- Tác giả "Xách ba lô...", công ty sách và NXB đã làm việc xong với kết quả là một bản giải trình dài 31 trang.

{keywords}

Tác giả Khánh Huyền và tập 2 "Xách ba lô lên và đi" - "Đừng chết ở Châu Phi"

Năm 2012 khi tác giả 9X Khánh Huyền ra mắt tập 1 "Xách ba lô lên và đi" - "Châu Á là nhà", cuốn sách đã gây được sự chú ý trong một bộ phận giới trẻ, lượng bán tốt. Tuy nhiên, ngoài một nhóm độc giả nhanh chóng trở thành người hâm mộ nữ tác giả trẻ táo bạo này thì có một nhóm khác tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của hành trình cô đã đi.

Tháng 9 năm 2013, khi Khánh Huyền ra mắt tập 2 "Xách ba lô lên và đi" - "Đừng chết ở Châu Phi" thì cả hai nhóm độc giả kể trên đều tăng lên đáng kể về mặt số lượng. Không chỉ đặt Huyền Chip vào giữa tâm bão nghi ngờ về tính xác thực của hành trình, câu chuyện ứng xử văn hóa và thậm chí là khả năng vi phạm pháp luật đã bắt đầu được đặt lên bàn cân.

Tranh cãi giữa độc giả và đơn vị làm sách, tác giả chỉ bắt đầu mang tính hành chính sau khi một độc giả tên Trần Ngọc Thịnh quyết định viết đơn kiến nghị gửi Cục Xuất bản, đề nghị làm rõ chất lượng của ấn phẩm "Xách ba lô lên và đi". Ngay sau đó, Cục xuất bản đã gửi công văn yêu cầu NXB Văn học làm rõ những vấn đề ông Thịnh nêu ra trong kiến nghị.

Cho đến 12h trưa ngày 30/9, theo lời ông Trịnh Minh Tuấn - GĐ công ty sách Quảng Văn, ông Tuấn và ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc NXB Văn học, cùng tác giả Huyền Chip đã làm việc xong. Kết quả là một bản giải trình dài 31 trang dựa trên các điểm mà ông Trần Ngọc Thịnh đã nêu trong kiến nghị. Xác nhận sự việc với báo VietNamNet, ông Nguyễn Anh Vũ cho biết, hiện NXB Văn học chưa thể trả lời báo chí mà sẽ trả lời bằng văn bản gửi tới Cục xuất bản trước tiên.

- Series "Xách ba lô lên và đi" đã khẳng định từ cuốn đầu là thể loại "nhật kí hành trình". Thể loại này có cần phải chính xác 100%?

Ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc NXB Văn học: Về lý thuyết theo yêu cầu của đặc trưng thể loại phóng sự, bút ký là như vậy. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chỉ áp dụng được tương đối.

Chẳng hạn như tới đây NXB văn học sẽ xuất bản bộ sách Ký sự chiến tranh, tập hợp những bài phóng sự, bút ký viết về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Trong đó có rất nhiều tác giả hiện nay vẫn còn sống. Không lẽ chúng tôi cũng phải yêu cầu họ đưa ra những bằng cứ chứng minh họ đã từng có mặt ở địa điểm đó, trong thời gian đó, trực tiếp chứng kiến sự việc đó thì mới được in. Còn những tư liệu theo kiểu ghi chép cá nhân hoặc viết lại theo hồi tưởng không ai có thể kiểm chứng thì sẽ không được in.

Với cuốn sách của Huyền, chúng tôi sẽ rà soát lại các tình tiết chính gây tranh cãi, có thể kiểm chứng được như: chi phí, lịch trình. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số tình tiết khó có thể xác minh, như chi tiết gãy ống đồng khi tai nạn mô tô ở vận tốc 100km/h. Ai có thể chứng minh rằng đó không phải là 100km/h mà chỉ 50, 60km/h hay thậm chí là 110km/h. Với những tình tiết kiểu như vậy, chúng tôi tin vào lương tâm, trách nhiệm và tư cách của người cầm bút.

Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc công ty sách Quảng Văn: Cần phải có những bằng chứng xác thực!

Về việc độc giả nghi ngờ sự thật trong cuốn sách của Huyền, trước hết, cần phải có những bằng chứng xác thực, cụ thể để chứng minh được những điều Huyền viết là giả dối chứ không thể đưa ra dưới dạng nghi vấn. Tuy vậy, Quảng Văn và Huyền luôn sẵn lòng đón nhận thắc mắc của độc giả và giải đáp chúng.

Những việc như lậu vé, vượt biên hay làm việc trái phép thì Huyền chỉ kể lại chứ không cổ vũ mọi người làm theo. Tôi nghĩ độc giả thừa thông minh để đọc sách và xác định có thực hiện theo sách hay không.

 Vân Sam