Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trò lố và các vụ vi phạm của các chương trình truyền hình thực tế đang có dấu hiệu gia tăng, chất lượng chương trình giảm sút không khỏi khiến khán giả ngán ngẩm, “bội thực”.

{keywords}

Các thí sinh ăn mặc quái dị gây phản ứng mạnh tại Project Runway.

Ngắc ngoải” với chiêu trò nhạt nhẽo

“Việt Nam Idol” là một trong những chương trình truyền hình thực tế lâu đời nhất trên sóng của Đài Truyền hình quốc gia. Ở những mùa đầu tiên, chương trình đã thành công rực rỡ, đem lại cho nhà đài lượng người xem cao ngất và doanh thu “khủng” cho nhà tổ chức.

Lý do là ở thời điểm ấy, các cuộc thi về âm nhạc chưa quá nở rộ như hiện nay, và format mới toanh mua của phương Tây này đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính giải trí và chất  lượng chương trình.

Có thời điểm các thí sinh Việt Nam Idol khiến khán giả cứ đến giờ lên sóng là không rời màn hình, nhiều giọng ca thành danh và thành công rực rỡ từ cuộc thi. Nhiều bài hát sau cuộc thi bỗng dưng trở thành “hit”, “làm mưa làm gió” thị trường giải trí...

Nhưng rồi nhiều mùa đã trôi qua, như một quy luật tất yếu của thị trường giải trí, một món ăn, ăn nhiều năm sẽ nhàm chán, cộng với sự ra đời của nhiều cuộc thi âm nhạc mới mẻ và hấp dẫn, “Việt Nam Idol” đã mất dần sức nóng.

Nhiều năm liên tiếp, chương trình bị người xem phàn nàn về sự thiếu đổi mới, quanh đi quẩn lại cũng vẫn là những gương mặt giám khảo ấy, các trò lố quen thuộc của thí sinh...

Năm nay, điểm mới nhất của “Việt Nam Idol” có lẽ là... scandal bị ngưng phát sóng ngay ở giai đoạn tuyển thí sinh. Thế nhưng, ngay cả khi đã “thần kì” thoát hiểm, được phép phát sóng trở lại, game show này vẫn chỉ khiến dư luận xôn xao đôi chút rồi tiếp tục... thất vọng ngay ở những tập đầu.

Vẫn với “đặc sản” quen thuộc là những màn trình diễn của các thí sinh chơi trội và kì quặc đến mức ngớ ngẩn như cô gái đeo tai thỏ nhảy múa, nam thí sinh vừa hát vừa... bịt mũi, thí sinh tự chế ca cổ hát về mình...  khiến khán giả đặt câu hỏi phải chăng là sự sắp đặt? Cạnh đó là những cách thức “đá xoáy”, những kiểu bình luận quen thuộc của những gương mặt giám khảo không mấy mới mẻ đã khiến khán giả vừa xem vừa... thở dài.

Thông tin về sự đi xuống của phiên bản Mỹ American Idol và dự đoán về sự kết thúc của chương trình này đã khiến nhiều người càng khẳng định “Việt Nam Idol” cũng nên kết thúc, thay vì cứ “ngắc ngoải” với các chiêu trò nhạt nhẽo.

Dùng trò lố của thí sinh để gây sự chú ý, không chỉ có “Việt Nam Idol”. Mới đây, dư luận một phen xôn xao khi hình ảnh các thí sinh đến dự tuyển của chương trình thực tế tìm kiếm tài năng thời trang “Project Runway” được tung lên mạng.

Không biết là chủ kiến của thí sinh hay của chương trình mà mở màn một cuộc thi trình diễn tài năng thời trang lại biến thành một ngày hội của thời trang dị hợm: hàng loạt thí sinh và người hỗ trợ thí sinh ăn mặc không giống ai, từ cách ăn mặc khiến người  khác hoang mang không biết giới tính cho đến những chàng trai mặc những bộ váy dài quét đất và mất thẩm mỹ vô cùng...

Nhưng dù sao chăng nữa, theo nhiều người, chương trình nói trên cũng đã đạt được mục đích của mình, làm “nóng” dư luận trước thời gian diễn ra. Còn nếu không, với một chương trình vốn không nổi đình nổi đám lại có dấu hiệu bắt đầu “chìm” sau mấy mùa thì mong gì khán giả để mắt đến.

Không ngán chiêu trò vì “giơ cao, đánh khẽ”

Năm nào, dư luận cũng có lắm chuyện để nói về game show, nhưng không tập trung vào chất lượng các chương trình mà hầu hết đều là các scandal ngoài luồng. Bước sang năm thứ 4, “Giọng hát Việt” đang có nguy cơ “nguội” đi và các quán quân của chương trình, từ năm ngoái đã chẳng được mấy khán giả mặn mà đón nhận.

Thế là năm nay, nhà tổ chức “làm mới” ngay với một nhân tố giám khảo được đánh giá hấp dẫn là ca sĩ Thu Phương, một giọng hát chất lượng cao được yêu mến, từ hải ngoại về và từng có những cú vấp nổi tiếng một thời. Thế nhưng, dường như thế vẫn là chưa đủ.

Vừa mới đây, ngay trong chương trình, ở một khung giờ vàng, khán giả nhận ra đoạn phát sóng giới thiệu Thu Phương lại được cắt ra từ chương trình Paris By Night, một chương trình hải ngoại đã lùm xùm nhiều lần và không được phép lưu hành ở Việt Nam.

Người thì bảo sơ suất, người thì nói biên tập chương trình ẩu, nhưng không ít người cho rằng hai lý do trên khá khó xảy ra, có chăng lại là chiêu trò của nhà sản xuất để làm “nóng” dư luận, tăng lượng xem chương trình mà thôi.

Không phải tự dưng mà hễ nhắc đến game show thực tế, truyền thông và công chúng lại nhắc đến hai chữ “chiêu trò”. Phải chăng đó là công thức bắt buộc phải có để đạt được độ nóng và sức hút cần thiết của chương trình trong mắt các nhà sản xuất?

Chẳng biết thế nào, nhưng thực tế là khán giả đang hứng “rác” từ các chương trình thực tế sắp hết thời.

{keywords} 

Một thí sinh khá "dị" của Vietnam Idol 2015.

Và những cuộc xử phạt rầm rộ nhưng “đánh khẽ” của nhà quản lý, vài mươi triệu xử phạt hay cái “án treo” kiểu như “Việt Nam Idol” vừa qua khó lòng mà làm chùn chân các ông chủ khi mà chính những chiêu trò ấy góp phần đem lại cho họ những lợi nhuận khổng lồ.

Theo Báo Pháp Luật