Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm (Cty Tùng Lâm) đã ngang nhiên xây dựng một điểm thờ tự mới, có quy mô hoành tráng hơn thay thế cho nơi “thờ duyên” (nghĩa là cho cán bộ công nhân viên của Cty CP Phát triển Tùng Lâm thắp hương, khấn vái cầu nguyện) tại chân ga cáp treo 1 thuộc khu Danh thắng Yên Tử.

Trước đó, các cơ quan thông tấn báo chí đã lên tiếng về việc Cty Tùng Lâm biến sân khấu biểu diễn văn nghệ của khu Danh thắng Yên Tử thành “chùa ga cáp treo” với diện tích 60m2, được bài trí mái ngói nâu cong vút, các cột chống tròn trịa sơn son thếp vàng, lại có tượng Phật, điện Tam bảo, thờ Trúc Lâm Tam tổ. Những tháng lễ hội, nơi đây cũng là điểm dừng chân, thắp hương, bái Phật của du khách thập phương. Được biết, điểm thờ tự này không nằm trong hệ thống chùa Yên Tử, cũng không là chùa do Giáo hội Phật giáo Việt Nam lập nên. Chưa kể, điểm thờ tự được dựng lên trong vùng 1 (vùng bảo vệ đặc biệt) của khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.

{keywords}

“Chùa ga cáp treo” cũ tại Yên Tử.

Mới đây, nhiều phật tử lại “tá hỏa’’, khi chứng kiến cảnh Cty Tùng Lâm đã dỡ bỏ “chùa ga cáp treo” và xây dựng một công trình mới với nhiều hạng mục đồ sộ hoành tráng nhằm thu hút khách thập phương khi đến với Danh thắng Yên Tử.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cty Tùng Lâm cho biết, do nơi thờ tự lâu ngày bị hư hỏng, nên Cty tháo dỡ để xây dựng lại khang trang hơn. Và, công trình này ngoài chức năng thờ tự, còn là nhà sinh hoạt văn hóa của Cty.

Theo tìm hiểu của PV, trong sơ đồ quy hoạch khu Danh thắng Yên Tử, không có hạng mục nào được phê duyệt xây dựng nhà văn hóa cho CtyTùng Lâm. Bản vẽ phối cảnh được trưng bày tại khu vực xây dựng (tạm gọi là nhà văn hóa) theo thiết kế lại mang hình dáng là một ngôi chùa với mái cong, uốn lượn, ốp gỗ với quy mô hoành tráng và hiện đại.

{keywords}

Bản vẽ phối cảnh công trình nhà văn hóa của Cty Tùng Lâm tại vùng 1 khu Danh thắng Yên Tử.

Ông Vũ Đức Yêm, Trưởng Ban quản lý Danh thắng Yên Tử thừa nhận, với tư cách quản lý Nhà nước trên địa bàn, chúng tôi cũng đã biết việc xây dựng của Cty Tùng Lâm. Nhưng tôi nghĩ là họ chỉ xin sửa sang cho đẹp hơn chứ không có mục đích gì. Vả lại, công trình này Cty Tùng Lâm đã tồn tại từ trước. Tôi cũng chưa biết khi làm xong công trình này thì Cty Tùng Lâm sử dụng mục đích gì?

Đại diện Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh cho rằng, giáo hội chỉ quản lý về mặt thờ tự, nghi thức hành lễ, hoằng pháp, chứ về mặt xây dựng, đất đai do cơ quan quản lý Nhà nước.

Là di tích cấp quốc gia đặc biệt do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý, nhưng đại diện Bộ cho rằng, chưa nhận được văn bản, cũng như xin ý kiến về việc xây mới hạng mục nhà văn hóa của Cty Tùng Lâm tại vùng 1 của di tích đặc biệt này.

{keywords}

Chùa cũ đã được dỡ bỏ và thay vào đó là công trình mới hoành tráng hơn.

Còn nhớ, cách đây hơn 6 năm, Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản đề nghị dừng thi công công trình xâm phạm di tích suối Giải oan do CtyTùng Lâm làm chủ đầu tư. Đây là công trình cầu và sân khấu biểu diễn trên suối Giải oan xây dựng không phép và phá vỡ nghiêm trọng không gian di tích suối Giải oan, Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Yên Tử. Mặc dù, dư luận luôn trông đợi sự xử lý nghiêm khắc của các cơ quan quản lý để trả lại không gian nguyên vẹn cho khu di tích suối Giải oan, thế nhưng đến nay công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”…

Không hiểu các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh có biệt chuyện “tày đình” này không? Hay biết nhưng vẫn cố tình nhắm mắt làm ngơ để Cty CP Tùng Lâm ngang nhiên hoàn thành công trình trái phép trong vùng 1 của khu Danh thắng Yên Tử. Dư luận đang nóng lòng chờ câu trả lời từ các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh.

Tại khoản 2, Điều 32 Luật Di sản nêu rõ: Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin… Và, khoản 3 Điều 33, quy định: Bộ Văn hóa – Thông tin khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Theo Nhà báo & Công luận