Tiếp tục mạch bài mổ xẻ về dòng phim lịch sử, VietNamNet tìm gặp NSND Thế Anh, người đã có một vai diễn để đời trong bộ phim cổ trang "Đêm hội Long Trì" cách đây hơn 20 năm. Ông đã có những nhận xét hết sức thẳng thắn về diễn xuất của các diễn viên đóng phim cổ trang hiện nay, trong đó có những ý kiến khiến người nghe giật mình.

Diễn viên Lý Hùng và hoa hậu Thùy Lâm trong phim "Tây Sơn Hào Kiệt"

Bộ phim lịch sử "Đêm hội Long Trì" ông tham gia đến nay vẫn khó có bộ phim nào vượt qua được và được nhiều thế hệ khán giả nhớ đến. Ông có nhớ những khó khăn ông gặp phải khi đóng phim cổ trang vào thời điểm dòng phim này còn khá xa lạ với khán giả và chính diễn viên?

Thế hệ diễn viên trong "Đêm hội Long Trì" hầu hết được đào tạo bài bản. Chúng tôi đa phần đều tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu Điện ảnh sau 4 năm học nên đều nắm được chìa khoá để mở từng kiểu nhân vật. Khi đóng "Đêm hội Long Trì", cả một ê kíp tham gia đều đã được đào tạo và học hành tử tế cộng thêm đạo diễn Hải Ninh nổi tiếng khó tính và kỹ tính. Chiếc áo mà nhân vật Chúa Trịnh do tôi đảm nhiệm mặc trên phim được đặt may rất cầu kỳ với giá 2 chỉ vàng, tốn kém nhưng đạo diễn rất chịu chơi. Việc đóng phim rất khó khăn ngay từ việc khoác lên người đám phục trang lên tới 7-8 kg. Trời thì nóng mà lúc nào cũng mặc lớp trong lớp ngoài. Nói chung dòng phim này đòi hỏi diễn viên phải có kỹ thuật cao.

Vai Chúa Trịnh trong "Đêm hội Long Trì" là vai diễn cổ trang đầu tiên của ông trên phim? Điều gì ở nhân vật này khó thể hiện nhất?

Vào vai các nhân vật trong lịch sử trên sân khấu nhiều rồi nhưng đây đúng là bộ phim cổ trang đầu tiên tôi tham gia. Vai chúa Trịnh Sâm có khá nhiều ứng viên nhưng cuối cùng tôi đã được chọn. Những gì tôi đã được chuẩn bị trong hành trang làm nghề của mình cứ thế mà được vận dụng vào phim chứ không phải đợi học để đóng phim lịch sử. Vào vai này, thần sắc của gương mặt rất quan trọng, ngay cả việc Chúa quắc mắc lên cũng phải khác người thường. Người đóng những vai vua chúa phải thể hiện được cái oai phong. Khi vớ được vai này tôi rất thích vì Trịnh Sâm là một nhân vật đầy tâm trạng, có tài nhưng háo sắc.

Cảnh quay trong phim "Long Thành Cẩm Giả Ca"

Theo ông, điều quan trọng nhất khi đóng phim lịch sử là gì? Ông có phải đọc nhiều tư liệu lịch sử không?

Tôi đã phải tìm hiểu lịch sử, nghiên cứu rất kỹ nhân vật này rất lâu trước khi phim bấm máy. Phải đọc thật nhiều về cuộc đời của nhân vật. Khi nhận kịch bản điện ảnh, tôi đã phải nghiên cứu hàng tháng trời bằng nhiều cách để nhập vai  Diễn xuất bên ngoài sao cho ra dáng vua dáng chúa đã đành nhưng điều quan trọng là diễn nội tâm ra sao. Bây giờ rộ lên chuyện đào tạo diễn viên lịch sử nhưng vấn đề đâu chỉ có thế. 

Thực tế là có rất nhiều diễn viên tham gia các dự án phim lịch sử gần đây chưa từng học diễn xuất, nhiều người chưa từng là diễn viên trước đó hoặc nếu đã đóng phim rồi thì chưa chứng minh được khả năng của mình. Có người đóng phim hiện đại rất nhạt nhưng lại được giao một nhân vật rất nặng có thật trong lịch sử. Không biết ông có xem các bộ phim lịch sử ra mắt gần đây không và ông thấy diễn xuất của các diễn viên thế nào?

Có, xem tôi thấy buồn cười lắm. Diễn viên hiện nay thiếu thần sắc. Họ có thể bắt chước được về mặt ngoại hình, đeo râu, đội mũ, cân đai đủ cả nhưng diễn không ra cái uy phong lẫm liệt của một vị vua. Như tôi đã nói, điều quan trọng là nội tâm của nhân vật. Không phải bạn mặc một bộ quần áo công chúa vào là bạn trở thành công chúa được đâu. Với thời gian chỉ hai ba tháng là đóng xong một bộ phim như bây giờ thì làm sao mà hay được. Xét về tổng thể thì các phim lịch sử được làm gần đây nói chung cũng tàm tạm nhưng đi sâu vào thì nhiều vấn đề lắm. Biết làm sao được. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ có ngành nghệ thuật của mình đi xuống mà rất nhiều lĩnh vực đều xuống.

Nghệ sĩ Thế Anh và Thu Hà trong phim "Đêm Hội Long Trì"

Phim lịch sử là dòng phim đòi hỏi cao ở mọi yếu tố, đặc biệt là khâu diễn viên. Nó không chỉ đòi khả năng diễn xuất tốt, sự nhập vai mà còn cần đến sự hiểu biết nhất định về lịch sử, nhân vật... Nhưng theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất?

Đó là cái thần của nhân vật. Hiện nay nhiều người mới thể hiện được cái vỏ bên ngoài của nhân vật. Ví dụ đóng Quang Trung, Nguyễn Du thì phải thể hiện được cái thần của từng nhân vật đó chứ không chỉ hô hào ở bên ngoài.

Nhắc đến hai nhân vật này, nhiều người nhớ đến hai bộ phim truyện nhựa là "Tây Sơn Hào Kiệt " và "Long Thành cầm giả ca", bộ phim vừa giành giải Cánh diều vàng. Vào vai vua Quang Trung là diễn viên Lý Hùng còn nhận vai Nguyễn Du là người mẫu Quách Ngọc Ngoan. Ông nhận xét thế nào về diễn xuất của họ?

Lý Hùng vào vai Nguyễn Huệ thì được ngoại hình, cái mặt và hô tam quân rất ổn nhưng cái nội tâm bên trong còn thiếu dù Lý Hùng cũng đã đóng phim rất nhiều. Còn diễn viên Ngọc Ngoan chỉ được cái đẹp giai còn trông cứ như người gỗ.

Góp một vai trong "Tây Sơn hào kiệt", hỏi thật ông có hài lòng về vai diễn này không? Vì sao?

Tôi không hài lòng một tí nào vì Nguyễn Hữu Chỉnh trong lịch sử không phải là con người như thế. Do trong Tây Sơn Hào Kiệt, phim tập trung vào nhân vật Quang Trung và công chúa Ngọc Hân nên vai Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ có một tẹo thôi, đã thế lại bị gán tội mê gái. Trong sử, Nguyễn Hữu Chỉnh là một nhân vật rất hay chứ không vớ va vớ vẩn như trong Tây Sơn Hào Kiệt. Chẳng qua khi được mời, tôi đóng một chút cho vui vì tôi và Lý Huỳnh là bạn thân.

Hạnh Phương