- "Những người viết huyền thoại", bộ phim chiến tranh duy nhất tham gia tranh giải Bông sen vàng rất may không phải là "thảm họa".

{keywords}

"Những người viết huyền thoại" được chọn mở màn tuần phim chào mừng LHP Việt Nam 18 tại Hà Nội tối 23/9. Buổi công chiếu được khá nhiều người trong giới quan tâm bởi đây là bộ phim đầu tiên của Hãng phim truyện Việt Nam được rót kinh phí thực hiện sau vài năm Hãng không được tài trợ làm bất cứ phim nào do ảnh hưởng từ vụ thất thoát hơn 40 tỉ đồng của Cục Điện ảnh.

Được rót kinh phí 11 tỉ đồng nhưng trên thực tế những người thực hiện chỉ nhận được số tiền thấp hơn nhiều do phải trích ngân sách làm phim "nuôi" Hãng. Do vậy kinh phí thực tế của "Những người viết huyền thoại" chỉ là 8,6 tỉ đồng, kèm 2,5 tỉ tiền tài trợ xin được. Một bộ phim chiến tranh với nhiều cảnh cháy nổ, kỹ xảo có thời lượng gần 100 phút chỉ thực hiện với số tiền chưa đầy nửa triệu đô (11 tỉ đồng) thực sự là một thách thức.

{keywords}

Một phim đề tài chiến tranh vốn là thế mạnh của Hãng phim truyện Việt Nam được giao cho một đạo diễn còn quá trẻ là Bùi Tuấn Dũng (ảnh) . Anh sinh năm 1975, thuộc thế hệ hậu chiến nhưng đã kịp có tác phẩm đầu tay khi mới 29 tuổi cũng là một phim chiến tranh, Đường thư (2004). "Những người viết huyền thoại" là phim điện ảnh thứ 4 của Bùi Tuấn Dũng nhưng sau gần 3 năm phim mới chính thức bấm máy và chỉ vừa hoàn thành cách đây không lâu.

Chọn đề tài "khó nhằn" lại dễ bị soi nhưng "Những người viết huyền thoại" có thể nói là một phim chỉn chu và tử tế trong bối cảnh phim Việt tràn ngập "thảm họa". Dưới bàn tay của một đạo diễn trẻ chưa đầy 40 tuổi, một góc của cuộc chiến tranh Việt Nam hiện lên vẫn giữ nguyên sự khốc liệt nhưng được thể hiện mới mẻ hơn, đặc biệt là ở những góc máy chuyên nghiệp của quay phim Lý Thái Dũng. Những góc máy hất lên từ dưới gầm chiếc xe tải hay cảnh những chiếc máy bay lao thẳng vào màn hình khiến người xem ấn tượng. Những cảnh quay này nếu được thực hiện bằng máy 3D thì chắc chắn hiệu quả hình ảnh sẽ hiệu quả hơn nhiều.

{keywords}
Trương Minh Quốc Thái trong một cảnh quay hài hước.

Trong "Những người viết huyền thoại", kỹ xảo cũng được sử dụng khá nhiều, đặc biệt là cảnh những chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ lao vun vút trên bầu trời. Tuy nhiên, cũng có thể do hạn chế về kinh phí cũng như kỹ thuật nên cảnh chiếc máy bay lao xuống ruộng nổ tung ở gần cuối phim do bé cô bé Mây (Phùng Hoa Hoài Linh đóng) bắn hạ bị tạo cảm giác giả. Mặc dù vậy, ngoài hình ảnh đẹp cùng âm thanh Dolby gây ép phê, có thể nói đây là bộ phim chiến tranh hấp dẫn.

"Những người viết huyền thoại" chọn một đề tài khô và khó về Binh đoàn Trường Sơn, những người xây dựng đường ống dẫn dầu vào Nam trong máu lửa khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn nước rút. Tuy nhiên, nhiều tình tiết đã được sử dụng để làm mềm bộ phim, như cảnh Nghĩa (Trương Minh Quốc Thái đóng) khỏa thân bắt cua, cảnh Nghĩa và Hà (Tăng Bảo Quyên) trò chuyện bên bờ suối... Nhân vật bé Hùng (Bùi Dương Kiếm Hùng đóng) cũng mang đến những điểm thú vị.

{keywords}
Bùi Dương Kiếm Hùng là con trai của ĐD Bùi Tuấn Dũng. Bé tham gia phim này khi mới 3 tuổi rưỡi.

Rất nhiều nhân vật trong phim được hình tượng hóa như Nghĩa hay hai chị em Mây và Hùng. Nghĩa được đẩy lên thành biểu tượng của những người lính đi xuyên qua bom đạn mà không sợ sệt. Cảnh Mây và Hùng, hai đứa trẻ mồ côi đứng trân trân nhìn cảnh mưa bom thả xuống trước mặt mà không hề hoảng loạn bởi chúng không sợ chết. Đạo diễn cho biết đây là những cảnh quay thật và không dùng kỹ xảo. Do vậy trước đó anh đã phải trấn an tinh thần cho hai bé và tập dần cho các em không biết sợ hãi trước tiếng bom đạn.

Tuy còn đôi chỗ không ổn nhưng nhìn chung "Những người viết huyền thoại" là một phim chiến tranh xem được. ĐD Bùi Tuấn Dũng thừa nhận: "Làm phim chiến tranh 1 cảnh cũng khó mà phim này có tới 4500 cảnh. Tôi chỉ tiếc là phim có dung lượng 115 phút mà bị cắt cụt đi còn dưới 100 phút. Tôi tiếc là không thuyết phục hãng rằng với phim chiến tranh, dưới 100 phút là ngu xuẩn. Đó cũng là sự ngu xuẩn của chính bản thân tôi vì đã chấp nhận cắt xuống chỉ còn 97 phút. Phim này phải thêm 15 phút nữa thì phim mới đủ khắc họa chân dung của nhiều người viết huyền thoại".

{keywords}
Tăng Bảo Quyên thay thế Lan Phương nhận vai nữ chính trong phim.

Hạnh Phương