm thế mạnh với mục tiêu tập trung là lợi nhuận, vì vậy cần phải đảm bảo được tính định hướng của Đảng trong công tác phát hành.

“Chúng ta biết rằng hiện này có khoảng 70% xuất bản phẩm là sản phẩm của liên kết xuất bản, điều này làm cho xuất bản ngày càng phát triển phong phú đa dạng nhưng có vấn đề là các công ty, nhà sách tư nhân làm sách dù đàng hoàng và có ý tưởng tốt thì mục tiêu cuối cùng cũng hướng tới lợi nhuận chủ yếu, điều đó là đương nhiên. Như vậy chúng ta sẽ không đảm bảo được định hướng của Đảng nếu như cứ để hệ thống các NXB yếu ớt như hiện nay, do đó phải đầu tư mạnh, lột xác và thay đổi thực trạng của các NXB”, Thứ trưởng khẳng định.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Xuất bản khởi sắc trong năm 2015

Hội nghị cũng công bố quyết định khen thưởng của Bộ Thông tin và Truyền thông cho các tập thể, cá nhân, đơn vị xuất bản và phát hành có thành tích tốt trong năm 2015.

Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục xuất bản, In và phát hành cho biết năm 2015 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng các nhà xuất bản (NXB) và các đơn vị phát hành luôn khắc phục và phát huy sức mạnh để đạt được những kết quả khả quan. Năm 2015, Cục xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận đăng kí xuất bản 76.371 tên xuất bản phẩm. Trong đó, có 2.774 tên xuất bản phẩm điện tử. Xuất bản phẩm nộp lưu chiểu dưới dạng sách giấy là 29.120 cuốn với 363.012.000 bản (tăng 2,8% về cuốn, giảm 2% về bản so với năm 2014). 

{keywords}
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành báo cáo tổng kết.

Năm 2015, số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu vẫn tăng về cuốn so với năm 2014, mức hưởng thụ bình quân khoảng 4,1 bản/người, tương đương năm 2014, cho thấy sự nỗ lực lớn của 60 NXB.

Tổng doanh thu sản xuất kinh doanh đạt 2.143.878 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2014, nộp ngân sách: 67.744 tỷ đồng (tăng 35% so với năm 2014). Lợi nhuận sau thuế của các NXB đạt khoảng 100.357 tỷ đồng (tăng 27% so với năm 2014). 

Trong năm 2015, tổng số sách phát hành trong cả nước là 396,5 triệu bản (tăng gần 5% so với năm 2014, tổng số xuất bản phẩm khác là 109 triệu bản (tăng hơn 6% so với năm 2014), xuất khẩu 392 nghìn bản sách, 6,8 triệu tờ báo, tạp chí (tăng 4% so với năm 2014, nhập khẩu hơn 60 triệu bản sách, 8,5 triệu tờ báo, tạp chí. Trong đó, tỷ lệ các loại sách nhập khẩu là: Sách giáo dục (52%), khoa học xã hội (16%), khoa học - kỹ thuật (12%), y học (7%) và kinh tế (13%).

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng cộng sản Việt Nam và cũng là năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, ngành xuất bản xác định chú trọng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, có bước đột phá quan trọng trong quá trình phát triển, xuất bản được nhiều bộ sách hay, có giá trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về xuất bản phẩm của toàn xã hội, xây dựng ngành xuất bản, in, phát hành phát triển vững mạnh, góp phần thức đẩy kinh tế xã hội của đất nước.

Quang Ninh