- Vở chính kịch "Lời thề thứ 9" của Lưu Quang Vũ vừa được Chí Trung dựng lại đã sẵn sàng ra mắt công chúng Hà Nội.

Chí Trung làm kịch tố cáo sự vô cảm của xã hội
Chí Trung thời "bẻ gãy sừng trâu"

Buổi diễn thử trước khi công chiếu vở Lời thề thứ 9 diễn ra tại Nhà hát Tuổi trẻ sáng 21/11 diễn ra khá suôn sẻ. Âm thanh ánh sáng trong vở diễn khá đơn giản, tiết tấu vở diễn nhanh hợp với người xem hôm nay.

Sự phân hóa giàu nghèo của một đất nước đang phát triển ngày càng lớn dần, người nghèo vẫn lơ ngơ còn người giàu ngày càng tinh vi chuyên nghiệp. Chính vì thế, mặc dù đã 24 năm trôi qua kể từ khi công diễn lần đầu tiên năm 1988 nhưng tính thời sự trong vở diễn vẫn còn nguyên vẹn.

Nội dung của "Lời thề thứ 9" chủ yếu tố cáo thói vô cảm trong xã hội. Vô cảm từ cấp xã, cấp tỉnh cho tới cấp huyện. Đôn “sứt” là một trong ba anh lính bồng bột bỏ biên giới, bỏ đơn vị xách súng tìm về hỏi tội những kẻ đang cướp đất của người thân đồng đội mình, nhưng kẻ nắm quyền lực trong tay nhưng thật sự vô cảm trước nỗi khổ của người dân.

Ấn tượng trong vở diễn là nhân vật Chủ tịch xã, từ cách diễn đến lời nói đều có chất bi hài trong đó. Một người ham mê quyền lực, xu nịnh.  Ấn tượng là câu nói cửa miệng của Chủ tịch xã: “Tôi không hiểu…”. Tôi không hiểu vì tôi quá tự tin hay trái tim tôi đang dần nguội lạnh? Dù ông không ăn trộm, ăn cướp của ai nhưng ông vô cảm, trái tim nguội lạnh trước nỗi đau của nhân dân, vô cảm trước sự kiện xảy ra trong xã hội thì đó cũng đã là một tội ác rồi.

Cái kết của vở kịch cũng làm người xem phải rơi lệ. Chỉ có người mẹ, chỉ có tình yêu bao la của người mẹ luôn luôn đón nhận những đứa con dù tội lỗi vào lòng.  Đó cũng chính là bản sắc của  Lưu Quang Vũ. Chất nhân văn trong mỗi tác phẩm, mỗi kịch bản của anh luôn luôn sống trong mọi tầng lớp, mọi thời đại.

Một vài hình ảnh trong buổi tập vở "Lời thề thứ 9" trước khi nó chính thức ra rạp vào ngày 30/11 tại rạp Thanh Niên.










T.Lê