- Sự kiện Nhà Việt Nam tại triển lãm quốc tế EXPO 2015 tại Milan (Italia) vốn gây tranh cãi về phần trưng bày được đưa vào danh sách bình chọn 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2015.


Bộ VHTT&DL giao báo Văn Hóa họp báo để bình chọn 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm vào ngày 24/12. Theo BTC, việc đưa 15 sự kiện văn hóa để báo chí bình chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu sẽ không bao gồm những sự kiện diễn ra thường niên nhưng không có sự đột biến ghi dấu ấn.

Theo đó, 15 sự kiện được đưa vào danh sách bình chọn bao gồm: Nghi lễ và trò chơi Kéo co của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản đa quốc gia; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lần thứ 2 được UNESCO công nhận là di sản  thiên nhiên thế giới và là di sản thiên nhiên thế giới duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này đạt 3 tiêu chí về đa dạng sinh học; Công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ dân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể; Công chiếu bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,...

{keywords}

Trong 15 sự kiện đưa ra cho báo chí bình chọn thì những sự kiện liên quan tới thể thao như: Ánh Viên lọt top 15 kình ngư xuất sắc nhất châu Á, Sea Games 28 là kỳ Sea Games thành công nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam,...được sự đồng tình của đa phần các nhà báo. Tuy nhiên, sự kiện Nhà Việt Nam là một trong những điểm thu hút khách tham quan nhất tại triển lãm quốc tế EXPO 2015 tại Milan (Italia) lại gây tranh cãi.

Phần đông báo chí đồng tình rằng, dư luận khen Nhà Việt Nam tại sự kiện này bởi phần vỏ là cái nhà tre tuyệt đẹp của KTS Võ Trọng Nghĩa dựng, nhưng đó lại chỉ là cái vỏ còn phẩn ruột lại sơ sài. Thêm vào đó, báo chí trong nước đã nhiều lần đăng bài phản ánh về việc các sản phẩm trưng bày trong ngôi nhà đó có cả sản phẩm của Trung Quốc. BTC Nhà Việt Nam tại Ý cũng đã gửi thông báo tới Bộ VHTT&DL và thừa nhận là Nhà Việt Nam có trưng bày sản phẩm thời trang Trung Quốc và phải thu hồi toàn bộ sản phẩm này, đồng thời cũng thừa nhận thái độ của nhân viên phục vụ du khách không tốt, đã phải kiểm điểm thái độ của nhân viên.

Việc một sự kiện gây tranh cãi như vậy mà đưa vào bình chọn là sự kiện tiêu biểu của năm là không hợp lý. 

Lý giải cho điều này, nhà báo Trần Đăng Khoa, Trưởng ban tổ chức bình chọn cho rằng, đó chỉ là một vài ý kiến cá nhân, việc trưng bày 6 tháng mà có tới 5 triệu lượt người tới thăm quan thì chắc chắn nó không tồi. Ông Khoa cũng khẳng định phần trưng bày sản phẩm thời trang có sự hiểu lầm, đó là trang phục của dân tộc Tày của Việt Nam chứ không phải là sản phẩm của Trung Quốc.

Qua mấy kỳ tổ chức bình chọn 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu, báo chí đã góp ý nhiều lần với BTC là nên thêm 5 sự kiện văn hóa 'tồi tệ' vào để từ đó nhìn được mặt được và chưa được của ngành văn hóa nhưng đã nhiều năm trôi qua, lời đề nghị của báo chí vẫn bị bỏ ngỏ. Trả lời những thắc mắc này, ông Khoa thừa nhận rằng, đúng là BTC vẫn chưa làm được điều này nhưng ông hứa sẽ đề nghị điều này lên Bộ VHTT&DL, ông tin Bộ sẽ cầu thị. "Nếu không được chấp thuận trong năm tới, báo Văn hóa chúng tôi sẽ tự đứng ra tổ chức bình chọn những sự kiện chưa tốt của ngành và cũng mời báo chí tới bình chọn đàng hoàng", ông Khoa nói.

T.Lê